Chỉ số ô nhiễm tăng cao
5 điểm quan trắc chất lượng không khí AQI cao nhất trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội trong tổng số 10 điểm tính đến ngày 17/9 như sau: Điểm quan trắc UBND Phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm - 161; Công an phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm - 157; 36A Phạm Văn Đồng – 155; Công viên hồ Thành Công – 148; 17 Trung Yên 3, Trung Hoà, quận Cầu Giấy - 147.
Trong khi đó, tính đến thời điểm 12 giờ ngày 17/9, trên ứng dụng thời tiết Air Visual đã cập nhật 5 điểm ô nhiễm không khí nhất Hà Nội như sau: Phố Hàng Đậu (quận Ba Đình) – 170; Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) – 168; Chi cục Bảo vệ môi trường (Trung Hoà, quận Cầu Giấy) – 166; Đường Thành Công (quận Đống Đa) – 166; Quận Hoàn Kiếm - 163. Đây là mức nguy hại đến sức khỏe của tất cả mọi người.
EPA (The U.S. Environmental Protection Agency - Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ) tính toán chỉ số AQI tốt là từ 0 đến 50, trung bình là từ 51 đến 100, xấu là từ 151 đến 200, rất xấu là từ 201 đến 300 và nguy hại là từ 301 đến 500. Để giảm thiểu tác động từ chất lượng không khí xấu, người dân nên nắm bắt chỉ số và chủ động bảo vệ sức khoẻ.
Điều đáng nói, chỉ số bụi mịn PM 2.5 ngày 17/9 tại Hà Nội là 91,8 µg/m3, cao gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 lên cao như vậy là một điều rất đáng ngại. Bụi PM 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét).
Dùng khẩu trang, hạn chế ra ngoài
TS Hoàng Dương Tùng cho biết, nhiều ngày nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội báo động là bởi hiện tượng nghịch nhiệt.
Nhiệt độ lớp không khí gần mặt đất có nhiệt độ thấp, trong khi lớp không khí bên trên có nhiệt độ cao hơn (thông thường càng lên cao nhiệt độ không khí càng giảm), có thể tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố ở độ cao khá thấp.
Sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến chất lượng không khí xấu đi.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, để ứng phó với không khí ô nhiễm, khi ra ngoài đường phải chú ý đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khẩu trang y tế, khẩu trang vải chỉ có tác dụng lọc bụi thô chứ không có tác dụng lọc bụi mịn. Chỉ có khẩu trang N95 và một số khẩu trang đặc biệt khác với kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi mịn này.
Tuy nhiên khẩu trang N95 khá đắt, lên tới vài trăm ngàn đồng/chiếc và đeo vào hơi khó thở nên ít người sử dụng. Điều đáng nói là đánh vào thị hiếu người dùng, hiện trên thị trường có loại khẩu trang N95 dởm có giá vài chục nghìn đồng/chiếc nhưng không lọc được bụi mịn như quảng cáo, mà chỉ lọc được bụi thô như khẩu trang vải thông thường.
Để đối phó với ô nhiễm không khí, ngoài cách hạn chế ra đường vào những thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng, người dân cũng có thể dùng các loại khẩu trang như khẩu trang than hoạt tính, khẩu trang diệt khuẩn bằng nano oxittian… do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, chế tạo và có bán ở một vài cơ sở nghiên cứu khoa học.
Nếu gia đình có điều kiện, có thể sử dụng máy điều hòa nhiệt độ để lọc sạch không khí, không cho trẻ em, người già ra đường vào các thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Khoa Môi trường, Trường ĐH Xây dựng cho biết, việc hạn chế ô nhiễm không khí là rất khó. Các cách như đeo khẩu trang, hạn chế ra đường, đóng cửa bật điều hòa, máy lọc không khí… chỉ có thể giảm thiểu phần nào đó, chứ không ngăn ngừa hoàn toàn được việc bị tác động bởi không khí ô nhiễm.
Do đó, cần đến những hành động cụ thể mang tính xử lý tận gốc, giảm phát thải khói bụi, thì mới giảm được ô nhiễm.