Còn bộc lộ nhiều hạn chế
Theo Bộ LĐ,TB&XH, sau gần 14 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đã thực hiện được các mục tiêu cơ bản. Quỹ đã góp phần tích cực trong việc ổn định và phát triển thị trường lao động.
Quỹ cũng hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Quỹ đã khẳng định được vai trò quan trọng đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, chủ động nguồn lực để hỗ trợ, xử lý các tình huống khẩn cấp trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, trong quá trình điều hành Quỹ còn gặp một số hạn chế khó khăn. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định cho doanh nghiệp chủ động kê khai, đóng góp để khai mức thu tiền dịch vụ thấp hơn so với thực tế. Từ đó, doanh nghiệp có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế và đóng góp Quỹ.
Ngoài ra, một số nội dung chi, mức chi chậm được điều chỉnh trong khi hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đa dạng. Bởi chỉ số giá tiêu dùng, tỷ giá ngoại tệ liên tục tăng. Nhiều tình huống, nhiều dạng rủi ro của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài chưa được đề cập đến...
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong tháng 4/2021, Việt Nam có 5.371 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34.912 lao động.
Bộ LĐ,TB&XH đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Mục đích dự thảo nhằm kế thừa những kết quả tích cực và khắc phục những tồn tại, hạn chế của Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg.
Đề xuất hỗ trợ cho lao động làm việc nước ngoài
Theo đó, tại dự thảo tờ trình, Bộ LĐ,TB&XH đề xuất mức đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước của người lao động là 100 nghìn đồng/lao động/hợp đồng. Điều này giữ nguyên mức đóng góp quy định tại Quyết định số 144 trước đó. Ngoài ra, bổ sung thêm đối tượng đóng góp và hưởng hỗ trợ từ Quỹ là người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh.
Trên cơ sở số lao động đưa đi các năm vừa qua, Bộ LĐ,TB&XH đề xuất mức đóng góp Quỹ của người lao động và mức đóng góp Quỹ của doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn 150 nghìn đồng/lao động/hợp đồng. Hiện, mức đóng góp Quỹ theo Quyết định số 144 khoảng 220 nghìn đồng.
Bộ LĐ,TB&XH cũng đề xuất mức hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài là 30 triệu đồng/trường hợp. Như vậy, mức hỗ trợ tăng bằng 3 lần so với mức hỗ trợ hiện nay.
Bộ LĐ,TB&XH lý giải, mức hỗ trợ này có thể bù đắp mức trượt giá hàng năm giai đoạn 2007 - 2020 (khoảng 40%). Mức này cũng bảo đảm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng của giai đoạn tiếp theo. Mức hỗ trợ phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, góp phần hỗ trợ cho gia đình người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm cân đối Quỹ.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định hỗ trợ cho người lao động phải về nước trước thời hạn. Áp dụng với đối tượng bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc.
Theo đó, người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/trường hợp. Người lao động có thời gian làm việc thực tế từ 1/2 thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở lên, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp. Mức này tương đương bằng 67% và 50% mức hỗ trợ với lao động bị tử vong.
Đồng thời, người lao động cũng được hỗ trợ khi phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng. Người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động. Hoặc đối tượng có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, với người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời gian hợp đồng, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp. Người lao động có thời gian làm việc thực tế từ 1/2 thời hạn hợp đồng trở lên, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp.
Ngoài ra, Bộ LĐ,TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ hỗ trợ cho người lao động chi phí ăn, ở trong thời gian người lao động chờ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động, chuyển chủ sử dụng theo quy định. Hoặc đối tượng phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của người lao động. Mức hỗ trợ cho đối tượng này là 500 nghìn đồng/người/ngày, tối đa không quá 10 triệu đồng/người.
Đồng thời, hỗ trợ bằng 50% cho phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý trong trường hợp tranh chấp lao động phức tạp giữa người lao động hoặc nhóm lao động với người sử dụng lao động. Mức này tối đa bằng 25 triệu đồng cho 1 vụ việc phát sinh tranh chấp.
Ngoài ra, Quỹ cũng tạo điền kiện cho người lao động phải về nước trước hạn vì lý do khách quan ổn định cuộc sống. Ngoài hỗ trợ trực tiếp, sau khi về nước nếu người lao động có nhu cầu hỗ trợ học nghề để tìm việc làm, Quỹ sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề có thời hạn dưới 3 tháng. Mức hỗ trợ bằng 70% chi phí đào tạo thực tế của khóa học nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/lao động.