Lắng nghe giai điệu "Chiều xuân"

GD&TĐ - Trong những dòng hồi tưởng của mình, nữ thi sĩ Anh Thơ đã có lần giãi bày tâm sự một cách chân thành và xúc động:

Thi phẩm “Chiều xuân” là một giai điệu đẹp, êm dịu, gieo vào lòng người đọc những rung cảm sâu xa.
Thi phẩm “Chiều xuân” là một giai điệu đẹp, êm dịu, gieo vào lòng người đọc những rung cảm sâu xa.

“Những ngày còn là một cô bé 13, 14 tuổi, tôi thường cắp rổ đi trên con đường này xuống chợ. Tôi đi chợ mà như được đi vào thiên nhiên. Bờ ao kia, tôi đã đứng ngắm không chán những con chuồn chuồn rỡn nắng. Dưới gốc tre này, tôi đã từng ngồi xem hoa mướp rụng cả đóa, vàng hết bờ cỏ. Lòng yêu quê hương tha thiết đã khiến tôi làm được “Bức tranh quê”, mặc dù bị cha tôi cấm đoán ...”.

Trong tập thơ nổi tiếng trên văn đàn Thơ mới 1932 – 1945 thời điểm ấy, thi phẩm “Chiều xuân” là một giai điệu đẹp, êm dịu, gieo vào lòng người đọc những rung cảm sâu xa bằng nguồn chân cảm tinh tế, lắng sâu để thực sự làm nên một giai điệu mùa xuân!

Bức tranh xuân thấm đẫm tâm hồn Việt

Đọc bài thơ, không hiểu sao, tôi cứ liên tưởng tới hình ảnh một cô thiếu nữ với tà áo dài tha thướt, mái tóc thề phơ phất trên đôi má phơn phớt hồng, xa quê, bất chợt hôm nay “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng”, lặng lẽ quay trở về thăm quê để tìm lại một dòng sông hoài niệm.

Trong những dòng hồi tưởng đang miên man hiện về, bất chợt người thiếu nữ ấy nhận ra, mình đã đến “bến sông quê” lúc nào không hay biết và có lẽ lúc này cô mới chợt nhận ra, mình đang đi giữa một “chiều xuân” êm ả:

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

Trong làn mưa bụi rơi bãng lãng, dần dần đọng lại như những hạt ngọc long lanh trên mái tóc thề, ánh mắt người nữ thi sĩ ấy lặng lẽ gieo vào một điểm nhìn: Một cái bến vắng tiếng, một con đò vắng khách, một cái quán vắng người và một cây sầu đông đang se sắt mình, lặng lẽ gieo vào thinh không những cánh hoa tím li ti, tơi bời cả một bầu trời vắng lặng.

Cảnh vật chiều xuân nước Việt có lẽ muôn đời nay vẫn thế. Ta có cảm giác nữ sĩ Anh Thơ không cầu kì, lựa chọn quá kĩ càng câu chữ, có đâu đó cũng chỉ là việc sử dụng những từ láy – sản phẩm kì diệu của ngôn ngữ Việt Nam: Êm êm, im lìm, tơi bời. Còn lại, cô gái ấy chỉ đưa những sự vật có thực mà mình trông thấy vào thơ, vậy mà không hiểu sao, nó vẫn làm cho lòng ta ngân lên những giai điệu lạ lùng: Hóa ra lâu nay, ta đâu có để ý đến những sự vật bình thường ấy vào những độ “mưa xuân phơi phới bay”! Nay nhà thơ đã bằng tấm chân cảm của mình dường như đang muốn nói hộ lòng ta, làng quê nước Việt muôn đời vẫn đẹp, đẹp một cách bình yên, tĩnh lặng, êm đềm như đang ngủ say trong “chiều xuân” vắng lặng!

Từ dòng sông, bến vắng, con đò, quán tranh im lìm đến “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”, ánh mắt nữ thi sĩ bất chợt ngước lên nhìn về một nơi xa – một triền đê lộng gió:

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,

Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,

Đàn trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Như một quy luật tự nhiên, trong làn mưa xuân ấm áp, vạn vật bắt đầu gọi nhau thức tỉnh, cựa quậy, hạt mầm tách vỏ, cỏ non lại mọc xanh rờn trên những triền đê. Ở đây, nữ sĩ Anh Thơ vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống từ láy có giá trị biểu cảm kì diệu trong tiếng Việt: Vu vơ, rập rờn, thong thả, nhưng cảnh vật dường như đã có sự sinh động hơn vì sự phối hợp hòa điệu màu sắc: Màu xanh của cỏ biếc kết hợp hài hòa với sắc màu sặc sỡ của “những cánh bướm rập rờn trôi trước gió”. Song tất cả sự vận động và sự hài hòa màu sắc ấy vẫn diễn ra trong sự nhẹ nhàng, lặng lẽ, không phá vỡ đi sự vắng lặng của không gian và khung cảnh.

Cái ấn tượng đọng lại trong tôi ở khổ thơ này, không hiểu sao, chỉ lại là một hình ảnh hết sức bình dị: “Đàn trâu bò thong thả cúi ăn mưa”. Cỏ non mọc lên, mưa xuân rơi xuống, lặng lẽ lắng đọng thành những hạt ngọc long lanh trên cọng cỏ. Đàn trâu bò gặm cỏ nhưng thực chất là đang ăn làn mưa xuân, làn mưa của tinh hoa đất trời hội tụ, bởi nó là sự khởi đầu của một chu kì vận động vũ trụ trong năm. Tôi cứ có cảm giác, dường như mùa xuân của đất trời đã thực sự hóa thân vào tất cả, đẹp một cách yên bình, thanh tĩnh đến lạ! Làng quê Việt Nam lâu nay vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời, cho muôn người những vẻ đẹp ấy, sao ta lại nỡ hờ hững bỏ qua?

Vậy là ánh mắt của người nữ thi sĩ ấy đã dừng lại ở dòng sông – bến nước – con đò – triền đê. Nếu xác lập một mối quan hệ không gian truyền thống trong bức tranh quê xưa của người Việt thì không hiểu sao sao ta vẫn thấy có cảm giác thiếu vắng một điều gì? Thì đây, nhà thơ Anh Thơ đã nói hộ lòng ta, đó chính là một cánh đồng thẳng cánh cò bay trong mải miết:

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

Hình ảnh cánh đồng lúa xanh rờn, đàn cò trắng và cô thôn nữ yếm thắm có sự kết hợp hài hòa đến kì lạ. Sắc xuân của đất trời đến đây đã thực sự hòa chung với con người và cảnh vật trong một giai điệu mùa xuân đầy sức sống. Hồn quê nước Việt cũng dường như đang thấm đẫm ngay cả trong những làn mưa bụi xuân đang rơi lãng đãng của nữ thi sĩ Anh Thơ, đủ sức lay động những tâm hồn đa sầu đa cảm, nặng lòng với quê hương xứ sở, với dáng hình chữ S cong cong quen thuộc này!

Nữ sĩ Anh Thơ.
Nữ sĩ Anh Thơ.

Tâm hồn nặng lòng với quê hương xứ sở

Lâu nay, người ta vẫn cho rằng, mang nặng hồn cốt chân quê nước Việt nhất vẫn là Nguyễn Bính, nhà thơ của “hương đồng gió nội”, của “Lỡ bước sang ngang” hay “em là con gái trong khung cửi”... Còn những nhà thơ khác như Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân... cho dù có viết về cảnh quê thì vẫn là viết với cái nhìn của một du khách, lâu ngày chán cảnh phồn hoa, cất bước chân hải hồ về những miền quê xa để tìm một làn gió mới.

Người ta vẫn cứ hay thích những cái tuyệt đối hóa, những cái nhất nên thường có những cái nhìn mang tính cực đoan. Đọc “Chiều xuân” của Anh Thơ, ta đâu thấy cái hiếu kì của một du khách viễn cảnh. Không có một tâm hồn nặng lòng với quê hương, với đồng ruộng, làm sao thi sĩ có thể viết nên những vần thơ lay động lòng người đến thế! Trước đó, ta đã từng bắt gặp làn mưa bụi và sắc hoa xoan trong thơ xuân của Nguyễn Trãi:

Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn,

Khách tục không ai bén mảng gần.

Trong tiếng cuốc kêu, xuân đã muộn,

Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.

Hay sau này là mưa bụi và sắc xoan trong thơ Nguyễn Bính:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.

Gánh chèo làng Đặng đi ngang ngõ,

Mẹ bảo: Thôn Đoài, hát tối nay.

Song tôi vẫn thấy làn mưa bụi và sắc hoa xoan trong “Chiều xuân” mới thực là xuân, mới thực là hồn quê của mùa xuân nước Việt. Trước đấy, đại thi hào Nguyễn Trãi có lẽ chỉ xem nó là cái cớ để chuyên chở và gìn giữ cho tiết tháo của kẻ sĩ trong chốn phong trần đầy bụi bặm. Sau này, Nguyễn Bính cũng chỉ xem mưa bụi và sắc xoan là dấu hiệu lỡ làng cho một mối tình thầm kín vừa mới bắt đầu đơm hoa kết nhụy của một “cô gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già”.

Chỉ có Anh Thơ mới thực sự xem nó như là một dấu hiệu nhắc nhở với người đọc rằng, mùa xuân của đất trời nước Việt, của quê hương xứ sở đã thực sự bắt đầu. Và đọc “Chiều xuân”, ta thấy những vần thơ ấy được viết nên từ một con người từ lâu đã thực sự gắn bó với đồng ruộng, với cánh cò, con thuyền, dòng sông, bến đò và những cái gì chân quê nhất bằng một tình yêu máu thịt. Có như vậy, nữ thi sĩ mới có thể gợi lên được sự rung cảm sâu xa trong lòng người đọc bằng những vần thơ đầy xúc cảm đến thế, bởi “nếu không có cảm xúc, anh chỉ làm được những câu có vần chứ không phải là thơ”!

Có lẽ, trong thời khắc sắp sửa diễn ra sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, sắp sửa đón những làn mưa bụi và sắc hoa xoan đầu tiên; trong dòng người tấp nập đang tất bật, hối hả chuẩn bị hành trang để trở về đón xuân cùng gia đình, có lẽ không ít người đã đọc “Chiều xuân” hay ít ra, họ cũng đã từng rung động, bồi hồi, thương nhớ một dòng sông, một con đò, một triền đê, một rặng xoan hay một cánh đồng với cánh cò bay mải miết. Nếu như thế, “Chiều xuân” của nữ thi sĩ Anh Thơ chắc chắn vẫn sẽ còn đọng lại rất lâu, rất lâu nữa trong trái tim độc giả.

Một quốc gia cho dù phát triển đến thế nào đi chăng nữa vẫn đâu thể thiếu được những miền quê. Đó vẫn là một chốn bình yên cho ta đi về sau những mỏi mệt, lo toan, muộn phiền trong cuộc sống; vẫn là nơi cho con trẻ tắm mình trong dòng sông tuổi thơ; là chốn dừng chân cho những khách bộ hành lãng đãng trên bước chân hải hồ đầy mỏi mệt và là nơi ta lắng lòng, tĩnh tâm, tìm lại sự bình yên, tìm lại sinh lực và dũng khí để lại bước tiếp trên con đường đời xa tít tắp. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, những khách bộ hành lữ thứ quay bước chân hồi hương trở về thăm quê, trên con đường làng quen thuộc, trong làn mưa bụi vương trên vai áo, trên tóc, thế nào cũng bồi hồi đặt xuống túi hành trang nặng trĩu để lặng ngắm một triền đê, một bến vắng, một con đò, một dòng sông lặng lẽ trôi và một rặng xoan nở hoa tím biếc đang nương theo từng cơn gió xuân.

Để rồi khi không còn nhìn thấy những khung cảnh ấy, bất chợt tự đáy lòng dâng lên một nỗi buồn se sắt, bởi ta có cảm giác đó không còn thực sự là mùa xuân nước Việt. Tâm trạng ấy không chỉ xuất hiện ở những con người đa sầu đa cảm mà có lẽ đó là tâm trạng chung của biết bao kẻ đã từng tha hương nơi đất khách, nay quay lại “vườn Bùi chốn cũ” ngày xưa. Nếu như vậy thì thực sự, nữ thi sĩ Anh Thơ đang là người níu giữ hồn quê của mùa xuân nước Việt. Người con gái ấy đã thực sự sống với miền quê, cảnh quê, người quê bằng tình cảm chân thành, chân chất, bằng nỗi niềm xúc cảm đong đầy của một cô gái xuất thân từ đồng ruộng, từ bãi mía nương dâu.

Có lẽ sau này, trong tang thương dâu bể, trong quy luật của thế sự thăng trầm, lúc nào đó trong cõi đời tấp nập, ta muốn tìm về với “chân quê”, tình quê hãy tìm gặp Nguyễn Bính, để rồi cùng ghé qua chợ làng đón Tết với Đoàn Văn Cừ, say sưa ngắm cảnh quê với Bàng Bá Lân, thư thái tản bộ lên phố phường cùng lặng ngắm những ông đồ đang “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay” cùng với Vũ Đình Liên, nhưng muốn đắm mình trong sắc xuân riêng của quê hương xứ sở thì xin hãy lắng lòng mình lại để đến với một “Chiều xuân” của nữ thi sĩ Anh Thơ. Nếu nói, với bài thơ “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đang là người gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa truyền thống – phong tục xin chữ đầu xuân, thì với “Chiều xuân”, Anh Thơ đang gìn giữ cho ta hồn cốt của mùa xuân làng quê nước Việt, lặng lẽ tấu lên một giai điệu đẹp trong bản nhạc lòng của biết bao nhiêu con người vốn sẵn mang nặng lòng yêu quê hương xứ sở!

Tác giả của “Bức tranh quê”  đã giã từ cõi đời dâu bể, nhưng “Chiều xuân” vẫn mãi mãi là một bức tranh đẹp, chứa chan tình cảm dành cho mùa xuân của quê hương xứ sở. Dẫu đã xuôi về với bến sông Thương, nhưng đi theo nữ thi sĩ Anh Thơ vẫn còn đâu đó những triền đê, những dòng sông, những cánh bướm, những “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”, những cánh chuồn chuồn đang mê mải dệt những giấc mơ cổ tích, những con đường hun hút sắc cỏ may ... Và như thế, trong chuyến đi xa mải miết của bà, ta đâu hề thấy có sự cô đơn? 

Trong dàn đồng ca đầy tài năng của phong trào Thơ mới 1932 – 1945, xuất hiện với “một gương mặt hiền hòa lặng lẽ nhưng không giấu vẻ tân kì, Anh Thơ đã đem lại cho Thơ mới một phong cách độc đáo. Sau Tương Phố mười lăm năm, cùng với các nhà thơ nữ đương thời: Vân Đài, Mộng Tuyết, Hằng Phương... Anh Thơ đã góp phần chứng tỏ truyền thống nữ lưu văn học từ Đoàn Thị Điểm, bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương đến thế kỉ XX không hề đứt đoạn” (Trần Thanh Đạm). Nói vậy để thấy rằng, Anh Thơ là một hồn thơ hiền hòa lặng lẽ nhưng là một bông hoa có hương sắc riêng trong vườn hoa thơ ca nước Việt. Và “Chiều xuân” là một giai điệu đẹp, làm ngân lên trong lòng độc giả nhiều thế hệ những rung cảm chân thành, lắng dịu, bình yên về cảnh xuân, tình xuân của miền quê nước Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.