Lào kéo dài phong tỏa, Philippines vượt 2 triệu ca mắc Covid-19

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có 219.220.748 ca mắc, gồm 673.658 ca mới. Số ca tử vong là 4.543.563, gồm 10.341 ca mới. Số ca hồi phục là gần 196 triệu ca.

Philippines đã có hơn 2 triệu ca mắc Covid-19.
Philippines đã có hơn 2 triệu ca mắc Covid-19.

Lào đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần từ 1/9 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng lên. Đây là lần thứ 9 Lào phải kéo dài lệnh phong tỏa kể từ khi áp dụng lần đầu từ 22/4/2021 nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Lào tiếp tục yêu cầu khẩn trương truy vết các ca mắc.

Theo lệnh trên, Lào sẽ đóng cửa biên giới đối với người nhập cảnh, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa, đồng thời dừng cấp thị thực du lịch, thăm thân cho người nước ngoài, trừ các chuyên gia, nhân viên của các tổ chức quốc tế và các nhà ngoại giao.

Các quán rượu, quán bar, karaoke, địa điểm giải trí… vẫn đóng cửa, các sự kiện có hơn 20 người bị cấm.

Hôm qua (1/9), Bộ Y tế Lào xác nhận 274 ca Covid-19 mới, trong đó 54 ca trong cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào đến nay là 15.289 ca và 14 ca tử vong.

Philippines đã vượt 2 triệu ca mắc Covid-19 vào hôm qua khi nước này đối mặt với ca mắc gia tăng kỷ lục. Trong 24 giờ qua, đất nước có 110 triệu dân này có 14.216 ca mới. Tổng số ca tử vong ở Philippines lên tới 33.533 ca. Bộ Y tế cho biết số ca mắc Covid-19 sẽ tăng thêm trong những ngày tới.

Việc phong tỏa thủ đô và các tỉnh lân cận đã được kéo dài cho đến tuần sau khi nhà chức trách chiến đấu để làm chậm sự lây lan của virus.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết ông đang cân nhắc về chính sách xét nghiệm quốc gia, theo đó yêu cầu mọi người tự xét nghiệm Covid-19 khi nước này bước vào giai đoạn truyền nhiễm phổ biến. “Khi chúng ta bước vào giai đoạn truyền nhiễm phổ biến, cho dù đã tiêm phòng hay chưa, bạn cần phải tự xét nghiệm thường xuyên. Đo dó chúng tôi muốn làm cho việc xét nghiệm có chi phí thấp hơn, dễ tiếp cận hơn”.

Bộ trưởng Y tế cho biết chính sách trên là một trong những lựa chọn nếu chính phủ không bắt buộc tiêm Covid-19 theo luật. Những người từ chối tiêm chủng sẽ phải tuân thủ một lịch trình và chế độ xét nghiệm nhất định, bao gồm xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại chủng Covid-19 có tên “Mu” còn được gọi là B.1.621 là một “biến thể được quan tâm”, trong bối cảnh lo ngại rằng các đột biến của nó cho thấy nguy cơ tiềm ẩn khả năng kháng với các loại vắc xin hiện có.

Biến chủng “Mu” được phát hiện lần đầu ở Colombia, WHO cho biết biến chủng này có một loạt các đột biến cho thấy các đặc tính của khả năng thoát miễn dịch”.

Theo WHO cho biết, biến thể Mu có một loạt các đột biến cho thấy các đặc tính tiềm năng của khả năng thoát miễn dịch. Dữ liệu sơ bộ cho thấy nó có cùng hành vi với biến thể Beta. Hiện biến chủng Mu chỉ có tỷ lệ phổ biến toàn cầu 0,1% trong số các ca mắc.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ