Giấy điệp - Nét riêng độc đáo của tranh Đông Hồ

Giấy điệp - Nét riêng độc đáo của tranh Đông Hồ

Công phu và độc đáo

Là người có công khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng, gần đây, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa được nhiều người biết tới với tư cách một trong ba tác giả của cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”.

Theo bà Hòa, tranh dân gian Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) được in trên giấy đỏ, còn tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) được in trên giấy điệp. Chính “giấy điệp” là yếu tố quan trọng làm nên thần thái của dòng tranh này, góp phần tạo ra “chất riêng”, làm nên “màu dân tộc” khắc khoải trong tâm khảm thi sĩ Hoàng Cầm.

Vậy “giấy điệp” là giấy gì? Với người làng Đông Hồ, hay rộng ra là người Kinh Bắc, kỹ thuật làm giấy điệp không lạ. Nhưng theo bà Thu Hòa, rất ít người hiểu rõ về “giấy điệp”, được làm như thế nào? Giấy điệp chính là giấy dó quét điệp lên. Giấy dó vốn được người Việt sản xuất hàng trăm năm nay ở những nơi như Yên Thái (ven Hồ Tây, Hà Nội) hay Đống Cao (Bắc Ninh).

Giấy dó là loại giấy đặc biệt, có độ bền cao, dùng để in sắc phong, kinh sách và tranh dân gian. Tranh Đông Hồ thường dùng nguyên liệu giấy dó của làng Đống Cao, tên nôm của làng Dương Ổ, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, cách làng Đông Hồ khoảng 12 cây số.

Khi đã có giấy dó, thì công đoạn quét điệp được người làng tranh tiến hành. Nhờ có lớp bột điệp lên trên, mà tranh dân gian Đông Hồ có vẻ óng ánh độc đáo, khác biệt so với tất cả các tranh dân gian ở Việt Nam.

Cũng bởi điều này nên trong nhiều năm, dòng tranh Đông Hồ vẫn được mang danh là “tranh điệp”. Để làm nên vẻ đẹp óng ánh của sắc điệp là cả một quy trình kỹ thuật độc đáo, tốn công sức vốn đã truyền lại từ nhiều thế kỷ: Đó là nghề làm bột điệp.

Quy trình sản xuất bột điệp khá công phu. Người ta phải ra biển mới thu lượm được xác vỏ điệp chuyên để làm giấy, có tên khoa học là Mop disk Shell, là loại có ánh xà cừ, mỏng như tờ giấy, màu trắng. Loại điệp này sống ở vùng nước nông ven bờ biển.

Trước đây, khi mang vỏ điệp về, người thợ rửa thật sạch, phơi khô, cho vào cối giã như giã gạo trong 2 tiếng mới thành bột điệp. Ngày nay, công đoạn giã cối này được thay bằng xay mô-tơ cũng cho ra thứ bột mịn màu trắng đục.

Bột này đem hòa với nước rồi nắm lại như nắm xôi, đem phơi khô để dùng dần. Khi làm tranh dân gian, người ta đem bột đó khuấy với hồ làm từ bột nếp tạo ra một loại hồ nhuyễn, sền sệt rồi dùng chổi thông quét lên mặt giấy dó để tạo ra loại giấy điệp chuyên dụng. Việc quét điệp làm cho giấy dó cứng hơn, dễ “ăn” màu hơn.

Công đoạn làm tranh tuần tự như sau: Quệt mực bằng chổi cho thấm vào bìa, rồi “đập mầu”, tức đập bản khắc vào bìa cho thấm vào nét khắc rồi in ra giấy dó như kiểu đóng dấu, gọi là “in úp ván” (ngược với cách “in ngửa ván” của dòng tranh Kim Hoàng và Hàng Trống).

Sau đó lật ngược ván khi giấy dó vẫn dính vào ván, lại tiếp tục dùng xơ mướp để xoa mặt lưng giấy cho no màu mới gỡ giấy ra. Mỗi màu trên tranh là một ván in. Thường thường, có khoảng 4 ván in màu và 1 ván in nét màu đen được in sau cùng. Trong các ván in màu, người làng tranh chọn màu “mạnh” in trước rồi mới đến màu khác. Thường thì in màu đỏ, rồi mới đến màu xanh, màu trắng. Ván in màu đỏ còn được khắc 2 chấm nổi để làm “cữ” cho các ván in sau.

Giữ nét duyên riêng

Một số nghệ nhân đã cố gắng duy trì dòng tranh di sản của cha ông trong những đề tài phục cổ hay hiện đại, tiêu biểu là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Một số họa sĩ người làng đã theo học ngành Mỹ thuật ở các trường ĐH để được đào tạo bài bản hơn.

Lớp người kế tục có ý thức rõ ràng trong việc phát huy bản sắc làng nghề đang có nhiều sáng tác phục hồi vốn cổ và sáng tạo các chủ đề mới. Đó là các họa sĩ như Nguyễn Đăng Dũng (con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần), Nguyễn Đăng Giáp (con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm)…

Ngay tại làng Đông Hồ cũng đã hình thành một CLB “Làng nghề truyền thống tranh dân gian” có sự ủng hộ của các cấp chính quyền. CLB ban đầu có 20 thành viên và đang tăng dần số lượng hội viên.

Song hiện số lượng tranh điệp còn rất ít, thay thế cho loại giấy “đặc sản” làm nên hồn cốt của tranh là loại giấy nguyên liệu rẻ tiền hơn. Đó là loại giấy in báo nhập từ nước ngoài và được gọi là tranh “gam” hay “tranh hàng”.

Ngay cả nguyên liệu tạo màu cũng là màu công nghiệp nhập khẩu. Một số tranh Đông Hồ hiện nay lại bị ảnh hưởng ít nhiều từ các dòng tranh dân gian khác; đề tài cũng lan sang lĩnh vực tranh tích truyện, tranh tứ bình. Loại tranh này thường được thể hiện trên khổ giấy lớn và in trên giấy báo.

Thực tế cho thấy, về làng Đông Hồ hôm nay, chúng ta thấy có sự giao lưu của cách in, vẽ của các dòng tranh ở kỹ thuật in, hoặc sử dụng cả bút lông vẽ mầu, vẽ nét chi tiết… như kiểu tranh Hàng Trống. Qua tìm hiểu từ các cụ cao niên trong làng Đông Hồ được biết, nghệ nhân làm tranh Đông Hồ ngày trước chỉ dùng cách in nét, in mảng mà không dùng bút lông để vẽ hay tô lại.

Tranh Đông Hồ đẹp mộc mạc bởi được thừa hưởng ở kỹ thuật in khắc gỗ và cách phối màu độc đáo. Trước đây, đứng trước một bức tranh Đông Hồ, người xem có thể phân biệt được ngay nhờ phong cách và đề tài.

Nay thì bên cạnh phong cách truyền thống, người Đông Hồ cũng có sự giao lưu nghệ thuật, giao lưu đề tài tranh, đôi khi cách pha màu, nguyên liệu chế tạo tranh cũng có sự biến đổi và hòa trộn giữa các dòng tranh dẫn tới mai một nét nguyên bản cổ truyền.

Theo nhà nghiên cứu Thu Hòa, nhiều bức tranh Đông Hồ được sản xuất gần đây đã “bay mất” những chữ Nho trên mặt tranh. “Đây là một trong những vấn đề cần xem xét và nếu điều này đúng, thì với tư cách là một người yêu mến dòng tranh Đông Hồ, tôi tha thiết đề nghị các nghệ nhân hãy giữ nguyên những dòng chữ đó.

Trong quá trình làm nghề, lịch sử làng tranh Đông Hồ đã ghi nhận nhiều mẫu sáng tác mới, được cộng đồng trong làng nghề đánh giá tốt, đáp ứng được thị hiếu du khách, nhưng những giá trị mang tính di sản do cha ông trao truyền thì cần phải được tôn trọng.

Đó là chưa kể, chữ trên tranh Đông Hồ là một trong những nội dung nghiên cứu rất thú vị, có thể giúp cho thế hệ sau hiểu hơn về ý nghĩa, nội dung cũng như thông điệp mà cha ông muốn gửi gắm”, bà Thu Hòa bày tỏ.

Dòng tranh Đông Hồ vẫn tồn tại mặc dù không còn được phát triển như trước đây. Hiện tại Đông Hồ còn hai dòng họ làm tranh dân gian. Bên cạnh những đại gia đình làm tranh Đông Hồ, ngay tại làng Đông Hồ còn có nhiều người tham gia vào việc phục hồi và phát triển dòng tranh này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ