Lắng nghe và hồi đáp

GD&TĐ - Lá thư của cô học trò Nguyệt Linh (lớp 6 Trường Marie Curie, Hà Nội) được gửi đến các nhà quản lý giáo dục ngay trước thềm năm học mới có điều gì đặc biệt mà lại đang khiến các thầy hiệu trưởng, không chỉ ở Hà Nội mà trong cả nước nâng niu, trân trọng và không thể không... hứa rằng lễ khai giảng năm nay sẽ không thả bóng bay?

Lắng nghe và hồi đáp

Rất đơn giản, Nguyệt Linh bày tỏ nỗi lo lắng về những nguy cơ của rác… bóng bay dịp khai giảng. Linh viết: “…Khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác sẽ bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới chết”.

Rõ ràng, nỗi lo lắng của cô học trò ấy đầy bất ngờ và có sức lay động mạnh mẽ. Điển hình như thầy Nguyễn Hoàng Chương - Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã viết thư hồi âm cho Linh không chỉ bày tỏ niềm xúc động trước một ý kiến sâu sắc mà còn đưa ra con số thống kê khá giật mình về chi phí đến tiền tỉ khi các trường cùng thả bóng lên trời ngày khai giảng chỉ để “hoành tráng, sau đó tất cả vào thinh không; những trăn trở, lo toan, đứt gãy ở lại với giáo dục; bảo vệ môi trường trong học đường rộ lên như chùm bong bóng bay rồi vỡ tan” - thầy Chương viết.

Và, điều quan trọng hơn là mong ước của Linh đã được các nhà quản lý giáo dục lắng nghe, hồi đáp. Đâu có dễ gì khi lệ thả bóng bay ngày khai giảng vẫn được bao người nghĩ là một hành động đẹp – lãng mạn, một thói quen “sang trọng” (như lời thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie). Vậy nhưng, lý lẽ sắc sảo của cô học trò tuổi 12 đã chiến thắng thói quen “sang trọng” ấy, hành động lãng mạn ấy...

Thực không dễ để thay đổi một thói quen của cá nhân và càng khó hơn đối với thói quen của cả cộng đồng - nhất là thói quen ấy xưa nay vẫn được cho là tốt đẹp. Thế nhưng không phải mọi chuyện đều không thể nếu như mọi người cùng biết lắng nghe – dù chỉ là ý kiến của bất kỳ cá nhân nào để dám thay đổi, dám sửa sai.

Hơn nữa, từ câu chuyện này, dường như cách nghĩ của người lớn “trẻ con thì biết gì” đang dần nhường chỗ cho cách ứng xử công bằng hơn, văn minh hơn trước mọi ý kiến, mong ước của trẻ thơ.

Chỉ cần một giây lắng nghe trẻ nói, một giây hồi đáp điều trẻ băn khoăn, mong muốn chẳng phải sẽ có biết bao lợi ích mở ra: Trẻ dám bày tỏ suy nghĩ, kiến nghị, đề xuất và sẽ dám làm? Chẳng phải tiếng nói của trẻ thơ không bao giờ là vô bổ mà nhiều khi còn là những gợi ý hết sức thiết thực cho người lớn hay sao? Vậy, tại sao người lớn lại không tích cực thay đổi, tích cực ứng xử công bằng, văn minh hơn với trẻ thơ? 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ