Lao động đi làm việc nước ngoài: Cần chuẩn bị tốt kiến thức về sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để giúp lao động chăm sóc tốt hơn về sức khỏe, nhiều đơn vị đang xúc tiến việc ban hành cuốn sổ tay sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Việc tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động ở nước ngoài chưa thực sự được chú ý. Ảnh minh họa
Việc tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động ở nước ngoài chưa thực sự được chú ý. Ảnh minh họa

Sự cần thiết của việc chuẩn bị tốt trước khi xuất cảnh

Ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, có khoảng 600.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thuộc 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số kiều hối chuyển về nước ước đạt 3 - 4 tỷ USD.

Năm 2019, có hơn 147.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ba thị trường phổ biến nhất là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), và Hàn Quốc. Trong đó Nhật Bản và Đài Loan là hai thị trường chính, chiếm tới 90% lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc đảm bảo khả năng đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe cho người di cư, nhất là vào các giai đoạn khủng hoảng như đại dịch Covid-19 là vấn đề quan trọng. Đặc biệt là đối với những quốc gia xuất khẩu lao động như Việt Nam.

Từ tháng 9 đến 11/2021, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề “Tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài trong đại dịch Covid-19”. Mục đích nhằm tìm hiểu kỹ hơn về trải nghiệm của lao động di cư Việt Nam tại nước ngoài trong việc tiếp cận các thông tin chính xác liên quan tới sức khỏe. Cùng với đó là dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn khủng hoảng y tế công cộng, cụ thể là Covid-19.

Cuộc nghiên cứu đã chỉ ra sự cần thiết của việc chuẩn bị tốt trước khi xuất cảnh. Bao gồm cả về ngôn ngữ và định hướng sức khỏe, cải thiện khả năng tiếp cận của lao động di cư Việt Nam với những thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và trong tình trạng khẩn cấp y tế công cộng nói riêng.

Việc cho ra đời cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế thân thiện với người di cư. Các video về hệ thống chăm sóc sức khỏe cùng nội dung liên quan khác về nâng cao sức khỏe cho lao động di cư tại nước ngoài là công cụ hữu hiệu hỗ trợ việc cung cấp thông tin y tế chính xác cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Tiếp cận dịch vụ y tế đúng cách

Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho rằng, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không chỉ có ích với người lao động mà còn có ích với cả chủ sử dụng lao động. Bởi lao động có khỏe mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh mới được duy trì và phát triển.

“Ngoài sức khỏe chung, mỗi đơn hàng, hay một công việc lại đòi hỏi lao động phải có đủ sức khỏe để đáp ứng công việc khác nhau. Ví dụ, với lao động đi làm nông nghiệp, công việc nhặt trứng gà thì không thể có vấn đề sức khỏe về cột sống được”, ông Tuấn nói.

Bà Aiko Kaji, Chuyên gia sức khỏe di cư IOM tại Việt Nam cho biết, nghiên cứu cho thấy, thực tế điều kiện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và việc tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động ở nước ngoài chưa thực sự được chú ý. Cùng với đó, việc chuẩn bị ngôn ngữ, định hướng vấn đề sức khỏe cho lao động di cư còn nhiều tồn tại.

“Nhóm công tác kỹ thuật sức khỏe người di cư, Cục Quản lý lao động ngoài nước, IOM đã có tiếp xúc, trao đổi với cơ quan chức năng sở tại, người lao động đang làm việc. Mục đích để tìm hiểu hơn về điều kiện chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư ở đó. Đồng thời thể hiện cam kết hỗ trợ, đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài”, chuyên gia sức khỏe Aiko Kaji cho biết.

Bà Trần Thị Tuyết Lương, cán bộ Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư của IOM Việt Nam chia sẻ, nhiều người lao động làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản khó khăn khi tiếp cận dịch vụ y tế đúng cách. Chẳng hạn, nhiều người không biết sử dụng thẻ BHYT đúng cách, nhiều trường hợp phải trả khoản chi phí chênh lệch do đến cơ sở y tế sai tuyến…

Theo bà Trần Thị Tuyết Lương, người lao động đi các nước này có độ tuổi trẻ dưới 30 tuổi, thiếu kiến thức sinh sản, vẫn giữ thói quen mua thuốc không theo đơn… Do đó, Sổ tay cung cấp thông tin sử dụng BHYT, xử lý khi ốm đau hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, chi phí khám sức khỏe thế nào, giành quyền lợi khi gặp tai nạn lao động…

Dự kiến sổ tay chăm sóc sức khỏe lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ được chia làm 9 phần. Trong đó có một số phần cơ bản như: Hướng dẫn đến phòng khám, bệnh viện; phần bệnh truyền nhiễm; phần chăm sóc sức khỏe tinh thần; phần sức khỏe nghề nghiệp; sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản; các số điện thoại đường dây nóng; đóng BHXH, BHYT...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bất kể mối quan hệ của bạn với người mà bạn yêu thương diễn ra như thế nào thì khi chia tay, bạn luôn cần có một khoảng thời gian để vượt qua. (Ảnh: ITN).

Cách vượt qua nỗi đau khi tình yêu tan vỡ

GD&TĐ - Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn đang đắm chìm trong tình yêu với một ai đó, nhưng khi mối quan hệ đó kết thúc, bạn sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn...