Lãnh đạo trường nghề vui vì sinh viên trở lại

GD&TĐ - Nhiều trường nghề ở Hà Nội đã cho học viên đến trường sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh.

Học viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội đã quay trở lại trường học tập sau thời gian học online.
Học viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội đã quay trở lại trường học tập sau thời gian học online.

Cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch

Đại diện Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội cho biết, theo văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT và UBND huyện Đông Anh, nhà trường thông báo cho học sinh khối THPT bắt đầu đi học trực tiếp từ 8/2 (thứ 3) theo thời khóa biểu. Các trường hợp học sinh ở nội trú ký túc xá và hệ trung cấp, cao đẳng tạm thời sẽ học trực tuyến ở nhà cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, nhà trường đã chuẩn bị phương án đo thân nhiệt cho học viên. Ban chỉ đạo Covid-19, bộ phận y tế chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phun khử khuẩn đã hoàn thiện xong trước ngày 7/2 để đón các em học tập trở lại.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi học tập, nơi lưu trú, nhà trường cũng đề nghị học sinh, sinh viên cam kết thực hiện nghiêm túc các các quy định về phòng, chống dịch. Nếu vi phạm, học sinh, sinh viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ban Giám hiệu nhà trường và trước pháp luật.

Tại Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, sinh viên Khoa Điện tử - Điện lạnh đã tham gia thực tập trải nghiệm tại doanh nghiệp ngày đầu năm mới. Theo đó, sáng 7/2, trường đã tổ chức đưa 70 sinh viên thuộc Khoa Điện tử - Điện lạnh đi thực tập trải nghiệm tại Công ty TNHH COMPAL Việt Nam. Chương trình thực tập kéo dài đến ngày 25/5/2022.

Đại diện nhà trường cho biết, hoạt động này nhằm nâng cao kỹ năng nghề thực tế. Điều này giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế và có thêm kinh nghiệm về các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống. Đồng thời, đây cũng có thể là cơ hội việc làm của học sinh sau khi kết thúc quá trình thực tập tại công ty.

Cũng trong ngày 7/2, gần 150 sinh viên Trường Cao Đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội được Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) tiếp nhận thực tế nghề nghiệp. Tại đây, sinh viên sẽ được phân về các nhà hàng thuộc hệ thống của công ty theo đúng chuyên ngành và được làm việc như những nhân viên chính thức.

Sinh viên Nguyễn Đình Tú cho biết, đây là kỳ thực tập em rất mong chờ. Tình hình dịch kéo dài khiến hoạt động học và thực hành nghề của học viên bị ảnh hưởng rất lớn. Nhất là đối với trường nghề có số lượng kiến thức thực hành chiếm 70%. Vì vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết, em và các bạn đã háo hức được gặp gỡ và bước vào kỳ thực tập quan trọng. Tú hi vọng mình sẽ trở thành nhân viên chính thức sau kỳ trải nghiệm này.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay, đợt học online, nhà trường phải xoay xở đủ cách. Đó là các công đoạn từ sản xuất video quay lại quá trình làm một sản phẩm, đến đầu tư phần mềm mô phỏng để các em dễ hình dung.

“Có những nghề rất dễ để học sinh thực hành tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên như Chăm sóc sắc đẹp hay Điện - Điện tử. Tuy nhiên, cũng có ngành nghề như Công nghệ ô tô hay Cơ khí, sinh viên không thể tự thực hành do không có thiết bị. Thông thường sinh viên các ngành này được thực hành, thực tập ở doanh nghiệp, tối thiểu 3 - 4 tháng mỗi năm, có nghề gần như học hoàn toàn ở doanh nghiệp. Vì vậy, việc quyết định cho học sinh ở Hà Nội được trở lại trường học tập trung khiến chúng tôi rất vui”, ông Khánh chia sẻ.

Tập huấn phương án phòng, chống dịch và kịch bản xử lý khi có F0

Bên cạnh việc mong đợi trở lại trường học và thực tập tại doanh nghiệp, tình trạng thiếu học viên vẫn xảy ra phổ biến tại các trường nghề. Đầu tháng 11/2021, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM như Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, Trung cấp Bách khoa TPHCM cho biết mới chỉ tuyển được 40 - 60% chỉ tiêu. Đặc biệt là giáo viên nghỉ việc, học sinh không có tiền đóng học phí nên bỏ giữa chừng để đi làm cũng là thách thức lớn đối với GDNN.

Nguyễn Tùng Lâm, học viên Trường Cao đẳng nghề Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, em đang theo học năm thứ 2, nhưng tình hình dịch Covid-19 khiến em quyết định thôi học. Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ đều mất việc do ảnh hưởng của dịch. Điều này khiến em không có tiền trang trải chi phí học tập.

Tại TPHCM, từ cuối tháng 12, một số trường trung cấp, cao đẳng đã bắt đầu thí điểm đón những sinh viên đầu tiên đến trường học trực tiếp. Bên cạnh đó là những sinh viên phải hoàn tất học phần thực hành còn lại trước khi tốt nghiệp.

Theo kế hoạch dạy học trực tiếp của UBND TPHCM, các trường đại học, cao đẳng tự chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn để mở cửa. Tuỳ theo quy mô cơ sở vật chất, các trường bố trí số lượng sinh viên để đảm bảo giãn cách và đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trường học.

Để chuẩn bị đón sinh viên, các trường đã tổ chức tập huấn phương án phòng, chống dịch và kịch bản xử lý khi phát hiện F0 tại trường. Trước đó, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng đã tổ chức một số lớp học trực tiếp tại trường. Các đơn vị này tổ chức quy mô nhỏ, chủ yếu dành cho sinh viên năm cuối hoàn thành học phần trước khi tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng Đại Việt sài Gòn cho biết đã lên kế hoạch về việc tổ chức học trực tiếp bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực. Bên cạnh đó là các phương án xử lý khi có trường hợp là F0, nghi là F0, F1... Kế hoạch của trường đã được các cơ quan liên quan thẩm định, trên cơ sở kết quả thẩm định Sở LĐ,TB&XH TP cho phép tổ chức dạy học trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.