Ngày xuân nói chuyện cổ vật

GD&TĐ - Bàn về cổ vật, trong một năm không có ngày nào hợp hơn ngày Tết, không có mùa nào hợp bằng mùa xuân. Dường như, cổ vật cũng có mùa, có tết như con người vậy.

Cách bài trí cổ vật ở nước ta theo lối sắp đặt giống Trung Quốc.
Cách bài trí cổ vật ở nước ta theo lối sắp đặt giống Trung Quốc.

Xưa các cụ chơi cổ vật thật tinh và sành. Nó trở thành một thú vui nho nhã, uyên bác và đầy triết lý. Còn bây giờ, giới chơi cổ vật dường như đã khác; đã thay đổi quan niệm theo sự phát triển của thị trường.

Nghề chơi thời cũ

Bộ sưu tập ấm trà cổ rất quý hiếm của nhà sưu tập Mông Nông Vũ.
Bộ sưu tập ấm trà cổ rất quý hiếm của nhà sưu tập Mông Nông Vũ.

Khi nhà sưu tầm Nguyễn Trường, người đứng đầu hội cổ ngoạn Thăng Long chưa về với tiên tổ, thi thoảng ông có nhắn chúng tôi đến căn nhà ở đường Quán Thánh (Hà Nội) để hàn huyên chuyện cổ vật.

Những câu chuyện ông Trường kể thì dài dòng lắm, nhưng cũng chỉ loanh quanh về đồ cổ nên cũng thú vị. Thân sinh của ông Trường là cố hoạ sĩ Nguyễn Dung, bạn thân của danh hoạ Bùi Xuân Phái, người chơi cổ vật có tiếng Hà Nội xưa.

Với dòng dõi kinh sử về đồ cổ, ông Trường chẳng lạ gì những phép tắc, qui định lẫn thâm cung bí sử của ngón nghề sưu tập. Ông cũng buồn vì mấy năm qua, giới cổ vật xuất hiện nhiều người lấy danh sưu tầm mà lường gạt, hoặc nặng nề quá vì vấn đề tiền bạc.

Ông bảo rằng, các cụ xưa tuyệt nhiên không bao giờ sánh cổ vật với tiền. Cổ vật là lịch sử, là câu chuyện, là tri thức thì tiền làm sao sánh được. Mỗi dịp nghe các cụ bàn về đồ cổ, coi như nơi đấy phát xuất tinh hoa, đạo đức và nhân cách cá nhân rất rõ nét.

Các cụ xưa không lập hội, nhưng cụ nào chơi đồ cổ là người cùng thú vui sẽ biết ngay. Cứ thế mà kết giao, tri kỉ từ đó mà ra nên tình bạn vững bền lắm.

Ngày thường các cụ hay tụ lẻ tẻ với nhau vài ba người, cùng nhâm nhi chén rượu, hút thuốc, ăn trầu và kể cho nhau nghe về thứ mà mình mới sưu tầm được. Thế rồi vật phẩm ấy được đem ra, chuyền tay nhau ngắm nghía. Có những cụ cẩn thận, đem theo sổ tay ghi chú rất tỉ mỉ và còn vẽ lại cổ vật ấy vào một trang viết.

Đến ngày Tết mới là “ngày hội” của các cụ cùng thú vui cổ ngoạn. Họ phân chia thời gian để đến nhà của nhau, và bao giờ cũng đem theo một vài đồ cổ để giao lưu với nhau, chúc nhau sống dai như cổ vật.

Tính văn hoá, hóm hỉnh và trí tuệ của các cụ yêu thích cổ vật ngày trước biến thú chơi thành một nghề chơi. Công phu lắm và cũng rất văn minh nên thời xưa, ít khi cổ vật “chảy máu” sang nước ngoài. Cũng vì các cụ rất sành chơi, tinh tế khi nhận xét đồ và yếu tố tiền bạc chỉ là thứ yếu, nên không có những kẻ chuyên lừa đồ cổ như ngày nay.

Các cụ cũng không chơi đồ dành cho tế lễ, đồ của đình chùa miếu mạo nên cũng không xuất hiện thói ăn cắp cổ vật trong các di tích. Người xưa quan niệm rằng, đồ tế lễ, tế tự là dành dâng thần thánh cùng người đã khuất. Chơi những vật phẩm ấy là trái với đạo lý phong tục, cũng là nghịch với đạo đức làm người.

Đổi biệt thự lấy bộ ấm trà

Ngày xuân nói chuyện cổ vật ảnh 2

Phải khẳng định rằng, trong việc chơi cổ vật thì Trung Quốc là một trong những quốc gia có bề dầy lịch sử. Không chỉ trong giới bình dân, mà vua quan thời phong kiến Trung Quốc cũng rất sành cổ vật. Họ hình thành thú chơi dựa theo tiêu chí riêng, nhưng rất sớm có ảnh hưởng đối với thế giới.

Những bức hoạ cổ, thư pháp cổ cũng được sưu tầm mạnh mẽ. Bởi thế, kho tàng cổ vật của Trung Quốc được đánh giá không chỉ là đồ sộ, mà còn vô cùng giá trị.

Những người chơi cổ vật ở nước ta xưa kia cũng một phần chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Nhưng là ảnh hưởng theo cách sắp đặt, bầy cổ vật trong tủ, trên đôn ghế hoặc trên bàn gỗ gụ, chứ không ảnh hưởng bởi hướng sưu tầm.

Những hoành phi, câu đối… tạo nên một không gian đầy cao sang, quyền quý của tầng lớp trên của Hà Nội, thời những năm đầu thế kỷ 20. Khách đến nhà sẽ phải choáng ngợp, cảm nhận được ngay vị thế của chủ nhà, ít nhất cũng là công chức Tây hay cao hơn là tư sản, địa chủ.

Một xu hướng chơi khác, hàn lâm và chuyên nghiệp hơn, ảnh hưởng từ phương Tây, qua văn hóa Pháp và Mỹ du nhập vào, tác động tới tầng lớp trí thức, xuất thân từ những gia tộc giàu có. Đó là những sưu tập gốm cổ, tiền cổ, đồng hồ cổ, tranh cổ… Lối sưu tập này đòi hỏi người chơi phải có kiến thức sâu và rộng, để nhận biết giá trị thật của cổ vật.

Hà Nội xưa nổi tiếng có cụ Đức Minh ở Tràng Tiền với thú chơi tranh. Cụ Huệ Muối ở phố Hàng Muối chơi đồ cung đình nhà Thanh. Cụ Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân chơi tranh của nhóm các danh hoạ Việt. Và cuối cùng là cụ Đạm, một thầy giáo làng nhà ven dòng sông Tô chuyên chơi tiền cổ.

Người ta kể cụ Đức Minh nhiều tranh cổ đến độ bày la liệt từ trong ra ngoài mà còn chưa hết. Cụ còn có cả những đĩa men ngọc thời Tống dành đựng nho khô và có cả ấm trà da chu của vua nhà Thanh. Khi cụ mất, khối tài sản kếch sù bị thất tán. Gần đây, người con trai sưu tầm trở lại, mở một bảo tàng có tên Đức Minh ở Sài Gòn, nhưng chẳng thấm tháp gì so với số cổ vật mà cụ từng sở hữu.

Còn cụ Huệ Muối thì có bộ trà sứ xanh - trắng hiệu đề “Đại Thanh Càn Long niên chế”, mỏng như giấy, trong như ngọc, kêu như chuông. Để sở hữu bộ ấm này, cụ Huệ đã phải qua một cuộc đổi chác dầy công và khủng khiếp. Đeo đẳng suốt 5 năm và đánh đổi một ngôi biệt thự ở cuối phố Bà Triệu để lấy bộ ấm.

Tiêu chí nghề chơi

Tiêu chí sưu tầm “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” và còn thêm “Độc và có thân phận”.
Tiêu chí sưu tầm “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” và còn thêm “Độc và có thân phận”.

Thú chơi cổ vật, tuy mỗi thời mỗi khác, nhưng vẫn có những tiêu chí chung được đúc kết thành quy ước để đánh giá. Quy ước ấy cũng thành “kim chỉ nam” dẫn đường cho thú chơi không bị lệch hướng.

Một bộ sưu tập cổ vật có giá trị phải là hiếm có, độc đáo và đạt được nhiều tiêu chuẩn cao của cổ vật chứ không phải là số lượng hiện vật nhiều là quý. Thế cho nên câu nói “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” như “giáo lý” của các “tín đồ” cổ vật.

Thêm nữa, những ai đã thạo cuộc chơi thì đều ngấm truyền khẩu về các tiêu chí để đánh giá cổ vật bằng một câu ngắn gọn các cụ để lại: “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”, nhưng thời nay bốn tiêu chí ấy chưa đủ mà còn “độc” và có “thân phận”.

“Dáng” được xếp đầu tiên để khẳng định món đồ đó có đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao. “Da” được xếp thứ hai để xem xét phần kỹ thuật, mỹ thuât tạo ra từ bố cục, hoa văn, họa tiết, nét chạm khắc trên món đồ.

Đặc biệt “da” còn là “nước men thời gian” được tạo ra tự nhiên trên bề mặt ngoài của cổ vật mà không do tác động của con người. Hai tiêu chí đầu tiên này phản ánh rất rõ kinh nghiệm mà các cụ sành chơi, tinh ý để lại. Nó cũng thể hiện trình độ chế tác, óc thẩm mỹ sáng tạo ra cổ vật của người xưa.

“Tam Toàn” nói sự lành lặn hay sứt mẻ của mỗi món đồ. Nếu cùng là một loại cổ vật bình thường giống nhau, nhưng giá trị giữa món đồ lành lặn cao gấp nhiều lần món bị sứt mẻ, chắp vá.

Cuối cùng là “Tuổi” nhằm xác định cổ vật có niên đại chế tác vào thời gian nào. Thường thì càng sâu tuổi càng có giá trị, nhưng thực tế gần đây lại có thay đổi. Nhiều cổ vật mặc dù tuổi thấp, nhưng khi đấu giá thì lại có giá trị tiền lớn hơn. Cho nên “Tuổi” còn phụ thuộc thời đại chế tạo ra món đồ cũng như lịch sử vinh – nhục của thời kỳ ấy.

Hai tiêu chí “Độc” và “có thân phận” tức là xuất xứ của ai, nơi nào đã sử dụng thời xa xưa? Các cổ vật của vua, quan, danh nhân, nhà giầu đặt làm hoặc mua, tặng để sử dụng? Nếu của vua thì giá trị rất cao và thường được gọi là cổ vật cung đình.

Của quan thấp hơn (thường gọi là đồ quan) nhưng giá trị vẫn cao hơn nhiều so với đồ bình dân. Các cổ vật có hiệu đề, tên lò sản xuất, minh văn cung tiến sẽ cho biết xuất xứ của cổ vật. Những dấu hiệu ra đời đó cũng chính là “giấy khai sinh” của cổ vật vậy.

Nói thì dễ vậy, có tiêu chí, quy ước nhưng chẳng ai bước chân vào nghề sưu tầm cổ vật mà thành công ngay. Có người tán gia bại sản, có người vào tù ra tội, có người ngã không đứng dậy nổi. Cho nên, sưu tầm cổ vật không chỉ là thú chơi – nghề chơi mà còn phải rất có duyên. Duyên ấy là cái gì? Ở đâu ra thì không ai giải thích được.

“Bình sinh tôi mê thích đồ cổ còn hơn khách hào hoa mê gái, hơn xa người đánh bạc mê bài. Mua được một món lạ, tôi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam Hoàng quốc chí, người ta mau chán ngán. Chỉ riêng tôi, với món đồ mới sắm, tôi có thể mân mê suốt ngày, không ăn cũng đủ no. Nói ra không sợ ai cười, tôi có thể trở nên một thằng điên “khúc khích mình cười nói chuyện một mình” rồi tôi sung sướng khoan khoái trong lòng, khi ấy tự mình thấy trẻ trung, nhỏ xuống mấy tuổi, vì lẽ ấy không trách vì sao tôi cứ mua đồ cổ. Tiền mua đồ cổ, dẫu tốn bao nhiêu, tôi không sợ” – Nhà sưu tập Vương Hồng Sển viết trong “Hơn nửa đời hư”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.