Lao động di cư thiệt thòi tiếp cận dịch vụ giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, lao động di cư và con em của họ gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận dịch vụ giáo dục.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập của Hà Nội năm 2023. Ảnh minh họa: Tú Anh
Thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập của Hà Nội năm 2023. Ảnh minh họa: Tú Anh

Thống kê cho thấy, hiện mới đáp ứng được 45% nhu cầu tiếp cận dịch vụ giáo dục của người lao động di cư.

Còn nhiều hạn chế

“Thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng về chính sách với người lao động di cư”, TS Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) trao đổi và cho rằng, mặc dù lao động di cư tham gia vào lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức, nhưng nhiều người không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội; trong đó có các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch…

GS.TS Đặng Nguyên Anh, nghiên cứu viên cao cấp (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, qua khảo sát cho thấy, các khu công nghiệp còn thiếu hụt trường mầm non, mẫu giáo. Việc tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế, thiệt thòi. Trẻ em trong các gia đình này theo học các trường dân lập với chi phí cao hơn bởi hộ khẩu và tạm trú trở thành vấn đề khó khăn. Ngoài ra, vấn đề hộ khẩu/tình trạng đăng ký cư trú là rào cản lớn đến khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục công lập đối với lao động di cư.

Chia sẻ về kết quả khảo sát, TS Nguyễn Hải Hữu - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội Các trường đào tạo Nghề công tác xã hội cho biết, trong tổng số 840 trẻ em có độ tuổi 0 - 18 tuổi thuộc 500 hộ gia đình ở 5 khu công nghiệp, thì có 628 trẻ, chiếm 74,8% tổng số trẻ em (thuộc 423/500 hộ) đang theo học mầm non và các cấp học phổ thông. Trong số trẻ em đang đi học, có 52,7% trẻ học mầm non, mẫu giáo; 36,1% học tiểu học; 9,4% là học sinh THCS và chỉ có dưới 2% học THPT.

Việc tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế. Ảnh minh họa: ITN

Việc tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế. Ảnh minh họa: ITN

Bảo đảm bình đẳng

Từ khảo sát thực tiễn, TS Nguyễn Hải Hữu nhận thấy, chính sách giáo dục trẻ em đã được ban hành khá đầy đủ, từ học nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo đến các cấp học phổ thông. Tuy nhiên, đối với nhóm trẻ em di cư, chính sách mới quan tâm đến nhóm trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non. Đối với các cấp học phổ thông, đặc biệt là cấp THPT, chưa có sự quan tâm đến nhóm trẻ em di cư, còn sự phân biệt giữa trẻ em di cư và địa phương.

Các cơ sở trông giữ trẻ, mầm non, mẫu giáo cho con công nhân không sẵn có trong các khu công nghiệp. Các cơ sở trông giữ trẻ, mầm non, mẫu giáo tại địa phương tạm trú, đặc biệt cơ sở công lập ở tình trạng quá tải, xin học khó khăn; các cơ sở tư thục thì chi phí cao hơn. Ngoài ra, người lao động di cư làm việc trong khu công nghiệp khó khăn trong đưa đón con do tính đặc thù của công việc phải làm việc theo chế độ ca kíp. Kết quả, còn gần 15% trẻ em trong độ tuổi không tiếp cận được các cơ sở cung cấp dịch vụ nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non, phải ở nhà hoặc gửi các nhóm trông trẻ tự phát, không đảm bảo điều kiện an toàn.

Ở cấp tiểu học và THCS, việc nhập học khá khó khăn, không chắc chắn do các trường công lập bắt đầu quá tải và quy định về tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) bất lợi cho trẻ em di cư. Kết quả, trẻ em di cư thường được xếp trong lớp có sĩ số học sinh cao hơn, thậm chí lớp học cho học sinh tạm trú trên địa bàn, điều này có ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Ở cấp học THPT, trẻ em di cư trong độ tuổi thuộc các gia đình người lao động di cư khó có thể tiếp cận với các dịch vụ giáo dục công lập cùng cấp do quy định về tuyển sinh của thành phố; trong khi đó, dịch vụ giáo dục tư thục cùng cấp có chi phí học tập cao. Kết quả rất ít trẻ em di cư tiếp cận được, đa số trẻ em trong độ tuổi của các gia đình người lao động di cư làm việc tại khu công nghiệp phải trở về quê nhà theo học THPT.

Từ thực trạng trên, TS Nguyễn Hải Hữu khuyến nghị, cần sửa đổi để bảo đảm quyền bình đẳng giữa nhóm trẻ em di cư và nhóm trẻ em không di cư. Không nên có sự phân biệt nhóm trẻ em tạm trú với thường trú ở cấp độ quốc gia và cấp địa phương.

Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi các chính sách quy định về quy hoạch và thực hiện quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, bắt buộc phải có quy hoạch nhà trẻ, lớp mẫu giáo để chăm sóc trẻ em là con công nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm việc theo ca, kíp. Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất cần tính đến lao động di cư và con em họ trong việc phát triển và cung cấp dịch vụ xã hội, bao gồm cả việc phân bổ ngân sách địa phương, nhà ở, y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở;

Mặt khác, cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của lao động trong việc thực hiện quyền của trẻ em tiếp cận với dịch vụ giáo dục và y tế có chất lượng và chăm sóc thai sản. Cùng với đó, cần có các biện pháp hỗ trợ tích cực và hiệu quả đối với người lao động và con em tạm trú trên địa bàn tiếp cận với dịch vụ xã hội nói chung, đặc biệt dịch vụ giáo dục, y tế, nhà ở.

GS Đặng Nguyên Anh cho rằng, cần đưa ra định hướng mới về an sinh cho người lao động di cư trong tình hình mới, về cách tiếp cận y tế công bằng, nhà ở tối thiểu, an sinh xã hội, y tế, giáo dục…, bởi đầu tư cho người lao động di cư là đầu tư cho phát triển con người nên chế độ phải bao phủ và toàn diện.

Theo TS Dương Thị Thanh Xuân, các chính sách giáo dục cần được quan tâm để đảm bảo trẻ em di cư có cơ hội tiếp cận đến cấp THCS và THPT bình đẳng như trẻ em không di cư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.