Vẫn chủ yếu sản xuất theo thiết kế có sẵn
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hiện các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hầu hết vẫn được sản xuất theo thiết kế sẵn. Các mẫu này chủ yếu là của các khách hàng nước ngoài đặt. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do giá trị gia tăng của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn thấp, cũng như chưa chú trọng đến thương hiệu nên các doanh nghiệp chấp nhận sản xuất theo đơn đặt hàng, hoặc xuất khẩu sản phẩm của mình dưới một cái tên khác.
Cũng chính do giá trị gia tăng thấp nên không ít doanh nghiệp đã “copy” thiết kế, mẫu mã của nhau để sản xuất rồi tung ra thị trường. Chẳng hạn như một số làng nghề được cho là lâu đời nhất ở Việt Nam như: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng (Hà Nội), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), làng nghề đúc đồng Phúc Kiều (Quảng Nam), gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)… nhưng chúng ta rất khó để tìm được sự sáng tạo, hay mặt hàng có mẫu mã mới phù hợp với sự phát triển của thị trường và gần hơn với người tiêu dùng...
Từ đó, không thể tiếp cận được với những đơn hàng lớn, dẫn đến phải đi gia công cho các khách hàng nước ngoài. Thậm chí, không ít sản phẩm của một làng nghề sản xuất, nhưng do không được bảo hộ thương hiệu nên đã bị đối tác nước ngoài “sao chép” mẫu mã và sản xuất hàng loạt, sau đó nhập ngược trở lại để cạnh tranh với sản phẩm của làng nghề làm ra.
Cần thiết phải xây dựng thương hiệu
Các chuyên gia cho rằng, tuy việc xây dựng thương hiệu là không đơn giản, bởi từ trước đến nay hầu hết các làng nghề ở Việt Nam luôn sản xuất đồng loạt với cùng một mẫu mã và chưa có thói quen đăng ký bản quyền cho sản phẩm mình làm ra. Do đó, để thay đổi, cũng như nâng cao giá trị sản phẩm mình sản xuất ra, các làng nghề cần phải đổi mới công nghệ, mẫu mã, phương thức kinh doanh…
Đặc biệt là việc cần thiết phải đăng ký bản quyền và xây dựng thương hiệu, từ đó tạo uy tín, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bởi việc không có thương hiệu không những không tạo được niềm tin với người tiêu dùng, mà làng nghề còn bị thiệt thòi rất lớn về giá cả do bị các đối tác ép. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu cũng như phát triển làng nghề bền vững, lâu dài và phát triển thì việc đầu tiên cần làm chính là phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu. Bởi một khi đã xây dựng được thương hiệu, chắc chắn các sản phẩm của làng nghề đó sẽ thể hiện được chất lượng, cũng như uy tín cho sản phẩm do chính mình làm ra.
Bên cạnh đó, Nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ các làng nghề khắc phục tình trạng khó khăn về vốn, từ đó họ có thể thay đổi tư duy sản xuất, giao thương hàng hóa, cũng như định vị và xây dựng chiến lược dài hơi hơn cho sản phẩm mình làm ra… Làm được như vậy, các sản phẩm của làng nghề Việt Nam mới nâng cao được tính cạnh tranh trên thị trường, để từ đó mới có thể phát triển và bắt kịp được với bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.