Lào Cai: Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tăng cả lượng và chất

GD&TĐ - Sau 15 năm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục, giáo viên (GV) theo Nghị quyết số 27 Ban Chấp hành TW Đảng đã cho thấy tăng cả lượng và chất.

Số lượng giáo viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú ngày càng tăng.
Số lượng giáo viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú ngày càng tăng.

Thông tin từ Sở GD&ĐT: Lào Cai đã đạt được những thành tựu trong công tác xây dựng đội ngũ CBQL, GV về số lượng (tăng lên), cơ cấu (hợp lý), chất lượng. Đáng nói đa số đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng tốt các yêu cầu/nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới; chủ động tham gia các diễn đàn khoa học với tính chất/quy mô khu vực hoặc Thế giới…

Trong 15 năm qua, Sở GD&ĐT đã tham mưu tuyển dụng được 20 công chức không qua thi tuyển; tham mưu cho 206 viên chức được nhận chế độ hỗ trợ đào tạo trình độ sau đại học theo quy định của tỉnhl; 4999 người được tặng “Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục”, 18 người được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”;

233 người được tặng “Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và Phát triển tỉnh Lào Cai”, 472 lượt người được nhận “Bằng khen” của Bộ GD&ĐT, 4614 lượt người được nhận “Bằng khen” của Chủ tịch UBND tỉnh, 22 người được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh”, 2450 lượt người được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” và 13985 lượt người được công nhận danh hiệu “Lao động tiến tiến”.

Đến nay, ngành GD&ĐT Lào Cai có 77,06% CBQL, GV mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, trong đó có 2,1% viên chức có trình độ sau đại học, 11,26% đang tham gia chương trình đào tạo nâng chuẩn trình độ;

81,27% CBQL đã có trình độ lý luận chính trị (LLCT) từ trung cấp trở lên, 9,05% đang tham gia đào tạo trung cấp LLCT, 15,54% GV thuộc diện quy hoạch CBQL cơ sở giáo dục đã có hoặc đang tham gia đào tạo trình độ LLCT; số CBQL, GV đăng ký đào tạo trình độ đại học văn bằng 2 tiếp tục tăng qua từng năm.

Hằng năm, có trên 97% CBQL, GV tham gia các hoạt động bồi dưỡng trong năm học, hoặc trong hè với trên 99,8% được xếp loại “Hoàn thành Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên”; trên 98% CBQL, GV sử dụng tốt tài khoản LMS trong bồi dưỡng các mô đun triển khai Chương trình, sách giáo khoa GDTP mới;

Đặc biệt, 100% CBQL, GV được giao trách nhiệm quản lý, giảng dạy trực tiếp đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10 được bồi dưỡng trước khi triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới tại cơ sở giáo dục. Trên 360 lượt CBQL, GV tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài…

Theo đánh giá chung của Sở GD&ĐT Lào Cai, đội ngũ CBQL, GV và học sinh mầm non, phổ thông được quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu làm việc/học tập;

Xây dựng môi trường giáo dục văn minh, an toàn, lành mạnh; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định; tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm và giao lưu, hợp tác với các tổ chức giáo dục với quy mô khu vực, thế giới…

Trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ CBQL, GV ngày càng được nâng lên; số CBQL, GV có trình độ đào tạo sau đại học tiếp tục tăng; chất lượng giáo dục giữa các vùng trên địa bàn toàn tỉnh được rút ngắn dần khoảng cách; đội ngũ CBQL, GV tích cực tham gia hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Hoàn thành 100% các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra theo từng giai đoạn trên cơ sở kế hoạch/chương trình công tác đã xây dựng.

Chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ CBQL, GV ngày càng nâng lên
Chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ CBQL, GV ngày càng nâng lên

Phát triển đội ngũ đến 2030, tầm nhìn đến 2045

Bên cạnh những kết quả khả quan sau 15 năm xây dựng và phát triển đội ngũ CBQL giáo dục, GV theo Nghị quyết số 27 Ban Chấp hành TW Đảng thì Sở GD&ĐT Lào Cai cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế.

Đó là số CBQL, GV ở bậc học mầm non, tiểu học có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ còn rất ít; những CBQL, GV có trình độ sau đại học tham gia sáng tạo, nghiên cứu khoa học đã tăng lên, song còn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Việc thu hút những trí thức có năng lực, trình độ cao về công tác trong Ngành Giáo dục còn khó khăn; một số CBQL, GV có năng lực, trình độ chưa thật sự yên tâm công tác tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, luôn có nguyện vọng chuyển công tác đến địa phương có điều kiện tốt hơn.

Trong bối cảnh ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI; trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV có năng lực, phẩm chất, đạo đức đáp ứng tốt các nhiệm vụ, yêu cầu hội nhập quốc tế… thì 5 giải pháp đã được ngành GD&ĐT đặt ra.

Đó là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; Chú trọng, đổi mới công tác cán bộ; Tạo điều kiện, môi trường cho đội ngũ CBQL, GV công tác; Thực hiện hiệu quả mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương; Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ