Lào Cai chỉ đạo “nóng” chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

GD&TĐ - Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Lào Cai năm 2022 đã họp triển khai công tác chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều chỉ đạo quan trọng đã được đưa ra.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Sở GD&ĐT- đầu mối nhiều nhiệm vụ quan trọng

Về phía Sở GD&ĐT Lào Cai, (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thi tỉnh), bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Lào Cai năm 2022 yêu cầu: Chỉ đạo, kiểm tra công tác đánh giá, xếp loại học sinh lớp 12 khách quan, thực chất, đúng quy định. Động viên, khích lệ các Nhà giáo chủ động, tích cực và tình nguyện tham gia ôn luyện thi cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng các môn có học sinh dự thi.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi; quán triệt sâu sắc, đầy đủ Quy chế thi, các văn bản hướng dẫn của

Bộ GD&ĐT và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức Kỳ thi, trong đó chú trọng tập huấn kỹ về nghiệp vụ thi cho cán bộ coi thi, chấm thi, thanh tra, giám sát thi và phổ biến, hướng dẫn thực hiện Quy chế thi cho thí sinh dự thi (gồm cả thí sinh tự do).

Tăng cường công tác truyền thông, chủ động phối hợp cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo, đài nhằm tạo niềm tin và sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, nhân dân và toàn xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo thi cấp huyện trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện để tổ chức Kỳ thi;

Sở GD&ĐT cũng cần có phương án cụ thể để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì thông tin liên lạc, nguồn điện, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bão lũ… Đề xuất phương án tổ chức xét nghiệm Covid-19 (test nhanh) cho các lực lượng tham gia tổ chức Kỳ thi đảm bảo phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả.

Phải xây dựng tiêu chí xét chọn học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia Kỳ thi trên địa bàn để được nhận hỗ trợ khi tham dự kỳ thi, trong đó tham mưu điều chỉnh nâng định mức hỗ trợ lên 500.000 đồng/suất cho phù hợp với tình hình thực tế.

Xây dựng dự toán kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị đảm bảo yêu cầu tại các Điểm thi, khu vực chấm thi, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh theo quy định.

Sở GD&ĐT cũng là đầu mối theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; tổng hợp kết quả, báo cáo Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh.

Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực phục vụ Kỳ thi.
Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực phục vụ Kỳ thi. 

Huy động các ban ngành, lực lượng

Về phía Công an tỉnh: Xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho các điểm thi, khu vực in sao, vận chuyển đề thi, bài thi, khu vực chấm thi; không để diễn ra tình trạng tập trung đông người xung quanh khu vực thi hoặc áp sát phòng thi, khu vực chấm thi trong suốt quá trình tổ chức Kỳ thi.

Thanh tra tỉnh: Cử cán bộ tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi theo quy định, trên cơ sở đề nghị của Sở GD&ĐT.

Đối với Sở Tài chính sớm thẩm định dự toán kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị đảm bảo yêu cầu tại các Điểm thi, khu vực chấm thi, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, kinh phí hỗ trợ học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia Kỳ thi (định mức 500.000 đồng/suất), trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; phối hợp với Sở GD&ĐT để thống nhất phương án lựa chọn địa điểm in, sao đề thi cho phù hợp nhất.

Sở Giao thông vận tải - Xây dựng: Phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trong thời gian diễn ra Kỳ thi.

Sở Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, các đơn vị liên quan và các địa phương đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trong toàn tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, phương tiện, cơ số thuốc... sẵn sàng phục vụ Kỳ thi.

Ngành điện lực, phải bảo đảm cung cấp điện, nước ổn định phục vụ Kỳ thi, không để xảy ra việc mất điện, mất nước tại khu vực thường trực Hội đồng thi, khu vực in, sao đề thi, các Điểm thi và khu vực chấm thi; có phương án bố trí máy phát điện dự phòng đủ công suất, đảm bảo yêu cầu có điện trở lại sau 5 phút kể từ khi mất điện lưới (nếu xảy ra).

Về phía UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; tổ chức họp Ban Chỉ đạo thi cấp huyện để trực tiếp chỉ đạo công tác thi trên địa bàn, chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương xây dựng phương án cụ thể để chuẩn bị các điều kiện toàn diện cho công tác tổ chức Kỳ thi, trong đó hết sức chú ý việc chuẩn bị các điều kiện đối với Điểm thi dự phòng...

Quan điểm của tỉnh Lào Cai là tập trung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bảo đảm an toàn tuyệt đối, nghiêm túc, chất lượng, đúng Quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh…

Tổ chức các khâu đúng kế hoạch, không gây áp lực cho các lực lượng tham gia tổ chức Kỳ thi cũng như thí sinh và nhân dân; quyết tâm nâng cao chất lượng các môn có thí sinh dự thi;

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia có trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan; thực hiện phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và toàn diện các vấn đề liên quan đến Kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ