Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là đòi hỏi của mỗi quốc gia, của mỗi nền kinh tế. Đây cũng chính là mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Giải pháp chiến lược tổng thể đã được chỉ rõ trong Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp(GDNN) đến năm 2020 và định hướng đến 2030” trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Đề án đã xác định 8 nhóm giải pháp, trong đó 3 nhóm giải pháp đột phá là: (1) Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; (2) Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; (3) Gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Ngay khi được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về GDNN, bản thân tôi và Lãnh đạo Bộ đã đặt ra nhiệm vụ phải nỗ lực tạo được sự chuyển biến tích cực, thực sự về chất lượng GDNN. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xác định rõ, vấn đề này không thể giải quyết một sớm, một chiều, mà nó cần có thời gian, cần có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế và của toàn xã hội.
Trong năm 2017, năm đầu tiên thực hiện quản lý nhà nước về GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống văn bản quản quy phạm pháp luật về GDNN. Đến nay về cơ bản được ban hành tương đối đầy đủ, bao phủ hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực GDNN, bảo đảm hệ thống GDNN vận hành tốt theo đúng quy định của pháp luật, đến nay đã trình ban hành và trực tiếp ban hành 42 văn bản hướng dẫn thi hành Luật GDNN, cắt giảm 31 thủ tục hành chính, bảo đảm việc đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực GDNN thuận lợi, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian thực hiện.
Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng năng lực thực hiện; việc tổ chức đào tạo cũng được nhiều cơ sở GDNN áp dụng theo phương thức đào tạo mới (đào tạo theo mô đun, tín chỉ), lấy người học làm trung tâm; chuyển giao, kiểm định và công nhận 22 bộ chương trình cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ CHLB Đức; đã và đang tiến hành đào tạo thí điểm 12 nghề theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc.
Việc gắn kết với doanh nghiệp đã được chú trọng, nhiều cơ sở GDNN đã tìm ra những hình thức hợp tác với doanh nghiệp hiệu quả; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đã tham gia trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đánh giá kết quả đào tạo; đã xây dựng được cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với VCCI.
Nhìn lại năm 2017, có thể khẳng định chất lượng GDNN bước đầu đã có chuyển biến tích cực, từng bước được cải thiện, một số lĩnh vực đã tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Chất lượng, kỹ năng của nguồn nhân lực qua GDNN đã dần từng bước bắt kịp với thị trường lao động và tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp. Tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90%, với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng…