Mùa xuân trong sáng tác của Anh Thơ

GD&TĐ - Anh Thơ từng khẳng định: Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ trong tâm hồn con người.

Phiên chợ Tết. Ảnh minh họa: IT.
Phiên chợ Tết. Ảnh minh họa: IT.

Vẻ đẹp của những bức tranh xuân trong các sáng tác của Anh Thơ là sự kết tinh từ năng lực quan sát, sự rung động tế vi cùng niềm khát khao giao hòa, giao cảm với cảnh vật, đất trời và tình yêu quê hương đằm thắm gửi vào từng hình ảnh, giọng điệu của một hồn thơ duyên dáng, đậm chất nữ tính.

1. Phong trào Thơ Mới là một cuộc cách tân thi ca chưa từng có trong lịch sử văn học dân tộc. Anh Thơ đặt chân vào lãnh địa thơ ca khi Thơ Mới đã ổn định và khá nhiều tên tuổi đã có được chỗ đứng vững chắc. Tuy vậy, bằng tình yêu, đam mê nghệ thuật và tài năng, Anh Thơ “biệt hẳn ra một lối” và bà sớm khẳng định “thương hiệu” trên thi đàn.

Cùng với Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính… Anh Thơ đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của dòng thơ đồng quê.

Với bút pháp nghệ thuật tả chân, hình ảnh làng quê Việt đi vào trang thơ nữ sĩ giản dị, gần gũi, thân thuộc, chân chất và đầy sinh động. Giữa nhiều bức tranh mang đậm hồn quê, duyên quê Việt Nam có lẽ những trang thơ viết về mùa xuân đọng lại nhiều ý tình hơn cả. T

rong Bức tranh quê – tập thơ khẳng định tên tuổi nữ sĩ, đạt giải Khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn, những bài thơ viết về mùa xuân chiếm tỉ lệ khá nhiều. Điều đó chứng tỏ niềm khát khao giao cảm, giao hòa trong bầu không khí ấm áp đầy ắp xuân sắc xuân tình của Anh Thơ – một tâm hồn thơ tươi trẻ, hồn nhiên đầy xuân nữ.

2. Sức hấp dẫn trong những trang thơ viết về mùa xuân của nữ sĩ trước hết ở cảnh xuân. Bức tranh trong Chiều xuân lặng lẽ, êm đềm, bình dị và thật nên thơ: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời (Chiều xuân).

Đọc thơ Anh Thơ người đọc được thưởng thức đầy đủ không khí và dư vị của mùa xuân đồng bằng Bắc Bộ.

Những từ ngữ: Mưa bụi, đò nằm mặc nước sông trôi, quán tranh vắng lặng… là tín hiệu thẩm mĩ chỉ buổi chiều xuân đang dần tàn. Chiều mưa lạnh, nơi bến sông, trên con đê rìa làng, vắng vẻ, êm đềm, tiêu điều như một tiếng thở dài, một ám ảnh không gian từ trong sâu thẳm tâm hồn nữ sĩ Anh Thơ.

Bức tranh Chiều xuân hiện lên cụ thể, chi tiết. Nữ sĩ giống như một nhiếp ảnh gia đang say mê thu vào ống kính những khoảnh khắc đẹp của buổi chiều xuân ấy.

Bức tranh xuân là sự hòa phối màu sắc, âm thanh, hình ảnh đường nét. Sắc tím hoa xoan cùng những hạt mưa bụi lất phất, dịu dàng như “đặc sản” của đất Bắc trong thời khắc đất trời chuyển giao.

Những hạt mưa bụi phảng phất, nghiêng nghiêng như làm chênh vênh cả không gian, giăng trên bến vắng ướt nhòe. Từng hạt mưa xuân phơi phới, li ti thấm dịu dàng khoác lên đất trời tấm màn voan mỏng. Không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối, con đò dường như mệt mỏi, biếng lười, quán tranh thu mình lại, im lìm, vắng lặng. Tất cả như ẩn chứa nỗi niềm sâu kín.

Mở rộng không gian lên tận triền đê là một bức tranh xuân tươi non mơn mởn: Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ/Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ/Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió/Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa. Ngút tầm mắt là sắc xanh non của hoa cỏ mùa xuân đang sung sức trỗi dậy tràn thân đê, quanh co ôm lấy làng quê từ bao đời.

Hòa với màu biếc của cỏ non là màu đen của đàn sáo chấm điểm, sắc xanh rờn của đồng lúa, màu tím của hoa xoanvà nổi bật nhất, xinh tươi nhất là chiếc yếm thắm của cô thôn nữ, đang cần mẫn cào cỏ trên ruộng lúa: Trong đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng/Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra/Làm giật mình một cô nàng yếm thắm/Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa (Chiều xuân).

Cảnh xuân hài hòa: Cánh cò trắng ẩn hiện, những cánh én đan dệt, rồi cỏ xanh triền đê như mời gọi cánh bướm rập rờn, từng đàn sáo bay đi bay về mổ vu vơ, những cánh bướm mỏng manh bay trong gió tựa như đang trôi theo những làn gió xuân, đàn trâu gặm những búi cỏ ướt đẫm mưa xuân.

Sự xuất hiện của con người – cô nàng yếm thắm không làm phá vỡ sự tĩnh lặng của không gian mà còn đem lại cảm giác ấm áp, điểm xuyết nét son tươi rói cho bức tranh chiều xuân nhạt nhòa ở hai cảnh đầu trở nên bừng sáng.

Chỉ bằng vài nét chấm phá, Anh Thơ đã thu được linh hồn của mùa xuân đồng bằng Bắc Bộ, chân thực, sinh động, tạo được cả không gian thơ ám ảnh khôn nguôi về vẻ đẹp của thiên nhiên. Chiều xuân là những cảnh bình thường ở làng quê xưa nhưng qua cặp mắt của nữ sĩ trở nên tươi mới, đầy kì thú. Phải là một nghệ sĩ thực tài mới khám phá được giữa cái hỗn độn tầm thường của sự vật, những dáng hình khêu gợi và truyền cảm.

Phải có kĩ thuật và nghệ thuật vững chắc, già dặn mới có thể trong chớp mắt, vừa bố cục vừa điều khiển ánh sáng để làm ảnh sinh động có tinh thần. Ấy là chỉ nói việc thâu hình, còn biết bao nhiêu công việc phải làm trong buồng tối đòi hỏi – ngoài kĩ thuật vững vàng – một nghệ thuật sâu sắc, một khiếu thẩm mĩ tế nhị mới tạo nên một tác phẩm mĩ thuật khả dĩ làm đẹp mắt và rung cảm được người xem.

Nếu Chiều xuân là bức cổ họa xinh xắn, im lìm ở làng quê bình dị, thân thuộc của vùng đồng bằng Bắc Bộ thì Ngày xuân mang vẻ đẹp thoáng đãng, mát mẻ, trong lành: Trời hơi lạnh và nắng vàng hơi hửng/Lúa xanh đồng rợn sóng lượn chân mây/Vài con én liệng ngang trời lơ lửng/Từng lũ cò phấp phới đậu rồi bay (Ngày xuân).

Cảnh xuân hiện lên với bao dáng vẻ: Khí trời hơi lạnh trong sắc vàng của nắng, sắc xanh của lúa, điểm xuyết trên nền bức tranh là cánh én chao liệng, lũ cò phấp phới.

Với Xuân quê, Anh Thơ say sưa giới thiệu, dẫn dắt độc giả đến không gian làng quê đầy tràn đầy sự sống và đầy ắp xuân tình: Pháo rụng còn vương ngô hững hờ/Bên rào loáng thoáng khói bay mơ/Có người qua xóm nhìn ngon mắt/Xuân chín trên cành cam lẳng lơ (Xuân quê).

Nữ sĩ Anh Thơ tâm niệm: Viết về những điều trông thấy quanh mình, có lẽ bởi vậy thơ của Anh Thơ không đặt ra những vấn đề to tát, hệ trọng của cuộc sống, thời đại, mỗi thi phẩm là kết quả sự quan sát cảnh quê, thấm đượm tình quê. Đó là chiều xuân, là ngày xuân và cả đêm xuân: Trời quang quẻ, đêm nay không mưa nữa/Nước trong ngòi chảy tắm mấy ngôi sao/Tàu chuối láng che mặt trăng xấu hổ/Khóm tre già đợi gió đứng bên ao (Đêm xuân).

Bức tranh thiên nhiên xuân về đêm duyên dáng, bẽn lẽn, nhẹ nhàng tình tứ đầy xuân sắc. Với cái trong trẻo của trời, ánh sáng lung linh của vì sao, vẻ huyền ảo của trăng cùng làn gió xuân nhẹ nhàng, tất cả tạo nên đêm xuân thanh tịnh, lung linh và huyền ảo.

Bên cạnh đó, đêm xuân trong thơ nữ sĩ còn vang âm thanh náo nức: Trong các ngõ người đi ra từng tụm/Những đàn ông vào điếm họp quân bài/Các cô gái ra bờ sông hát đúm/Mấy bà già cõng cháu đến nhau chơi (Đêm xuân).

Trong thơ Anh Thơ, sắc tím hoa xoan cùng những hạt mưa bụi dịu dàng như “đặc sản” của mùa xuân đất Bắc.
Trong thơ Anh Thơ, sắc tím hoa xoan cùng những hạt mưa bụi dịu dàng như “đặc sản” của mùa xuân đất Bắc.

3. Đọc thơ Anh Thơ người đọc không chỉ mãn nhãn với vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời vào xuân mà còn bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những trang văn miêu tả chân thực, cặn kẽ, sống động bầu không khí xuân được kết đọng trong chợ quê vui nhộn: Chợ đông quá! Chỗ này vài chiếu bạc/Những chàng trai ô mới mở dương vây và Trên những giải lưng điều bay phấp phới/Các cô nàng lơ lẳng nón quai thao (Chợ ngày xuân).

Chợ Tết là một trong những nét giá trị làm nên độc đáo trong văn hóa Tết cổ truyền. Đến chợ tết không chỉ để mua sắm hàng hóa vật chất mà đó còn là không gian để giao lưu, gặp gỡ, phô khoe hết vẻ đẹp xuân sắc, xuân tình của những chàng trai, cô gái.

Hình ảnh người buôn bán ra vào tấp nập, những người đánh bạc tụ tập, các cô gái chen nhau vào bói quẻ duyên tình trong chợ Tết vừa giản dị, gần gũi lại chân thật sinh động.

Vui nhất trong phiên chợ xuân chính là những thầy bói đoán quẻ cho khách qua đường: Nhưng đông nhất quán hàng người đoán thẻ/ Một lão già kính trắng, bịt khăn đen/Các cô gái chen nhau vào vui vẻ/Nghe Thánh truyền sắp đắt mối lương duyên (Chợ ngày xuân).

Mùa xuân còn thể hiện trong những không gian sinh hoạt xã hội với lễ hội đạp thanh, lễ hội múa lân, lễ hội hát trống quân, hát đối đáp, lễ chùa để mọi người hái lộc cầu may, lễ hội đêm rằm tháng giêng… vui tươi, nhộn nhịp: Chùa mở hội người làng nô nức tới/Trong khói trầm trong ánh nến xôn xao/Các bà lão yếm hồng tươi khoe mới/Các cô nàng khuyên bạc sáng như sao (Đêm rằm tháng Giêng). Lễ hội là những món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đất Việt mỗi độ xuân sang.

Phong tục lễ hội là phong vị đặc trưng của ngày Tết trên đất Bắc, phản chiếu thế giới tâm hồn con người chất phác, thuần hậu, nhân ái. Các bô lão yếm hồng tươi mới, các cô nàng khuyên bạc sáng như sao, bác cung văn cao giọng nhịp tơ đàn, những con hương xoa xuýt kêu van, lũ trai tơ rộn rịp ra vào, tếu táo, tinh nghịch trêu đùa các cô gái dâng hoa, dâng lễ.

Cảnh chùa chiền thanh thoát chân thật, mộc mạc, tươi vui. Ánh trăng làm khung cảnh thêm lãng mạn, êm đềm; các chàng trai, cô gái hiện lên với nét tươi vui, tinh nghịch, tình tứ.

Đêm rằm tháng Giêng – đêm mừng trăng tròn đầu tiên của năm, các chùa mở hội đón khách thập phương vọng bái, những nét văn hóa xưa như xin xăm, đón thẻ để biết chuyện may rủi trong năm mới được Anh Thơ tái hiện sinh động: Họ hớn hở người thì quỳ xuống lễ/Sau lưng sư, trước mặt Phật từ bi/Người lẳng lặng cúi đầu ngồi xóc thẻ/Cạnh chuông đồng luôn đổ tiếng bi li (Đêm rằm tháng Giêng).

4. Đọng lại xúc cảm nhiều nhất trong thơ Anh Thơ chính là dư vị ngày Tết. Ngày Tết gói gọn vòng luân chuyển bốn mùa, mở ra vòng năm mới. Tết xưa hiển hiện chi tiết trong sáng tác nữ sĩ. Anh Thơ giữ nguyên hồn Việt để khắc họa chân thực và sinh động Trước cổng làng chòm nêu vừa thức gió/Bụi mưa phùn đã đổ xuống sân vôi.

Trong văn hóa Việt, cây nêu là biểu tượng cho sự bảo hộ con người từ thần linh để chống lại các thế lực tà ma, đồng thời cũng là hình ảnh biểu trưng cho lòng nhân từ, sự dung hòa của con người. Hình ảnh chòm nêuđi vào thơ nữ sĩ vừa giàu chất hội họa tạo hình, tạo khối vừa đánh thức, lay động, gợi khung cảnh ngày Tết.

Những cơn mưa bụi vào xuân tô điểm thêm không khí ngày Tết. Nhắc tới Tết là nhắc tới âm thanh rộn ràng của tiếng pháo: Tràng pháo chuột đua nhau đì đạch nổ/Xác giấy hồng bắn cả cánh hoa rơi.

Âm thanh giòn giã của tiếng pháo hòa cùng sắc hồng của xác pháo như tín hiệu thẩm mĩ gợi an lành, may mắn. Tưởng tượng xác pháo hồng rơi như cánh hoa vừa thực vừa ảo cho thấy cái nhìn tinh tế và liên tưởng độc đáo của nữ sĩ.

Chiều ba mươi Tết trong mâm cúng tất niên, rước ông bà tổ tiên khuất mặt về ăn Tết cùng con cháu: Và rất nhiều ông già ngồi lau quét/ rước bàn thờ thành kính thắp tuần nhang (Chiều ba mươi Tết). Thắp nén tâm nhang thành kính lên bàn thờ tổ tiên dịp Tết trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa người Việt. Nén hương chính là chiếc cầu nối linh thiêng giữa cuộc sống hiện hữu của đời thường với cõi tâm linh của đất trời.

Theo lệ Tết, đêm ba mươi người dân nấu bánh chưng để đón giao thừa. Trẻ con vui tươi, hớn hở trong bộ quần áo mới nghe bà kể tích chuyện Lang Liêu dâng Hùng Vương bánh quý: Quanh bếp ấm, nồi bánh chưng sùng sục/Thằng cu con rụi mắt cố chờ ăn/Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức/Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm (Đêm ba mươi Tết).

Xuân về, Tết đến, trong nhà, ngoài đường chung bầu không khí nhộn nhịp, náo nức rộn rã: Trong nhà đỏ bàn thờ nghi ngút khói/Những đàn bà tíu tít chạy bưng mâm/Lũ con trẻ vui mừng thay áo mới/Bên ông già hương nến quá chuyên tâm (Ngày Tết). Trong những ngày tống cựu nghênh tân, người Việt xây dựng nếp sống văn hóa với những phong tục đẹp: Mâm cúng lễ, bàn thờ gia tiên nghi ngút khói hương.

Hình ảnh của những người đàn bà – “nội tướng” trong gia đình tất bật, tíu tít vừa vất vả, bận bịu nhưng không giấu nổi niềm vui lấp lánh ánh trên khuôn mặt, trong ánh mắt. Đón Tết một cách nồng nàn, vui Tết một cách náo nhiệt, hân hoan những đứa trẻ nhỏ náo nức thay áo mới, các bậc cao niên thành kính trong nghi lễ tâm linh.

Tết Nguyên Đán là Tết Cả, Tết lớn nhất của người Việt. Ăn Tết không thể thiếu quần áo mới và tiền lì xì mừng tuổi: Ngoài đường ngõ bùn lầy theo nước chảy/Thằng cu con quần đỏ cưỡi lưng bà/Các cô gái đội vàng hương ôm váy/Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua (Ngày Tết).

Hình ảnh các cô gái đội vàng hương, tươi cười làm sáng bừng vẻ đẹp ngày Tết đậm sắc xuân, tình xuân. Ngày Tết của Anh Thơ đã gọi dậy đầy đủ không khí, hương sắc, phong tục và dư vị của ngày Tết Bắc Bộ. Đó cũng chính là sự kết tinh tình yêu, sự hiểu biết cặn kẽ của một người con đất Bắc.

Sức hấp dẫn về đề tài mùa xuân trong các sáng tác của Anh Thơ chính ở sự chân thực, cảnh xuân, sắc xuân, tình xuân được cảm nhận bằng cái riêng của một tâm hồn người Việt nặng lòng với quê hương. Mỗi thi phẩm của Anh Thơ là sự chắt lọc chất thơ, cái đẹp trong cuộc sống bình dị hàng ngày.

Anh Thơ từng khẳng định: Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ trong tâm hồn con người. Xuất phát từ quan niệm nghệ thuật như vậy, nữ sĩ đã viết nên những vần thơ mộc mạc, chân chất đến lạ thường, thấm đẫm hiện thực và gặt hái được thành công rực rỡ trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.

Cùng viết về mảng đề tài nông thôn làng quê Việt Nam, nếu Bàng Bá Lân nghiêng về đời quê, Đoàn Văn Cừ với nếp quê, Nguyễn Bính đậm đà với hồn quê thì nữ sĩ Anh Thơ lại tinh tế, đằm thắm với cảnh quê.

Vẻ đẹp của những bức tranh xuân trong trang thơ nữ sĩ là sự kết tinh từ năng lực quan sát, sự rung động tế vi cùng niềm khát khao giao hòa, giao cảm với cảnh vật, đất trời và tình yêu quê hương đằm thắm gửi vào từng hình ảnh, giọng điệu của một hồn thơ duyên dáng, đậm chất nữ tính. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.