Trường nghề thiếu người học, chật vật dạy thực hành

GD&TĐ - Trường nghề cạn nguồn tuyển sinh, chật vật xoay xở mọi cách để dạy thực hành… là những khó khăn mà nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gặp phải.

Nhiều trường nghề chật vật dạy thực hành trong mùa dịch. Ảnh minh họa
Nhiều trường nghề chật vật dạy thực hành trong mùa dịch. Ảnh minh họa

Xoay xở dạy thực hành cho học viên

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay, khiến hầu hết trường học trên cả nước phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Nhưng hình thức này không thể bảo đảm hoàn thành chương trình với 70% khối lượng là thực hành. Hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước phải xoay xở đủ cách để sinh viên được thực hành nhiều nhất có thể.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, cho biết, nhà trường phải làm đủ cách, kể cả sản xuất video. Giáo viên quay lại quá trình làm một sản phẩm cho người học. Thậm chí, trường còn đầu tư phần mềm mô phỏng để các em dễ hình dung. Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng bảo đảm chất lượng với hình thức học như vậy.

“Có những nghề rất dễ để học sinh thực hành tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên như Chăm sóc sắc đẹp hay Điện - Điện tử. Tuy nhiên, cũng có ngành nghề như Công nghệ ô tô hay Cơ khí, sinh viên không thể tự thực hành do không có thiết bị”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Khánh cho biết thêm, thông thường sinh viên các ngành này được thực hành, thực tập ở doanh nghiệp, tối thiểu 3 - 4 tháng mỗi năm. Có nghề gần như học hoàn toàn ở doanh nghiệp. Trong đại dịch, việc doanh nghiệp đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất ảnh hưởng nhiều tới cơ hội rèn luyện kỹ năng của các em.

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội với hai cơ sở ở Hà Nội và Vĩnh Phúc phải tận dụng tối đa sự ủng hộ của địa phương và phụ huynh để cho sinh viên năm thứ hai và ba đến học trực tiếp. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ, kể cả các phần mềm thực tế ảo. Nhưng nếu muốn bảo đảm đào tạo chất lượng cao gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp, không thể xa rời được trang thiết bị thực tế. Vì vậy, trường cố gắng sắp xếp để nhiều sinh viên được thực hành nhất có thể.

Tuy nhiên, gần 3.500 sinh viên đến từ 40 tỉnh, thành nên nhiều em chưa thể đến trường học trực tiếp. Nhà trường buộc phải dạy trực tuyến, dù biết chất lượng không thể bảo đảm. Số này sẽ được bù đắp lại khi đi học trực tiếp.

Trường Cao đẳng Viễn Đông (TPHCM) vẫn tìm kiếm được cơ hội cho sinh viên thực hành. Mặc dù, có khoảng 20% số doanh nghiệp có liên kết với nhà trường phải đóng cửa hoặc không nhận sinh viên thực tập trong thời gian dịch.

Ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng - cho biết, trường đã mua một số thiết bị mô phỏng hiện đại từ Đức để giáo viên và học sinh có sự tương tác gần giống trực tiếp nhất. Từ tháng 5 đến giữa tháng 9, khi tình hình dịch ở TPHCM ở mức đặc biệt căng thẳng, việc thực tập của nhiều sinh viên, đặc biệt ngành Điều dưỡng bị gián đoạn. Biết Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có nhu cầu lớn về tình nguyện viên, trường đã chia sẻ với sinh viên, để các em kết hợp hoạt động tình nguyện gắn với thực tập.

Dù loay hoay đủ cách, ông Hải cho rằng chất lượng và tiến độ đào tạo vẫn bị ảnh hưởng. Vì vậy, tùy theo từng ngành, kế hoạch đào tạo có thể bị trễ vài tháng.

Cạn nguồn tuyển sinh

Nhiều chuyên gia nhận định chất lượng phần thực hành chỉ đạt tối đa 70% so với giai đoạn bình thường. Chưa kể, phần kiến thức lý thuyết cũng không được bảo đảm khi nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống ở vùng núi.

Bối cảnh đó cộng với việc kinh tế các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đặt ra mối lo ngại về việc sinh viên bỏ học. Một số khảo sát phụ huynh cho thấy, nhiều người sẵn sàng cho con nghỉ học để đi kiếm tiền, ổn định cuộc sống trước mắt.

Chính điều này kéo theo tuyển sinh các trường nghề gặp khó. Tại TPHCM, dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài khiến học viên các tỉnh không lên thành phố học nghề. Nhiều trường mới tuyển được 40 - 60% chỉ tiêu.

TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, cho biết, hiện mới khoảng hơn 300 sinh viên xác nhận nhập học chiếm 60% tổng chỉ tiêu.

Ông Phúc lý giải, đợt dịch từ tháng 5 đến nay kéo dài, ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn trường cao đẳng, trung cấp để học nghề của phụ huynh, học sinh. Nhiều người cân nhắc giữa chi phí học tập phải bỏ ra và khả năng sớm tìm được việc làm thu hồi vốn, nên quyết định không cho con học cao đẳng để tiết kiệm chi phí. Thay vào đó, họ chọn các khóa học nghề ngắn hạn hoặc đi làm công nhân.

“Người học ở các tỉnh, thành lân cận TPHCM là nguồn tuyển sinh lớn của trường, nhưng do dịch bệnh, nhiều em chọn các trường gần nhà. Việc phải học nghề bằng hình thức online ngay từ đầu năm cũng khiến nhiều em không hứng thú”, ông Phúc nói.

Ngoài ảnh hưởng do Covid-19, trường đại học mở ra nhiều phương thức xét tuyển đa dạng, dành tỷ lệ đầu vào lớn cho việc xét học bạ, tăng chỉ tiêu. Trong bối cảnh đó, nhiều gia đình không quá khó khăn sẽ chọn cho con học đại học thay vì cao đẳng vì thời gian học chỉ chênh nhau một năm, trong khi bằng đại học có giá trị cao hơn.

Trước đó, hầu hết học sinh chọn trường nghề với định hướng học nhanh, ra trường sớm để có việc làm ngay. Nhưng hiện nay, mọi ngành đều bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch, cơ hội tìm việc chậm lại, nên các em sẽ cân nhắc rất kỹ.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, hiện có 59 trường cao đẳng và 64 trường trung cấp. Đến tháng 10, bậc cao đẳng mới tuyển được khoảng 20 nghìn trong tổng số 45 nghìn chỉ tiêu, trong khi bậc trung cấp tuyển được gần 10 nghìn trong số 36 nghìn chỉ tiêu.

Cuối tháng 10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng nhận định, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cơ quan này đề nghị các địa phương, các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh việc truyền thông, tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp.

Mặc dù, các trường được tuyển sinh quanh năm với nhiều đợt. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cho biết, họ sẽ sớm chốt việc tuyển sinh năm nay bởi nguồn tuyển đã cạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ