Giúp sinh viên hiểu hơn về bảo hiểm y tế

GD&TĐ - Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội, mang ý nghĩa nhân văn và chia sẻ cộng đồng. BHYT là bắt buộc với mọi đối tượng nhưng vì lý do nào đó, ngay cả HSSV đôi khi chưa hiểu hết quyền lợi và trách nhiệm của mình. 

Giúp sinh viên hiểu hơn về bảo hiểm y tế

Tuyên truyền để các em hiểu hơn về BHYT là mục đích liên ngành GD-ĐT, Bảo hiểm xã hội và Y tế cùng hướng tới.

Nhận thức còn hạn chế

Thực hiện Luật BHYT sửa đổi, từ năm 2015, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ HSSV tham gia bảo hiểm tăng từng năm. Nếu như năm học 2010 - 2011, cả nước có 70% HSSV có thẻ bảo hiểm thì con số trên tăng lên 85% vào năm học 2014 - 2015 và đạt 92,5% năm học 2016 - 2017.

Với khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT hiện nay, HSSV đang là một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất. Tuy nhiên, vẫn còn xấp xỉ 7,5% HSSV chưa tham gia bảo hiểm cho thấy nhận thức của một bộ phận HSSV và cha mẹ về chính sách BHYT nói chung và BHYT dành cho các em còn hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, một số cơ sở GD cũng chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm triển khai BHYT tới HSSV và chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về BHYT cho HSSV.

Vụ trưởng Vụ GD thể chất (Bộ GD&ĐT) Ngũ Duy Anh cho biết: QĐ số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, đặt ra với ngành GD huy động 100% HSSV tham gia BHYT từ năm học 2017 - 2018. Để đạt mục tiêu này, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ và trung cấp sư phạm phối hợp chặt chẽ với ngành Bảo hiểm xã hội từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật BHYT, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV bằng nhiều hình thức đến HSSV và cha mẹ các em.

Khắc phục điểm yếu

Theo ông Vũ Văn Phong, Phó ban thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), việc tham gia bảo hiểm lâu dài đem lại nhiều lợi ích cho các em. Hiện, với những người tham gia từ 5 năm trở lên, khi bệnh nặng mức cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ được bảo hiểm thanh toán 100%. Nhưng nếu việc tham gia gián đoạn trên 3 tháng hoặc đợi… có bệnh mới mua thẻ thì quyền lợi bị hạn chế rất nhiều bởi có bệnh được thanh toán ngay nhưng cũng có bệnh phải sau 30 ngày mua bảo hiểm mới được thanh toán.

Nói vậy để thấy rằng, tham gia bảo hiểm chính là cách để bảo vệ sức khỏe của mình, bảo vệ “túi tiền” của gia đình khi không may ốm đau, bệnh nặng, là cách thực hiện trách nhiệm công dân và xa hơn nữa là chia sẻ với cộng đồng. Vấn đề đặt ra là làm sao để các em, gia đình hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của HSSV với BHYT.

Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn đầu năm học, việc tổ chức các buổi tọa đàm chính sách pháp luật BHYT cho HSSV được liên ngành GD-ĐT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Y tế lựa chọn để cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho các em. Tại buổi tọa đàm do liên ngành tổ chức tại Học viện Quản lý Giáo dục ngày 19/12, các em hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm. Những khúc mắc về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, mua bảo hiểm bổ sung được chuyên gia giải thích cặn kẽ. Kết quả thu được sau buổi tọa đàm, nhiều SV đã chủ động liên hệ với trạm y tế, phòng công tác HSSV để đăng ký mua bảo hiểm. Về phía nhà trường, những vướng mắc trong việc tổ chức mua bảo hiểm cho SV, kê khai thông tin cũng được các chuyên gia “hóa giải”.

Tọa đàm Chính sách pháp luật BHYT HSSV được liên Bộ GD&ĐT và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại Học viện Quản lý Giáo dục ngày 19/12. 300 SV đại diện cho hơn 3 ngàn SV của nhà trường tham gia tọa đàm đã đưa ra câu hỏi liên quan đến việc mua bảo hiểm, quyền lợi thụ hưởng. Câu trả lời của ngành y tế, bảo hiểm đã phần nào giải đáp được khúc mắc bấy lâu đồng thời tạo niềm tin của chính sách bảo hiểm với HSSV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ