Dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục: Nghị quyết đã có, hướng dẫn vẫn chờ

GD&TĐ - Nghị quyết 02 của HĐND TP Hải Phòng quy định về danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD.

Nhà trường mong muốn các cấp ngành sớm có hướng dẫn cụ thể mức thu chi trong năm học 2022 - 2023. Ảnh: TG
Nhà trường mong muốn các cấp ngành sớm có hướng dẫn cụ thể mức thu chi trong năm học 2022 - 2023. Ảnh: TG

Đây là hành lang pháp lý quan trọng, hạn chế tình trạng “lạm thu” đầu năm học. Tuy nhiên, nội dung trên chưa thể thực hiện do phải chờ quyết định của UBND TP.

Công khai, minh bạch các khoản thu

Nhiều năm nay, các cơ sở giáo dục tại Hải Phòng tổ chức hoạt động chăm nuôi bán trú, trông trẻ ngoài giờ (với mầm non, tiểu học), giáo dục kỹ năng sống, tin học… theo thoả thuận với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể với từng danh mục khoản thu dẫn đến cách làm không đồng nhất giữa các trường. Điều này gây ra sự so sánh, dư luận không tốt từ phía phụ huynh.

Điển hình cho việc “nhanh tay thu tiền” diễn ra tại Trường THCS thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thuỵ vào tháng 8 vừa qua. Theo phản ánh, khi đến làm thủ tục nhập học cho trẻ, phụ huynh phải đóng 2 triệu đồng mà không rõ tiền gì. Sau khi nhận được thông tin, các cấp ngành đã vào cuộc, UBND huyện đã phê bình hiệu trưởng nhà trường do triển khai các khoản tạm thu khi chưa có hướng dẫn của các cấp và sự đồng thuận của toàn thể phụ huynh. UBND huyện đã yêu cầu trường trả lại các khoản đã tạm thu cho phụ huynh.

Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, Sở GD&ĐT tham mưu UBND TP xây dựng Đề án Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trình HĐND thành phố phê duyệt.

Theo đó, Nghị quyết 02 của HĐND TP Hải Phòng đã được ban hành, quy định rõ danh mục 8 khoản thu gồm: Tổ chức bán trú (tiền ăn, mua sắm thiết bị bán trú); chăm sóc bán trú (chăm nuôi, hỗ trợ nấu ăn, trông trưa, quản lý trẻ ngoài giờ); dạy học 2 buổi/ngày với tiểu học; học thêm; học nghề; thi nghề; nước uống; trông xe.

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng chia sẻ: Theo xu thế phát triển của xã hội, các điều kiện phục vụ, hỗ trợ hoạt động dạy và học cho học sinh trong nhà trường được cải tiến. Do đó, việc xây dựng Đề án quy định mức thu và cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Hải Phòng là cần thiết, làm căn cứ để UBND thành phố triển khai theo quy định của pháp luật.

“Đề án nhằm thúc đẩy việc thực hiện chính sách xã hội hoá giáo dục của thành phố; bổ sung nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục để trang trải chi phí cần thiết trong công tác giảng dạy. Từ đó, tạo điều kiện cho các trường có nguồn kinh phí phục vụ việc nuôi dạy trẻ tốt hơn”, ông Kiệm cho hay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mong sớm có hướng dẫn thực hiện

Cô Nguyễn Thị Minh Khoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Lê Chân bày tỏ sự phấn khởi khi Nghị quyết 02 được ban hành. Nghị quyết giúp cơ sở giáo dục có căn cứ pháp lý để thoả thuận với phụ huynh học sinh. Danh mục các khoản hỗ trợ hoạt động giáo dục như Nghị quyết thông qua đã đầy đủ và phù hợp.

Tiên Lãng là huyện thuần nông của TP Hải Phòng, điều kiện sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Hàng năm các khoản thu dịch vụ giáo dục trong các nhà trường còn hạn chế. Theo cô Vũ Thị Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), vì điều kiện vùng khó nên hàng năm các khoản dịch vụ hỗ trợ giáo dục trường hạn chế triển khai, mức thu đưa ra thấp. Với quy định mới, các danh mục khoản thu, mức thu có quy định chi tiết, rõ ràng, phù hợp với điều kiện phụ huynh ngoại thành.

Tại Trường THCS Cát Bà, huyện Cát Hải mọi năm triển khai các khoản dịch vụ hỗ trợ giáo dục thấp hơn so với Nghị quyết 02 đưa ra. Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Chẳng hạn như dạy thêm, nhà trường thu 7 nghìn đồng/tiết, trong khi Nghị Quyết đưa ra là 10 nghìn đồng. Đây là căn cứ để nhà trường triển khai và tuỳ điều kiện dân cư để thoả thuận cùng phụ huynh cho phù hợp.

Bà Trần Thị Mai Phương - Phó phòng GD&ĐT huyện Thuỷ Nguyên cho rằng, việc đưa ra danh mục và mức thu như Nghị quyết 02 là mong mỏi của các trường trên địa bàn huyện. Có nhiều danh mục như: Kỹ năng sống, hỗ trợ cơ sở vật chất, điện nước dạy học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học… tạo thuận lợi cho các nhà trường thoả thuận cùng phụ huynh chung tay chăm lo để công tác bán trú tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Nghị quyết 02 được thông qua tuy nhiên đến này chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, nhà trường và phụ huynh đều mong muốn cơ quan chức năng sớm ban hành để chủ động triển khai khi năm học 2022 - 2023 đã cận kề.

Về vấn đề này, theo đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng, hiện liên Sở GD&ĐT, Tài chính chưa ban hành văn bản hướng dẫn thu chi cho năm học 2022 - 2023. Mặt khác, TP cũng chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc thu học phí của năm học tới, nhất là chủ trương thực hiện miễn học phí cho học sinh THCS, chưa thực hiện tăng mức thu học phí theo Nghị định 81. Ngoài ra, Nghị quyết của HĐND TP Hải Phòng về danh mục, mức thu, cơ chế quản lý thu chi các khoản dịch vụ hỗ trợ giáo dục trong các trường công lập đã ban hành, nhưng để thực hiện, cần có quyết định của UBND TP.

Như vậy, về nguyên tắc, việc thu các khoản dịch vụ hỗ trợ giáo dục chưa có căn cứ để thực hiện. Trong trường hợp nhà trường mua hộ, thu hộ như sách giáo khoa, đồng phục, bảo hiểm y tế phải có sự đồng thuận, đề nghị của phụ huynh. Quan điểm của sở GD&ĐT là việc thu phải được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch và kiên quyết chống lạm thu, tránh tạo áp lực cho cha mẹ học sinh vào thời gian trước và đầu năm học.

Trước khi xây dựng các khoản thu, mức thu như đã thông qua, Sở GD&ĐT Hải Phòng khảo sát thực trạng việc thu, quản lý, sử dụng khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các nhà trường trong 3 năm học: 2019 - 2020, 2020 - 2021, 2021 - 2022. Sở GD&ĐT đã có văn bản xin ý kiến 732 đơn vị trên địa bàn, trong đó có ý kiến của nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ