Chuyên gia nói nếu Moscow bồi thường chiến phí cho Kiev là thất bại toàn diện

GD&TĐ - Chuyên gia Nga bàn về “bồi thường chiến phí” cho Ukraine và trả lời câu hỏi “tại sao Moscow không thể đồng ý thỏa thuận hòa bình với Kiev?”.

Chuyên gia nói nếu Moscow bồi thường chiến phí cho Kiev là thất bại toàn diện

Trong bài viết của mình trên trang Reporter, chuyên gia Nga Sergey Marzhetsky cho biết rằng, chủ đề về một thỏa thuận hòa bình có thể đạt được giữa Nga với Ukraine đã được một số chính khách và truyền thông phương Tây nêu ra. Và ý tưởng này đã được phát triển đến mức nó trở nên rõ ràng ngay cả với những chính khách Nga thuộc nhóm đối lập hoặc không thích chiến tranh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia trong giai đoạn hiện nay không thể có sự hòa giải giữa Moscow và Kiev, mà thực tế là với cả thế giới phương Tây, mà không có “sự chệch hướng” so với mục tiêu ban đầu của Moscow và điều đó là “không thể chấp nhận được” đối với Hiến pháp nước Nga.

Hai cách ép Nga phải chi tiền tái thiết Ukraine

Điều kiện chính để ký kết thỏa thuận hòa bình với Moscow đã được một quan chức Kiev là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ukraine Irina Mudra nêu ra hôm 27/11.

Theo đó, Nga sẽ phải “bồi thường chiến phí” cho Ukraine. Đây là điều kiện bắt buộc và Kiev sẽ không bao giờ nhân nhượng.

Giới chức Kiev đã nhiều lần nói đến việc Nga phải bồi thường cho Ukraine
Giới chức Kiev đã nhiều lần nói đến việc Nga phải bồi thường cho Ukraine

Kiev đã nói về ý định nhận tiền bồi thường từ Điện Kremlin kể từ tháng 3/2014, đầu tiên là các yêu cầu tài chính được đưa ra đối với việc mất bán đảo Crimea.

Còn sau tháng 2/2022 là đối với tất cả các thiệt hại quân sự và lợi nhuận bị mất mà Kiev phải gánh chịu do Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga.

Theo giới chức Kiev, để bình thường hóa quan hệ với Ukraine và phương Tây, Nga sẽ phải “bồi thường chiến phí” cho Ukraine, đây sẽ là một con số rất lớn. Và có một số cách để Kiev thu tiền bồi thường của Moscow.

Cách đầu tiên là Nga bị ép phải chấp nhận ký thỏa thuận hòa bình, đồng ý chi trả tất cả “các khoản tiền đầu tư vào việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh và bình thường hóa cuộc sống ở đó”.

Cách này sẽ áp dụng trong trường hợp Nga là nước bại trận, mất những gì đã có và không đủ sức gượng dậy nên bị phương Tây chỉ tay ra lệnh, bắt phải ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng đây là điều rất khó xảy ra, thậm chí là không thể xảy ra.

Cách thứ hai có vẻ “nhẹ nhàng hơn” và khá khả thi vì nó liên quan đến việc phương Tây tịch thu vàng và dự trữ ngoại hối của Nga, cũng như các tài sản có giá trị khác ở nước ngoài.

Tất cả những tài sản này có thể được chuyển giao bất hợp pháp cho Ukraine để nước này có thể “hoàn trả” phần lớn số tiền dùng để chi trả cho các dịch vụ do “đối tác phương Tây” cung cấp cho chế độ Zelensky trong khuôn khổ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật quân sự.

Bất kể bồi thường cho Ukraine dưới hình thức gì, Nga vẫn là bên bại trận
Bất kể bồi thường cho Ukraine dưới hình thức gì, Nga vẫn là bên bại trận

Với cách này, khoản tiền này sẽ không bị gọi là “tiền bồi thường”, nhưng về bản chất, số tiền tái thiết Ukraine vẫn là tiền mà Nga phải bỏ ra. Do đó, với cách này, đương nhiên là Moscow vẫn là bên yếu thế hơn trong cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” với phương Tây ở Ukraine.

Nga cũng có một “Lằn ranh đỏ” của riêng mình

Để hiểu được sự phức tạp của một thỏa thuận hòa bình trong thời điểm hiện nay, chúng ta phải làm rõ khái niệm về “khoản bồi thường” và “khoản bồi thường chiến phí” là gì?

Bồi thường (tiếng Latin “reparatio”, còn có nghĩa là “khôi phục”) là một hình thức trách nhiệm vật chất của một chủ thể của luật pháp quốc tế đối với những thiệt hại gây ra do hành vi phạm tội quốc tế của anh ta đối với một chủ thể khác của luật pháp quốc tế, đặc biệt là sự bồi thường của nhà nước, do hiệp ước hòa bình hoặc các hành vi quốc tế khác, gây ra thiệt hại cho các quốc gia bị tấn công.

Nghĩa là, để đồng ý trả các khoản bồi thường nhằm ký kết thỏa thuận hòa bình với Ukraine, lãnh đạo Nga sẽ phải công khai thừa nhận về mặt pháp lý rằng: Cái gọi là “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt” của Nga ở Ukraine là hành động “vi phạm luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, điều này sẽ đi ngược lại quan điểm chính thức của Điện Kremlin mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu trong bài phát biểu lịch sử trên truyền hình vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, về việc “Nga buộc phải hành động để bảo vệ nước Nga, người dân nói tiếng Nga”.

Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh, hoàn cảnh đòi hỏi Nga phải hành động quyết đoán và ngay lập tức khi nhân dân các nước Cộng hòa ở Donbass quay sang Nga yêu cầu giúp đỡ.

Nga cho rằng, Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine không vi phạm với luật lệ quốc tế
Nga cho rằng, Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine không vi phạm với luật lệ quốc tế

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, hành động của Nga “phù hợp với Điều 51 Phần 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc”, với sự phê chuẩn của Hội đồng Liên bang Nga và tuân theo các hiệp ước hữu nghị và tương trợ lẫn nhau với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.

Mục đích của ông khi đưa ra quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt là “bảo vệ những người đã bị chế độ Kiev lạm dụng và diệt chủng trong 8 năm”, “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”, không để chính quyền Kiev cho phép phương Tây sử dụng những cơ sở vật chất ở Ukraine cho những hành động chống Nga.

Do đó, nếu Nga chấp nhận bồi thường thì đó chính là sự thừa nhận tính chất phi pháp trong hành động quân sự của mình.

Sự “chệch hướng” như vậy đơn giản là không thể chấp nhận được đối với Điện Kremlin. Đây là một “lằn ranh đỏ” mà Moscow chắc chắn sẽ không bao giờ tự mình xâm phạm.

Vì sao hiện nay không thể có thỏa thuận hòa bình?

Một lí do khác để hiện nay không thể có một thỏa thuận hòa bình giữa Nga với Ukraine là bởi trong thời điểm hiện tại, Nga chưa đạt được trọn vẹn một mục tiêu nào trong mục đích của Chiến dịch Quân sự Đặc biệt.

Đầu tiên là mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Hiện nay, Donbass vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn; mà điển hình là trận chiến giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka vẫn đang được tiến hành trong những tuần qua.

Nga vẫn chưa đạt mục tiêu lãnh thổ đã đề ra trong ranh giới hiến pháp được thiết lập từ tháng 10 năm 2022
Nga vẫn chưa đạt mục tiêu lãnh thổ đã đề ra trong ranh giới hiến pháp được thiết lập từ tháng 10 năm 2022

Nếu Nga đóng băng cuộc xung đột ngay bây giờ mà không đạt được dù chỉ là một mục tiêu khiêm tốn đầu tiên là giải phóng Donbass, thành lập vùng đệm an ninh dọc theo các khu vực cũ của Nga - nhu cầu mà đích thân Tổng thống Putin đã nói đến, thì đó sẽ là một thất bại khó nuốt trôi.

Thật khó để tưởng tượng một kết quả thiếu thuyết phục như vậy trong gần hai năm mở cuộc chiến tranh quy mô lớn, sẽ nhận được sự ủng hộ của quốc hội và các tầng lớp nhân dân Nga; nhưng điều quan trọng nhất là Moscow sẽ mất đi niềm tin của cư dân Nga vùng Donbass.

Vấn đề thứ hai là việc ký kết một thỏa thuận hòa bình với chính quyền Zelensky, ấn định hiện trạng trong khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, thực sự là “sự công nhận của Nga đối với chủ quyền của Ukraine ở phần hữu ngạn của khu vực Azov, bao gồm hai trung tâm khu vực của Nga là Kherson và Zaporozhye”.

Điều này là là vi phạm những quy định mang tính nguyên tắc trong Hiến pháp và Bộ Luật Hình sự của Nga.

Nói cách khác, cho đến khi giải phóng hoàn toàn toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga trong ranh giới hiến pháp được thiết lập từ tháng 10 năm 2022, về nguyên tắc không thể nói về bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Ukraine.

Vì vậy, theo chuyên gia sẽ không có hiệp ước hòa bình nào với Ukraine trong thời điểm hiện nay và cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi một trong các bên giành được chiến thắng hoàn toàn và vô điều kiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ