Vụ vận chuyển nghìn tỷ đồng qua biên giới:

Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM phạm tội như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 67 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House).

Bị can Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (ngoài cùng bên trái) cùng một số bị can khác là cựu lãnh đạo Thuduc House có liên quan đến vụ án.
Bị can Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (ngoài cùng bên trái) cùng một số bị can khác là cựu lãnh đạo Thuduc House có liên quan đến vụ án.

Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 67 bị can về các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Sản xuất hàng giả; Buôn lậu; Nhận hối lộ... trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House). Cục Thuế TPHCM và nhiều đơn vị được xác định có liên quan.

Lộ chiêu luân chuyển hàng nghìn tỷ qua biên giới

Trong số này, Viện KSND tối cao truy tố 18 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TPHCM như Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu Phó Cục trưởng), Phạm Minh Tuấn (cựu Trưởng phòng Kê khai kế toán thuế), Cao Văn Tỵ (cựu Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 5)... Trong đó, bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2017 đến năm 2019, Trịnh Tiến Dũng (SN 1973, hiện đang trốn truy nã) đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Dũng chỉ đạo các đối tượng trong và ngoài nước sử dụng CMND giả để thành lập hàng trăm doanh nghiệp ở Việt Nam, ký giả chữ ký giám đốc để mở tài khoản ngân hàng, lập hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu CD rom chứa phần mềm và linh kiện điện tử (hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng…) với các công ty nước ngoài để thực hiện các hành vi phạm tội.

Dưới sự chỉ đạo của Dũng, các công ty trong nước đã mua bán hàng hóa qua lại với nhau để hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa. Sau đó, các công ty này lập hồ sơ bán hàng hóa đã được nâng khống giá trị cho các công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao của công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.

Để tạo nguồn hàng hóa xuất khẩu, Dũng chỉ đạo làm giả linh kiện điện tử có dung lượng, tốc độ cao từ các loại linh kiện dung lượng, tốc độ thấp hoặc không có nguồn gốc xuất xứ... Số hàng giả này hợp thức thành hàng hóa xuất khẩu cho các công ty khác nhau, nhưng đều được vận chuyển đến Campuchia hoặc Hồng Kông để sau đó quay vòng về Việt Nam bằng thủ đoạn gửi lẫn với hàng hóa nhập khẩu khác…

Cư trú tại nước ngoài, nhưng để chỉ đạo điều hành các đồng phạm trong nước, Dũng đã cho thành lập nhiều nhóm chát trên ứng dụng WhatsApp có sự tham gia của bị can.

Cụ thể như nhóm “Thẻ xanh” để phục vụ việc trao đổi làm giả, công chứng các CMND giả, làm thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản tại ngân hàng… Hay nhóm “Mr Phi”, “Giao hàng Satra”, “PO Satra” để trao đổi việc sử dụng công ty ở nước ngoài đặt hàng mua linh kiện điện tử của các công ty trong đó có Thuduc House… Các nhóm phục vụ việc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới như “DV Chuyen tien” để cập nhật thông tin khách hàng nhận tiền tại nước ngoài…

Cáo trạng xác định, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm lập bộ hợp đồng, chứng từ xuất, nhập khẩu khống, vận chuyển trái phép hơn 75,5 triệu USD (hơn 1.700 tỷ đồng) qua biên giới. Trong đó, các đối tượng đã vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài hơn 1.200 tỷ đồng, vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam hơn 500 tỷ đồng.

Trịnh Tiến Dũng hiện đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định để truy tìm bị can nhưng đến nay chưa có kết quả. Trên cơ sở đó, Cục C03 quyết định tách các vụ án hình sự và một số sai phạm khác liên quan đến Trịnh Tiến Dũng, đồng thời tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, tạm đình chỉ điều tra bị can đến khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra và xử lý.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Tổng Giám đốc Thuduc House) bị cáo buộc đã thống nhất chủ trương, ký hồ sơ thủ tục đề nghị hoàn thuế trái pháp luật, giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng.

Hành vi trên phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, bị can Hoàng còn giả mạo, khai man chứng từ kế toán, gây thiệt hại cho Thuduc House số tiền gần 8 tỷ đồng. Hành vi trên bị xác định phạm vào tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi lãnh đạo thuế “phóng bút” ký văn bản

Bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh thời điểm còn đương chức Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM.

Bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh thời điểm còn đương chức Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM.

Thông tin từ cáo trạng thể hiện, từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2019, Cục Thuế TPHCM tiếp nhận 19 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Thuduc House với tổng số tiền đề nghị hoàn thuế hơn 430 tỷ đồng. Đơn vị này sau đó đã ban hành 17 quyết định hoàn thuế cho Thuduc House. Trong số này, có 15 kỳ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

Với các kỳ hoàn thuế này, dù đã được báo cáo về các dấu hiệu rủi ro, nhưng bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh và các cán bộ được phân công giải quyết đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật; không thực hiện xác minh, thẩm định các điều kiện hoàn thuế của doanh nghiệp; không tiến hành kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện sai phạm mà vẫn tiếp tục ký đề xuất, ký duyệt và ký quyết định hoàn thuế cho Thuduc House.

Với vai trò, nhiệm vụ được giao, bị can Hạnh đã không chỉ đạo các bộ phận tiến hành xác minh, không chỉ đạo trao đổi giải quyết giữa các bộ phận khi có ý kiến chưa thống nhất, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro, không chỉ đạo kiểm tra, thanh tra kịp thời, không chờ kết luận thanh tra, kiểm tra để quyết định việc hoàn thuế.

Bị can Hạnh được xác định đã trực tiếp ký duyệt 14 phiếu đề xuất hoàn thuế, 15 quyết định hoàn thuế VAT và 15 lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách cho Thuduc House, gây thất thoát số tiền hơn 331 tỷ đồng.

Ngoài sai phạm về hoàn thuế, 3 cán bộ công tác tại Chi cục Thuế Quận 1, 3, 5 thuộc Cục Thuế TPHCM còn nhận hối lộ của doanh nghiệp với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Cụ thể, Lưu Thị Ngát (Giám đốc Công ty Khánh Hưng) trao đổi và thống nhất với Trịnh Tiến Dũng và một số cá nhân khác về việc lập, sử dụng 17 công ty “ma” để xuất hóa đơn GTGT khống.

Lưu Thị Ngát đã trực tiếp hoặc nhờ người trao đổi, thống nhất với các cán bộ thuế phụ trách địa bàn (Đào Thị Nga, cựu cán bộ Chi cục Thuế Quận 1; Nguyễn Phương Nam, cựu cán bộ Chi cục Thuế Quận 3 và Ngô Huỳnh Lũy, cựu cán bộ Chi cục Thuế Quận 5) để chi tiền cho các cán bộ này với số tiền theo thỏa thuận trên tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của các công ty.

Đổi lại, những cán bộ trên sẽ không đề xuất cấp trên kiểm tra hoạt động kinh doanh, báo trước việc kiểm tra, thanh tra thuế, báo trước cho Ngát những công ty có thể bị cưỡng chế thu thuế để Ngát nộp thuế, tránh bị cưỡng chế...

Theo cáo trạng, Nga, Nam và Lũy đã nhiều lần trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của Lưu Thị Ngát. Trong đó, Nam nhận 6,1 tỷ đồng, Nga nhận 776 triệu đồng, Lũy nhận 497 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.