Lao động ngắn hạn được đóng bảo hiểm xã hội

GD&TĐ - Kể từ ngày 1/1/2018, quy định mới về mức đóng, đối tượng đóng bảo hiểm xã hội sẽ có hiệu lực. Theo đó, người lao động làm việc ngắn hạn từ 1 - 3 tháng cũng sẽ được đóng bảo hiểm xã hội.  

Lao động ngắn hạn được đóng bảo hiểm xã hội

Thêm nhiều đối tượng được đóng bảo hiểm xã hội

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bổ sung một số đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1/1/2018, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng thêm bao gồm người lao động có hợp đồng ngắn hạn từ 1 - 3 tháng, người lao động nước ngoài có giấy phép lao động, giấy phép hành nghề.

Hiện có một lượng không nhỏ người lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Quy định mới sẽ giúp nhóm lao động này được tham gia bảo hiểm xã hội, được trợ giúp khi gặp rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm…

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp sử dụng lao động e ngại rằng, việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động 1 – 3 tháng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn bởi lực lượng lao động này không ổn định, thường xuyên chuyển chỗ làm, đặc biệt với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất có tính mùa vụ, sử dụng nhiều lao động ngắn hạn...

Về khâu tổ chức thực hiện, bảo hiểm xã hội đã hiện đại hóa các cơ sở quản lý để triển khai thực hiện tốt các quy trình nghiệp vụ cấp sổ, thẻ, chi trả quyền lợi cho người lao động. Theo đó, bảo hiểm xã hội sẽ cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp sổ, thẻ cho người tham gia mới.

Hiện Luật quy định thời gian là 20 ngày, nhưng theo đại diện bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này sẽ rút ngắn chỉ còn 7 ngày với người mới tham gia. Với người đã tham gia, đã có mã số bảo hiểm xã hội, đã được trả sổ bảo hiểm xã hội có thể tham gia đóng ở bất cứ đâu và với việc đăng ký điện tử thì chỉ mất 2 ngày, thậm chí trong ngày.

Cũng theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhiều công việc trước đây do đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện, nay đã chuyển sang bảo hiểm xã hội, kể cả việc tiếp nhận, trả hồ sơ, giải quyết chính sách. Đơn vị dịch vụ công là bưu điện sẽ đến tận nơi nhận hồ sơ.

Việc trả hồ sơ, sổ, thẻ cũng làm tận nơi; đơn vị sử dụng không phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội, không phải trả phí. Sổ bảo hiểm xã hội cũng được trả tận tay người lao động. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang rà soát bổ sung thông tin người tham gia để cấp mã số bảo hiểm xã hội, tiến tới hoàn thành cấp thẻ bảo hiểm xã hội điện tử vào năm 2020, thay thế hoàn toàn thẻ BHYT và sổ bảo hiểm xã hội giấy như hiện nay...

Không đóng BHXH bắt buộc trên tổng thu nhập

Cũng từ 1/1/2018, quy định mới về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội có hiệu lực. Theo đó, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp băn khoăn, căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội sẽ là tổng thu nhập của người lao động?

Nói về vấn đề này, đại diện bảo hiểm xã hội cho biết, nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội không phải là tổng thu nhập của người lao động. Theo quy định hiện hành, tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung và được phân loại thành 2 nhóm cố định hàng tháng theo kỳ trả lương và các khoản không định kỳ. Theo đó, chỉ những khoản phụ cấp lương và bổ sung được trả cố định theo kỳ lương mới tính vào thu nhập để tính mức đóng bảo hiểm xã hội.

Các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác mà phụ thuộc vào kết quả sản xuất, doanh số, phụ thuộc vào kết quả làm việc của người lao động thì không tính làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Quy định mới chỉ hướng tới điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội tiến gần hơn nữa với thu nhập thực tế của người lao động. Bởi chỉ có việc đóng bảo hiểm xã hội trên tiền lương thực tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu... mức hưởng sẽ cao hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay, chỉ có gần 50% doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động tham gia bảo hiểm xã hội. Số lao động được tham gia bảo hiểm xã hội còn khiêm tốn. Với riêng 18 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ở khu vực này còn rất ít. Như vậy, quy định mới sẽ giúp nhóm lao động trên được tham gia bảo hiểm xã hội, được trợ giúp khi gặp rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...