Đánh thức màu dân tộc trên giấy điệp

GD&TĐ - Câu chuyện tranh dân gian Đông Hồ bị mai một dường như chưa cũ khi mới đây Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tiếp tục xới lên. Theo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, sưu tập, dòng tranh dân gian đặc sắc này rất cần được đánh thức mạnh mẽ hơn nữa từ Nhà nước và cộng đồng để thực sự hồi sinh và trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Tranh dân gian Đông Hồ sẽ được đánh thức trong tương lai? Ảnh tư liệu
Tranh dân gian Đông Hồ sẽ được đánh thức trong tương lai? Ảnh tư liệu

Nét độc đáo phôi pha

Sau hơn 10 năm điền dã, nghiên cứu và sưu tầm, nhóm thực hiện cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” gồm nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích và GS Trịnh Sinh vừa có những công bố đầy mới mẻ. Theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, từ xưa, tranh dân gian Đông Hồ có 3 dòng: Tranh đồ thế, tranh trổ giấy và tranh khắc gỗ - vẽ tay. Nhưng qua thời gian, 2 dòng tranh đồ thế và trổ giấy không còn nữa.

Tranh đồ thế là dòng tranh được sản xuất phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, thường là những hình nhân thế mạng như voi, ngựa. Dòng tranh này gần gũi với nghề làm vàng mã đang rất thịnh hành ở Đông Hồ. Còn với tranh trổ giấy, theo họa sĩ Đức Hòa, đây là loại tranh còn ít người biết tới. Dòng tranh này xuất hiện phổ biến ở thời Pháp thuộc, thường là hàng lưu niệm cỡ nhỏ - mỏng manh phải dán lên nền giấy trắng hoặc cửa kính để thưởng lãm khi xem ngược sáng.

Hiện chỉ còn dòng tranh khắc gỗ, vẽ tay là bền bỉ đến ngày nay. Thế nhưng, tiếc thay, từ một làng tranh có hợp tác xã với 100 hộ sản xuất lúc nào cũng tất bật từ tháng 7 đến cuối năm với những đống tranh cao ngất; có chợ phiên người người gánh tranh mang đi bán cho khách khắp các vùng miền vào ngày 21 và 26 âm lịch hàng tháng; có những chuyến hàng xuất khẩu tranh sang các nước Đông Âu… thì giờ đây những điều đó dường như đã trở thành ký ức.

Đông Hồ còn đâu những tờ giấy dó phết điệp thuở nào? Rồi thì, kinh tế thị trường cuốn người làm tranh dân gian Đông Hồ vào việc sản xuất hàng chợ rẻ tiền, ít công sức. Giờ đây, chủ yếu, người làng Đông Hồ sản xuất hàng mã để đáp ứng nhu cầu tâm linh. Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, hiện nay người mua tranh Đông Hồ phần lớn là du khách nước ngoài. Các gia đình còn giữ nghề cố gắng bám trụ dù rất nhọc nhằn vì đầu ra rất ít.

Thêm nữa, dường như hiện nay làng tranh nổi tiếng này còn rất ít tranh điệp, mà thay vào đó loại giấy nguyên liệu rẻ tiền hơn như loại giấy in báo nhập từ nước ngoài và được gọi là tranh “gan” hay “tranh hàng”. Ngay cả nguyên liệu tạo màu, nếu như ngày xưa đều từ những cỏ cây của làng như hoa dành dành, nụ hoa hòe, bột quả gấc, lá chàm, vỏ cây vang, than lá tre, sa khoáng, rỉ đồng… thì giờ đây phần lớn là nguyên liệu nhập khẩu. Hoặc cái chổi làm bằng lá thông khô, dùng để quét điệp làm nền, phết màu khi in thì hiện giờ cũng chỉ còn duy nhất gia đình ông Hà Quý Được ở làng Đạo Tú - sát cạnh Đông Hồ làm… 

Sẽ được đánh thức?

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp đang thực hành tái hiện dòng tranh trổ giấy - một dòng tranh dân gian của làng nghề Đông Hồ đã bị mai một. Ảnh: Bình Thanh
 Nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp đang thực hành tái hiện dòng tranh trổ giấy - một dòng tranh dân gian của làng nghề Đông Hồ đã bị mai một. Ảnh: Bình Thanh

Theo GS Trịnh Sinh - Học viện Khoa học Xã hội, năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thế nhưng dường như làng nghề này vẫn chưa được đánh thức mạnh mẽ để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Thông tin thêm về câu chuyện nghề tranh dân gian Đông Hồ đang được tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, GS. TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, hồ sơ đang được hoàn thiện và sẽ trình UNESCO vào đầu năm sau.

Tuy nhiên, GS Thanh đã không khỏi trăn trở khi giải thích vì sao tranh dân gian Đông Hồ lại được đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Nguyên do cũng vì dòng tranh có lịch sử lâu năm này đã từng có những giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng giờ đây cả làng có gần 5.000 bản khắc đang lưu giữ trong các gia đình nghệ nhân nhưng phần lớn đang phủ bụi. Cùng với đó, thế hệ các nghệ nhân có năng lực chạm khắc càng ngày càng ít đi; nguyên vật liệu để làm bản khắc hay tạo màu cũng ngày càng hiếm.

Giữa bao khó khăn đó, theo GS Thanh, mới đây, tranh dân gian Đông Hồ đã nhận được những tín hiệu vui như tỉnh Bắc Ninh đầu tư đến trăm tỉ cho những dự án: Xây dựng bảo tàng tranh, mở lại chợ tranh, mời các nghệ nhân tham gia các lớp đào tạo nghề cho lớp trẻ…

“Với giá trị truyền thống của mình, “sức khỏe” của tranh dân gian Đông Hồ đã qua thời kỳ… tiêm kháng sinh, giờ đến thời kỳ tẩm bổ nên cần nhiều năng lượng từ sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh Bắc Ninh cũng như sự chung tay của cộng đồng. Nhất là khi nghề dân gian độc đáo này nếu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp thì đây chính là liều thuốc bổ quan trọng để đánh thức tranh dân gian Đông Hồ “sáng bừng trên giấy điệp” - GS. TS Bùi Quang Thanh dí dỏm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...