Dân khốn khổ vì ô nhiễm
KCN Tằng Loỏng nằm trên địa bàn huyện Bảo Thắng, có mặt bằng khoảng 1.100 ha với 28 dự án đăng ký đầu tư, đã có khoảng 20 nhà máy đi vào hoạt động. Trong đó tập trung một số nhà máy có công suất hoạt động lớn như: Nhà máy tuyển quặng A-pa-tít công suất 950.000 tấn/năm, 5 nhà máy sản xuất phốt pho vàng có công suất 44.000 tấn/năm…
Bước vào KCN có thể cảm nhận môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, khói, bụi và đặc biệt là mùi lạ, rất khó thở, thậm chí bị ho sặc sụa. Những cột khói trắng, đen, vàng (phốt pho thoát ra) và nước suối có lúc chuyển màu xanh, đỏ… Người dân không dám rửa chân tay ở suối vì nước có mùi lạ, khá nhớt, sau khi rửa bị mẩn ngứa. Tình trạng lưu huỳnh rơi vãi đầy đường cũng khiến môi trường thêm trầm trọng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết: Trước mắt, để bảo đảm sức khỏe cho người dân, tỉnh Lào Cai đã đưa 69 hộ dân nằm trong vành đai có nguy cơ ô nhiễm cao ra khu tái định cư. Ngoài ra, phải di chuyển tiếp 600 hộ dân trong vành đai ảnh hưởng ra thị trấn Phố Lu, cách ly hoàn toàn khỏi khu vực ô nhiễm môi trường.
Những người dân ở Tổ dân phố số 7, thị trấn Tằng Loỏng, cho biết từ khi các nhà máy đi vào hoạt động, do ảnh hưởng của khói, bụi, các gia đình ở đây không thể nuôi trồng được bất cứ thứ gì, cây cối, hoa màu cứ cháy dần rồi chết.
Nguồn nước bị ô nhiễm, cá nuôi dưới ao lứa này đến lứa khác cứ chết dần, chết mòn. Mặc dù tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề, nhưng trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện chưa có khu xử lý chất thải tập trung. Các chất thải đều do các chủ đầu tư tự thu gom xử lý.
Công nghiệp hóa chất là thủ phạm chính
Theo tìm hiểu, tổng lượng nước thải phát sinh tại 4 KCN trên địa bàn Lào Cai là 7.377 m3/ngày đêm. Hiện có 2 KCN được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung: Đông Phố Mới công suất 500 m3/ngày đêm; Tằng Loỏng giai đoạn 1 với công suất 3.000 m3/ngày đêm.
Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt khoảng 50% tổng lượng phát sinh. Hiện nay, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Tằng Loỏng (giai đoạn 2) với công suất 4.950 m3/ngày.
Khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông và các hoạt động sản xuất công nghiệp đặc biệt là công nghiệp hóa chất, sản xuất phân bón và sản xuất thép (chủ yếu tập trung tại KCN Tằng Loỏng) là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở Lào Cai.
Theo điều tra thống kê, hiện nay tổng lượng khí thải phát sinh tại các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng khoảng 1,7 triệu m3/giờ, thành phần khí thải chủ yếu SO2, NOx, hơi axít...
Phạt nhưng vẫn ô nhiễm
Theo BQL Khu kinh tế Lào Cai, về cơ bản các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động một số nhà máy vẫn còn để xảy ra sự cố, rò rỉ khí thải gây tác động cộng hưởng làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của người dân sống xung quanh.
Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có 12 nhà máy trong KCN Tằng Loỏng thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động đối với khí thải.
UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không mặn mà cho lắm, nên mới chỉ có một số đơn vị lắp đặt thiết bị quan trắc tự động kết nối với Sở TN&MT.
Theo cơ quan chức năng Lào Cai, đến hết năm 2018 mới có 3/4 KCN được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết; KCN Tằng Loỏng mới lập xong đề án, đang trình Tổng cục Môi trường thẩm định phê duyệt.
Kết quả quan trắc khí thải tại KCN Tằng Loỏng cho thấy, có một số thông số vượt quá quy định trong không khí, nước thải (khói bụi của các nhà máy; thông số TSS, BOD vượt ngưỡng trong nước thải).
BQL Khu kinh tế Lào Cai đã tiến hành kiểm tra toàn diện tại các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng; phối hợp với Sở TN&MT thanh tra các doanh nghiệp trong KCN có sai phạm về môi trường.
Sau thanh tra, UBND tỉnh Lào Cai xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty DAP số 2 là 150 triệu đồng; Công ty Cổ phần hóa chất Phúc Lâm 130 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco Lào Cai 350 triệu đồng.