Hạnh phúc trong quá trình dạy học
Một trong những điểm nhấn, cũng là nhiệm vụ mới của ngành Giáo dục Hà Nội trong năm học 2021-2022 là việc xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã định hướng các nhà trường triển khai xây dựng “Trường học hạnh phúc” theo 3 tiêu chí cơ bản, gồm: Môi trường nhà trường; dạy và học; các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.
Ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, tùy điều kiện và lứa tuổi học sinh, những tiêu chí trên đã được triển khai thành các nội dung cụ thể và đặc biệt, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” vừa trở thành nhu cầu tự thân, vừa là mục tiêu để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Cô Bạch Thị Thanh Huyền- Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Xây dựng nên một trường học hạnh phúc là nỗ lực của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường bởi thầy cô hạnh phúc trong công việc thì từ đó mới lan toả hạnh phúc đến học sinh tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
Những năm qua, Ban giám hiệu luôn quan tâm đến giáo viên, hiểu được tâm tư nguyện vọng của mỗi người, động viên các thầy cô giáo theo hướng tích cực bằng những buổi kỉ niệm sinh nhật, kỉ niệm 20/11, 8/3 hay tổ chức cho cán bộ, giáo viên đi học tập thực tế. Giáo viên trong trường luôn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, chung sức hành động vượt qua những trở ngại.
Đó là những lúc cả tổ, cả tập thể miệt mài cùng lên tiết giáo viên dạy giỏi, hội giảng hay các hoạt động sáng tạo lớn. Có thể kể đến cô giáo Nguyễn Thụy Khanh, dù sắp về hưu nhưng vẫn nhiệt tình ở lại đến đến khuya làm đồ dùng cho tiết dạy. Cùng với đó là các giáo viên đã nhiều kinh nghiệm cùng ngồi lại xem lại tiết dạy và giúp đỡ những giáo viên trẻ còn bỡ ngỡ.
Yêu thương trong trường học hạnh phúc là khi các giáo viên luôn quan tâm đến học sinh, không thờ ơ vô cảm với học sinh. Luôn quan tâm, ân cần dạy dỗ những bài học hay, chắp cánh cho các em học sinh tiếp cận tri thức, những người mẹ thứ hai còn sát cánh đồng hành với các con trong các hoạt động tập thể, ngoại khoá.
Đó là hình ảnh của cô hiệu trưởng trong chuyến đi học tập thực tế đến từng lớp để trò chuyện, tự tay chia đồ ăn, hỏi thăm từng em học sinh. Rồi những thầy cô giáo đã sát cánh cùng học sinh trong những giải thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, cùng học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Và một điều không thể không nói đến là sự hợp tác, đồng hành của phụ huynh trong từng hoạt động của nhà trường. Các chương trình lớn nhỏ của nhà trường đều có sự đồng hành của các phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp luôn nhiệt tình hỗ trợ và sát sao trong các hoạt động ngoại khoá đến các buổi lễ kỉ niệm.
Với mong muốn phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc sẽ lan tỏa, mỗi thầy cô giáo đã trao đi những yêu thương bằng những hành động cụ thể; luôn quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi học sinh; nắm bắt được tâm lí, năng lực, sở trường của người học để có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất.
Tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện
Chia sẻ quan điểm về trường học hạnh phúc, cô Nguyễn Thị Thương- Hiệu trưởng trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cho rằng, đó là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày.
Để xây dựng trường học hạnh phúc trước hết người hiệu trưởng phải thay đổi từ nhận thức, phong cách làm việc phải cởi mở, tận tâm, khoan dung và tâm lý. Thay đổi cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành, phải chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Từ đó, giáo viên, nhân viên tin yêu nghề, muốn làm việc và cống hiến.
Thời gian qua, tại trường Tiểu học Thịnh Liệt đã có những việc làm cụ thể nhằm giảm áp lực cho giáo viên như giảm họp hành, giảm hồ sơ, sổ sách, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, tạo dựng cảnh quan, không gian, môi trường sư phạm xanh- sạch- đẹp.
Còn cô Hoàng Thị Hoài Thu- giáo viên Trường THCS Nguyễn Lân (quận Thanh Xuân) chia sẻ: Trường học hạnh phúc là nơi tạo cho học sinh hứng thú khi học tập, tham gia các hoạt động. Khi đó, bản thân các em tự giác tham gia, tự chủ trong việc học và các hoạt động. Hạnh phúc khi đến trường, các em sẽ không bị áp lực, kết quả học tập, rèn luyện sẽ tốt hơn.
Trong quá trình xây dựng “Trường học hạnh phúc”, Trường THCS Nguyễn Lân đã xây dựng lồng ghép với “Chương trình giáo dục nhà trường”, đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục, không tách rời với mục tiêu tất cả vì sứ mệnh cao cả là chất lượng giáo dục, năng lực, phẩm chất của lớp lớp các thế hệ học sinh.
Niềm vui, hạnh phúc có thể được đưa đến từ bên ngoài nhưng nó chỉ thực sự đạt được sự bền vững và thúc đẩy cá nhân hành động tích cực hàng ngày, hàng giờ khi đó là thành quả từ sự nỗ lực của chính bản thân từng người thông qua quá trình liên tục rèn luyện, vượt qua thách thức và đạt đến thành công từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, để có được ngôi trường hạnh phúc, giáo viên cần phải có nhận thức, kỹ năng, để làm cho quá trình dạy và học không căng thẳng mang lại kết quả cao, trong đó quan trọng nhất là người hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải là người thay đổi, là người thiết kế, tổ chức duy trì trường học hạnh phúc.
Bên cạnh đó, các thầy cô tổng phụ trách, chủ tịch công đoàn... cần nêu cao những phẩm chất cao quý vốn có đó là phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò, sự mẫu mực trong lối sống. Các thầy cô luôn yêu thương học trò bằng cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, lan tỏa cho các em niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình.