Lãnh đạo Liên Hợp Quốc kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 21/2, người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi cải cách cả Hội đồng Bảo an và Bretton Woods để phù hợp với thực tế của thế giới ngày nay.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.

Phát biểu tại một cuộc họp báo khi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết “đã đến lúc cải cách” cả 2 thể chế để “phản ánh các mối quan hệ quyền lực của năm 1945”.

Bretton Woods là thỏa thuận được ký vào năm 1944 để vực dậy nền kinh tế toàn cầu sau Thế chiến thứ 2. Đề cập đến thỏa thuận này, ông Guterres cho biết “cấu trúc tài chính toàn cầu đã trở nên lỗi thời, rối loạn chức năng và không công bằng”.

Ông cho rằng, trước những cú sốc kinh tế từ đại dịch Covid-19 và xung đột Ukraine, thỏa thuận trên đã không thực hiện được chức năng cốt lõi của mình là một mạng lưới an toàn toàn cầu.

Theo ông Guterres, cần cải cách cơ cấu quyền lực để phù hợp với thực tế của thế giới đương đại.

Ông cho biết G7 không còn có thể đứng ngoài cuộc trong một “thế giới đa cực, khi sự chia rẽ địa chính trị ngày càng lớn” khi hàng tỷ người không có đủ lương thực, nước uống, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm.

Ông cho rằng các nước phát triển vẫn chưa “làm đủ” để cải cách các thể chế lỗi thời và để “xóa bỏ sự thất vọng của Nam bán cầu”.

Ông gợi ý, nếu các ngân hàng phát triển đa phương hợp tác với nhau và thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách tiếp cận rủi ro, họ có thể tận dụng nguồn tài chính tư nhân khổng lồ cho các nước đang phát triển với chi phí hợp lý.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc bày tỏ sự lạc quan về tác động tiềm tàng của các cuộc thảo luận được tổ chức tại Hiroshima. Đây là biểu tượng toàn cầu về hậu quả bi thảm khi các quốc gia không hợp tác cùng nhau và giải quyết những khác biệt của họ một cách hòa bình.

G7, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ, cùng với EU, đã gặp nhau tại Hiroshima, nơi quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống vào năm 1945.

Theo National News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ