AEC được thành lập nhằm tạo dựng một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN.
Cơ hội lớn
Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ và vững chắc vào nền kinh tế toàn cầu.
AEC được kỳ vọng là cộng đồng năng động, có ảnh hưởng lớn
đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hằng năm ước đạt 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
Khi tham gia AEC, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5% vào năm 2025.
Nói về tác động của AEC đối với Việt Nam, ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ, Việt Nam sẽ là một trong một số nước hưởng lợi nhiều tự việc hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng so với các nước khác do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương.
Theo ông Yoshiteru Uramoto, nguyên nhân do Việt Nam – nền kinh tế với quy mô 170 tỷ đôla Mỹ, chủ yếu phụ thuộc vào sự hội nhập với các thị trường khu vực và quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 154% GDP, và các ngành nông nghiệp, công nghiệp dệt may và giày da của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Giao thương với nước ngoài là một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân trong những thập kỷ qua.
Còn ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Việt Nam nhận định: “Cùng với sự gia tăng của các dòng đầu tư và thương mại gia tăng, tốc độ cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao sẽ đẩy nhanh…
Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn”.
Nhưng thách thức cũng nhiều
Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có
khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, lao động Việt Nam quá thiếu kỹ năng và tác phong chuyên nghiệp, tay nghề non, tiếng Anh kém hơn rất nhiều so với kỳ vọng của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam đang rất khắt khe và chưa thực sự phù hợp.
Theo các chuyên gia lao động quốc tế, những điểm này có thể sẽ dẫn tới mất cơ hội có việc làm và gia tăng nạn thất nghiệp ngay
khi AEC bắt đầu hoạt động.
Để không “lỡ vé lên tàu” AEC, Việt Nam và các quốc gia thành viên cần gấp rút xây dựng chính sách và thể chế hỗ trợ sự phát triển toàn diện và công bằng.
Đối với thị trường lao động non trẻ Việt Nam, ông Yoshiteru Uramoto, cho rằng nếu không có sự quản lý quyết đoán, thì tiến trình thành lập AEC “có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng và làm trầm trọng thêm những khiếm khuyết của thị trường lao động như việc làm phi chính thức và lao động nghèo”.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ Việt Nam cần ưu tiên một số lĩnh vực then chốt như:
Thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm trong các ngành nông nghiệp, đa dạng hóa công việc trong các ngành chế tạo mới; mở rộng độ bao phủ phúc lợi xã hội; củng cố hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng, tập trung cải thiện giáo dục trung học và đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng trung bình và chú trọng các chính sách đãi ngộ, giữ chân lao động chất lượng cao.