Lan tỏa vẻ đẹp từ giấy điệp truyền thống

GD&TĐ - Giấy điệp – chất liệu dân gian của làng tranh Đông Hồ được một họa sĩ trẻ ở Đà Nẵng chọn để thực hành nghệ thuật đương đại.

Một trong các bức tranh trong series “Thơ thơ” của Mifa.
Một trong các bức tranh trong series “Thơ thơ” của Mifa.

Và để lan tỏa vẻ đẹp của giấy điệp truyền thống, một triển lãm mang tên “Điệp” vừa được khai mạc tại Mơ Art Space (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Hơn 120 tác phẩm acrylic của Mifa, dù không phải “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”, nhưng xứng đáng để “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Hướng về truyền thống

Mifa tên thật Lê Vũ Anh Nhi (sinh năm 1990), là nghệ sĩ thị giác sống và làm việc tại Đà Nẵng. Các thực hành nghệ thuật của cô chủ yếu về chất liệu sơn acrylic trên giấy điệp - loại giấy truyền thống của Việt Nam được làm từ cây dó và vỏ sò điệp.

“Điệp” là triển lãm đầu tay của Mifa, và sẽ kéo dài đến hết 8/4. Dù còn một khoảng thời gian khá dài để lan tỏa vẻ đẹp giấy điệp, nhưng công chúng yêu hội họa và nghệ thuật dân gian đã nhanh chóng bị thu hút bởi những nét vẽ rất thơ, rất mộng của Mifa.

Asheem Singh – một tác giả nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam giới thiệu về triển lãm “Điệp”: “Cách thể hiện kỹ thuật sơn và chuyển màu cực kỳ hiện đại trên nền giấy điệp đã diễn tả thành công sự giao thoa độc đáo của một tuổi thơ yên ả đến sự bỡ ngỡ gần như khủng hoảng trước một nhịp sống hiện đại hối hả. Loại giấy đẹp và giản dị này có nguồn gốc từ trong văn hóa dân gian bao đời, được tái tạo một lần nữa trong trí tưởng tượng của người nghệ sĩ trẻ…”.

Nghệ sĩ Mifa cho hay, triển lãm chọn lọc và trưng bày hơn 120 tác phẩm acrylic trên giấy điệp được cô sáng tác từ năm 2018. Các tác phẩm được sáng tạo dựa trên hai nguồn cảm hứng: Vẻ đẹp của thiên nhiên - với mảng màu tươi sáng, và nét trầm buồn của những tháng ngày giãn cách với gam lạnh và tối.

Mifa chia tác phẩm nghệ thuật của mình thành các series và đặt tên theo những trải nghiệm cá nhân và ý nghĩa riêng biệt: Thơ thơ - Lẩn khuất trong hơi ẩm của lá và mưa - Những cảm xúc hỗn độn - 5 thế kỉ chìm dưới biển sâu - Một thế đầy sương - Rubaiyat - Và biển cùng núi biết rằng tôi biết.

Mifa chia sẻ về series tranh “Thơ thơ” thế này: “Thơ có thể là một dạng thức thể hiện ngôn ngữ, hay là một sự rung cảm trong cách nhìn cuộc sống. Thơ, là những vần thơ ta đọc được, là tính thơ của các nền văn hóa, là góc nhìn về một nỗi buồn ẩn chứa của thời thơ ấu.

Chủ đề này là nơi để tôi suy nghiệm lại về sự ảnh hưởng của môi trường văn hóa xã hội trong cảm xúc và tư duy. Là sự hòa hợp hoặc tương phản của rất nhiều màu sắc và chuyển động. Loạt tác phẩm này chỉ là nỗ lực thể hiện một phần rất nhỏ của tính thơ trong nhận thức hạn hẹp của tôi”.

Có thể nói rằng, Mifa là một trong rất ít nghệ sĩ đang thực hành nghệ thuật trên giấy điệp. Dù hai mặt lợi – hại khác nhau, nhưng hướng đến truyền thống, tô điểm nét văn hóa xưa cũ là điều rất đáng quý đối với bản thân nghệ sĩ cũng như cộng đồng.

Với hơn 120 bức tranh từ giấy điệp – Mifa muốn lan tỏa nét truyền thống qua triển lãm “Điệp”.
Với hơn 120 bức tranh từ giấy điệp – Mifa muốn lan tỏa nét truyền thống qua triển lãm “Điệp”.

Nét vẽ lấp lánh trên giấy điệp

Nếu như tranh Đông Hồ thừa hưởng kỹ thuật in khắc gỗ và cách phối màu riêng biệt, thì Mifa sáng tạo ngẫu hứng theo kỹ thuật hiện đại. Tuy vậy, giấy điệp vẫn giữ được hồn cốt truyền thống để điểm tô những sắc màu mới – làm nền cho ý tứ sáng tạo của nghệ sĩ.

Dù giấy điệp là chất liệu dân gian của Việt Nam, thế nhưng không nhiều họa sĩ theo đuổi – bởi nhiều lý do. Mifa cho biết, tuổi thơ của cô gắn liền với bãi biển để nhặt vỏ sò, vỏ ốc. Cô muốn trở về tuổi thơ cùng chất liệu giấy điệp, để lan tỏa vẻ đẹp truyền thống như thi sĩ Hoàng Cầm đã viết trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”.

Với người làng Đông Hồ, kỹ thuật làm giấy điệp không còn xa lạ, nhưng đến nay rất ít người hiểu rõ về giấy điệp. Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, giấy điệp chính là giấy dó quét điệp lên. Nhờ có lớp bột điệp mà tranh Đông Hồ óng ánh độc đáo, khác biệt so với các tranh dân gian ở Việt Nam.

Cũng bởi điều này, dòng tranh Đông Hồ vẫn được mang danh là “tranh điệp”. Quy trình sản xuất bột điệp khá công phu. Người ta phải ra biển mới thu lượm được xác vỏ điệp chuyên để làm giấy. Loại điệp này sống ở vùng nước nông ven bờ biển. Khi mang vỏ điệp về, người thợ rửa thật sạch, phơi khô, cho vào cối giã như giã gạo trong 2 tiếng mới thành bột điệp.

Bột điệp đem hòa với nước rồi nắm lại như nắm xôi, đem phơi khô để dùng dần. Khi làm tranh dân gian, người ta đem bột đó khuấy với hồ làm từ bột nếp tạo ra một loại hồ nhuyễn, sền sệt rồi dùng chổi thông quét lên mặt giấy dó để tạo ra loại giấy điệp chuyên dụng.

Kết hợp giữa chất liệu truyền thống giấy điệp và màu acrylic hiện đại trong các thực hành nghệ thuật đương đại. Đó không chỉ là thách thức, mà còn là tình yêu rất lớn với nghệ thuật dân gian đang dần mai một của họa sĩ trẻ như Mifa.

So với giấy dó thì giấy điệp có độ thấm nước ít và độ loang màu khá chậm. Bởi vậy, người vẽ phải thử nghiệm nhiều kỹ thuật, cũng như cách thức tiệm cận. Mifa cho biết, cô phải đặt mua giấy điệp từ làng nghề thủ công ở Bắc Ninh mang về Đà Nẵng.

Sau hơn 4 năm thực hành hội họa với giấy điệp, Mifa lại lặn lội đem các tác phẩm ra Hà Nội để lan tỏa vẻ đẹp bừng sáng lấp lánh của chất liệu dân gian.

Nhìn tranh Mifa, người xem thấy chất mộng, chất thơ cùng những nỗi niềm rất riêng và lạ của cô gái Đà thành. Những sóng biển lúc cuộn trào, lúc êm ả vỗ về trong tranh. Những khắc khoải tâm tư và cả những huyền tích của quá khứ, truyện thần thoại hiện cách hư ảo đầy thần bí.

Mifa từng nghe câu chuyện trục vớt thuyền cổ chở gốm Chu Đậu chìm từ thế kỷ 16 ở Cù Lao Chàm. Cô chuyển tải vào “Bộ 5 thế kỉ chìm dưới biển sâu” với các nét vẽ và mảng màu mơ màng như lớp phù sa mỏng phủ trên hiện vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.