Nếu như ở Đồng Nai, nhắc tới sông Thị Vải là nhắc tới dòng sông chết, thì ở miền Bắc có lẽ sông Tô Lịch chẳng là gì với Ngũ Huyện Khê của tỉnh Bắc Ninh. Mùi thối, nước đen đóng váng, rác và đặc biệt là mùi tanh nồng hơn xác cá chết bao trùm phủ khắp cư dân ven bờ dài 24 cây số.
Nhưng đặc biệt phải hứng chịu nỗi khốn khổ này là cư dân của thành phố Bắc Ninh. Về Bắc Ninh, du khách có lẽ rất kì vọng để nghe thấy làn điệu quan họ, nhưng chẳng khó khăn gì khi “nhận” được mùi khó chịu từ dòng Ngũ Huyện Khê.
Thủ phạm giết chết dòng sông
Ngũ Huyện Khê là một chi lưu của sông Đuống, nó bắt nguồn từ địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội) và chảy vào tỉnh Bắc Ninh tại thị xã Từ Sơn. Cuối cùng, sông Ngũ Huyện Khê đổ vào sông Cầu tại phường Hoà Long (TP Bắc Ninh). Dòng sông bị “bức tử” đến chết là thực tế mà người dân Bắc Ninh hay chính quyền sở tại chẳng lạ lẫm gì.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh nói với PV rằng: Có hai làng nghề chính được coi là thủ phạm “bức tử” dòng sông này. Một là làng nghề Châu Khê làm sắt thép; hai là làng nghề Phong Khê với nghề làm giấy. Nhưng, chúng tôi xác định Châu Khê không phải là thủ phạm vì nước thải chủ yếu là nước làm mát. Phong Khê thì chắc chắn đầu độc dòng sông, không ai phủ định được.
Thủ phạm gây ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê được xác định do cơ sở sản xuất giấy Phong Khê |
Chúng tôi có mặt ở làng nghề Phong Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) bên dòng sông Ngũ Huyện Khê nước chảy lờ đờ chảy mang theo vô số mảng váng xám đục, bốc mùi nồng nặc tanh tưởi. Hai bên bờ sông, từng lớp chất thải bột giấy đóng váng bám vào cây cỏ.
Từ đầu làng đến cuối phố, xe cộ chở hàng nườm nượp, khói bụi mù trời. Nhiều người mới bước chân đến vùng này đã ho sặc sụa, buồn nôn, vậy mà từ bao năm nay, đời sống hàng nghìn hộ dân ở đây phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn, với nguồn nước ô nhiễm. Người dân cũng không muốn nói nhiều về thực trạng ô nhiễm nữa, vì họ đã thực sự nản sau nhiều năm tháng kêu rã họng cũng chẳng ích gì.
Đốt nhựa, xả thải vì lợi ích
Làng nghề làm giấy Phong Khê có khoảng hơn 2.000 hộ dân với gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất với công suất khoảng trên dưới 200 nghìn tấn giấy mỗi năm. Thế nhưng, bước vào làng nghề mùi giấy không thấy chỉ thấy mùi thối. Và chính người dân của làng nghề này cũng rất bức xúc với thực trạng các doanh nghiệp trên địa bàn thường xuyên sử dụng chất thải công nghiệp làm chất đốt cho các nhà máy và xả thải hóa chất ra sông Ngũ Huyện Khê.
Theo người dân địa phương, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu đốt là đế giày, vải vụn, nhựa thải để đốt lò. Làm vậy doanh nghiệp được hai cái lợi, vừa nhận được tiền “tiêu thụ” chất thải từ các KCN, vừa giảm được chi phí đốt lò. Từ khi bị người dân phát hiện, các cơ sở chuyển sang hoạt động kín đáo vào ban đêm.
Họ dùng xe tải bịt kín chở chất thải KCN về trực tiếp cho vào kho, chờ đến đêm mới đốt. Nhưng chỉ cần nghe mùi khét là đủ biết nhiều cơ sở thường xuyên sử dụng loại chất đốt độc hại này. Còn nước thải, các doanh nghiệp ngang nhiên cắm ống thải ra kênh thủy lợi rồi đổ trực tiếp ra sông.
“Sông chết” đúng nghĩa
Các chỉ số độc tố nước sông Ngũ Huyện Khê đều vượt ngưỡng nhiều lần |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm trước với chủ trương phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh, làng nghề làm giấy Phong Khê phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân. Có thời điểm, hầu như gia đình nào cũng có một bộ máy tái chế, sản xuất giấy.
Tất cả nước thải được các hộ thải trực tiếp ra cống, chảy xuôi theo hệ thống mương, rãnh ra sông. Chất thải rắn thì tích tụ đổ chất đống ở hai bên bờ sông hoặc đổ “trộm” ra ven quốc lộ. Ống khói mọc như nấm sau mưa trên các nóc nhà thi nhau nhả khói đen kịt che kín cả tầm nhìn của xe cộ lưu thông trên quốc lộ 18 đoạn qua làng nghề.
Suốt một đoạn sông dài hàng chục cây số từ làng nghề giấy Phong Khê đổ ra sông Cầu bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nồng nặc và đổi màu đen kịt. Nguy hại hơn, dòng nước đen từ đây còn trực tiếp đe dọa sự an toàn của môi trường nước sông Cầu - nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng chục nghìn hộ dân ven sông của hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang.
Kết quả phân tích quan trắc của Sở TN&MT cũng cho thấy, hầu hết các chỉ số ô nhiễm, độc tố trong mẫu bùn ở đáy sông Ngũ Huyện Khê đều cao hơn mức cho phép nhiều lần. Điều đó cho thấy, chỉ số sự sống đối với các loài sinh vật dưới nước ở khu vực này là bằng không. Nói cách khác, đây là một dòng sông “chết” đúng nghĩa.
Để cứu dòng sông cũng như giảm tải ô nhiễm, tỉnh Bắc Ninh cũng cho xây dựng các nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê 1, Phú Lâm, Phong Khê 2. Ngoài ra, tỉnh này cũng triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Nhưng, tiến độ dự án cứ như “rùa bò”, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.