Độc đáo nghề rèn thủ công truyền thống
Trong chuyến công tác lên bản Xúm Hom (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), chúng tôi có dịp tìm hiểu nghề rèn của người Mông. Đây là một trong những nghề thủ công được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong đời sống của người Mông có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc. Trong đó, có nghề rèn thủ công truyền thống. Những con dao, chiếc thìa, xoong, nồi được chế tạo dưới đôi bàn tay tài hoa, không những sắc bén mà còn có độ bền cao.
Tại mỗi phiên chợ vùng cao, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều dụng cụ như: Cuốc, dao, thìa, mõ trâu, lưỡi cày… Nghề rèn thủ công của người Mông đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay, cao hơn nữa là sự kiên trì và tính sáng tạo của thợ rèn mới có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo. Những sản phẩm này vừa có giá trị làm vật dụng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông.
Ông Lù đang chế tạo thìa. |
Ông Sồng A Lù, 95 tuổi ở bản Xúm Hom là một trong số ít những hộ gia đình người Mông trong bản, còn giữ được nghề rèn truyền thống này. Ông Lù cho biết: “Tôi làm nghề rèn này từ lúc chưa lập gia đình. Chất liệu dùng chế tạo xoong, nồi, dao, cuốc... tôi lấy từ các mảnh bom hồi xưa; nhôm xe máy hỏng, sắt ngoài chợ. Mang chúng về nhà, tôi chặt nhỏ rồi cho vào lò nung hơn 1 giờ, rồi đổ vào các khuôn mẫu đã chuẩn bị sẵn từ trước”.
“Mỗi ngày tôi làm được 4 sản phẩm như: Dao, thìa, xoong, cuốc. Riêng thìa mỗi ngày tôi làm được khoảng 20 chiếc, bán cho dân bản với giá 10.000 đồng. Còn dao tôi làm được ít hơn, chỉ từ 3 - 5 chiếc, bán với giá 350.000 đồng, tuỳ vào từng kích cỡ to, nhỏ khác nhau. Khách hàng nào có nhu cầu làm dụng cụ gì thì đặt trước, tôi sẽ làm và bàn giao đúng ngày”, ông Lù nói.
Người dân trong bản Xúm Hom đến nhà ông Lù đặt làm dụng cụ lao động. |
Giữ nghề qua nhiều thế hệ
Từ xưa đến nay, người Mông thường sinh sống ở các triền núi cao. Việc canh tác trên những sườn núi với những chân ruộng bậc thang nhỏ, hẹp uốn lượn, đòi hỏi bà con phải dùng trâu, bò để cày đất chứ không thể dùng máy như ở dưới xuôi. Từ những nhu cầu phục vụ sản xuất và làm nương rẫy, lưỡi cày, cuốc được người Mông nghiên cứu và tự đúc bằng kỹ thuật thủ công, chất lượng đạt tới độ “tuyệt đỉnh”.
Con dao sắc bén được ông Lù rèn tinh xảo từ trạm bom. |
Ngồi bên lò rèn đỏ hồng, ông Lù tâm sự: "Để làm ra được một chiếc dao và dụng cụ ưng ý, sắc bén thì trước khi rèn, nung sắt phải chuẩn bị than đốt và đắp lò. Lò phải được đắp bằng đất. Mặt lò võng xuống để có thể cho than vào. Khi đốt không phải là than đá, mà phải đốt bằng than của một loại gỗ lấy ở rừng. Khi rèn phải theo quy trình và phải có hai người. Một người kéo bơm gió (kéo bễ) để than trong lò cháy đều, cung cấp nhiệt cho quá trình rèn và một người rèn. Khi rèn, cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe rồi dùng búa đập. Khi sắt nguội lại cho vào lò nung, rồi đập tạo hình, mài…, cứ như thế cho đến khi tạo ra được sản phẩm đẹp và chắc” - ông Lù chia sẻ.
Ông Sồng A Của, Phó trưởng bản Xúm Hom cho biết: “Nghề rèn truyền thống đã gắn bó với người Mông chúng tôi từ rất lâu rồi. Do tập quán sinh sống của chúng tôi ở trên đồi cao, đường đi lại khó khăn, hiểm trở nên bà con ít khi xuống chợ. Các dụng cụ lao động đều tự tay người dân làm. Từ đó, tiết kiệm được chi phí phục vụ cho canh tác nương rẫy. Cả bản chúng tôi từ trước tới nay đều đến mua dụng cụ lao động ông Lù làm ra. Các sản phẩm của ông có chất lượng tốt nên bà con ai cũng tin tưởng và yên tâm”.
Với đôi bàn tay khéo léo và tài hoa, lão nông người Mông hơn 90 tuổi đã tạo nên những chiếc dao, thìa, xoong, nồi… tinh xảo và có độ bền cao. |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn không còn nhiều gia đình theo nghề rèn truyền thống. Một phần là do truyền dạy theo kiểu “cha truyền con nối” nên đã dần mai một và thất truyền theo thời gian. Khi các công nghệ đúc, rèn theo phương pháp hiện đại đang được áp dụng phổ biến, những sản phẩm sẵn có bán ngày càng nhiều ngoài chợ. Nghề rèn thủ công lại bị giới hạn trong khuôn khổ tự cung tự cấp, phục vụ cho nhu cầu của người dân trong xã là chủ yếu. Đó cũng chính là nỗi trăn trở bấy lâu nay của ông Lù.