Màu dân tộc trong tranh Đông Hồ

Màu dân tộc trong tranh Đông Hồ

Cái cốt cách “màu dân tộc” của xứ ta từ 500 năm trước đã có những nền nếp quy chuẩn riêng không hề lẫn lộn. Nó tổng hợp các nguyên liệu đại diện cho thiên nhiên mực thước. Từ trên non cao đến đáy biển sâu, từ thứ hoa làm thức uống chữa bệnh đến lá tre mộc mạc của làng quê.

Ngũ sắc Đông Hồ

Nói đến ngũ sắc Đông Hồ, người ta nhớ ngay đến 5 màu chủ đạo của thứ tranh cổ độc đáo mà làng Hồ ở xã Song Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh) đã và đang làm. 

Ở đây, hình như người dân cũng giản dị gọi là "làm tranh" chứ tuyệt nhiên không nói sáng tác tranh. Hỏi ra mới vỡ lẽ, những họa sĩ Đông Hồ đều xuất thân từ nông dân. Thứ họ đang sáng tác trên những bản dó khổ rộng, khổ hẹp chẳng qua cũng chỉ là một công việc thường nhật để kiếm miếng cơm manh áo. Nó cũng từa tựa như làm ruộng, trồng màu, không có gì là hàn lâm kinh viện cả.

Cũng là tranh, nhưng không giống với những dòng tranh khác. Đông Hồ dùng màu tự nhiên, không có bất cứ một khoáng vật nào mang tính công nghiệp. 

Nếu sơn mài dùng màu từ vàng và vỏ trứng để chế tác; hay sơn dầu lại đúng nghĩa công nghiệp pha chế đủ loại hóa chất cầu kỳ, thì Đông Hồ lại dùng những vật dụng có sẵn của tự nhiên mà pha chế.

500 năm nay, từ khi tranh Đông Hồ thai nghén rồi thấp thoáng đâu đó ở những ngôi nhà liếp chốn thôn dã. Người ta đã biết dùng con điệp hay ngao, sò dưới biển mà chế ra màu trắng. Họ lên núi tìm ra thứ sỏi có màu đỏ quạch như gạch non mà giã ra thành bột chắt màu đỏ roi rói.

Thứ hoa hòe mà bà con hay dùng làm thức uống chữa bệnh lại hơ trên lửa khi sao tẩm thành bột vàng. Màu xanh đã có lá chàm. Thứ lá này cho màu xanh đặc trưng không lẫn vào đâu được. Thứ lá được ví với điều lầm lỗi khi ca đời vẫn nói "tay nhúng chàm", mà vào tranh Đông Hồ lại sắt son, trong sạch. 

Thế mới biết sự sâu xa từ ngàn đời xưa lẫn thông điệp ẩn giấu trong dòng tranh cổ, vượt lên trên tất cả cái đẹp là sự dung thứ, độ lượng.

Còn lại thứ màu cuối cùng là sắc đen. Nhiều người cứ xác tín làng Hồ xưa lấy thứ màu ấy từ than gỗ xoan. Nhưng xét kỹ cái thứ nguyên liệu ấy không có lý gì để người làng Hồ quết lên giấy điệp. Vậy là lá tre được trưng dụng cho đủ hồn cốt thôn quê. Lá tre phơi khô, đốt cháy rồi tán thành bột như lương y tán thuốc.

Ông Chế và mẫu tranh Đông Hồ mới nhất.
Ông Chế và mẫu tranh Đông Hồ mới nhất.
Ông còn sáng tác thêm những mẫu tranh dân gian mới.
Ông còn sáng tác thêm những mẫu tranh dân gian mới.

Đạo làm tranh

Nghệ nhân lão luyện Nguyễn Đăng Chế là một trong hai người của làng Hồ còn giữ được đủ những bí kíp gia truyền để làm tranh dân gian. 

Ông bảo, làm tranh cũng nó cái đạo riêng của nó. Giống như người ta thưởng trà hay viết thư pháp. Ngoài kỹ năng thuần thục đến mức quen thuộc, người làm tranh Đông Hồ còn biết kính, biết trọng cái nghề cha ông.

Tính đến nay, gia đình nhà ông Chế đã qua 22 thế hệ làm tranh. Mỗi đời lại rút ra được một vài cách thức tinh xảo để góp vào vốn gia truyền. Để đến hôm nay, khi tranh Đông Hồ nhiều lúc oặt ẹo như sắp lìa đời, thì những bí kíp 22 đời thấu thị như đọng lại thành một viên ngọc quý mà cứu lấy tranh cổ.

Viên ngọc quý hội tụ những tinh hoa ấy, không ai khác chính là ông Chế. Trong tay ông bây giờ có 200 loại tranh cổ quý giá và rất nhiều những mẫu tự mới do ông nghĩ ra. Vậy là tranh Đông Hồ lại khởi sắc theo cách riêng của nó. 

Dù ở xa Hà Nội, nhưng khách thập phương vẫn tha thiết lặn lội đến làng Hồ chiêm ngắm thứ tranh cổ kính này.

Thợ khắc mẫu trên bản gỗ.
Thợ khắc mẫu trên bản gỗ.
Dập màu trên giấy điệp.
Dập màu trên giấy điệp.

"Người làm tranh Đông Hồ phải biết mình là ai đã rồi mới làm được. Tôi vẫn bảo con cháu, mình là nông dân, đang vẽ dòng tranh dân tộc thì làm sao cho tranh có hồn cốt. Tranh không có hồn coi như vứt. Tâm không sáng mà dập bản tranh cũng vứt nốt. Vừa làm tranh vừa nghĩ cách kiếm tiền từ nó lại càng vứt. Đấy là cái đạo làm tranh Đông Hồ", ông Chế giảng giải.

Hiện thời ở làng Hồ, người làm tranh cũng đã thưa thớt lắm. Hầu hết các nhà đều chuyển sang làm hàng mã, giấy tiền mã. Chỉ còn gia đình ông Chế và ông Sam là trọn vẹn ăn đời ở kiếp với tranh.

Ông Sam lắc lắc cái đầu như để tỉnh táo hơn: "Những năm đói kém mà dòng tranh này còn không chết, nhưng có khi lúc sung túc thì nó chết đấy. Hơi ngược đời nhưng hình như người ta không còn giữ được cái đạo làm tranh nữa thì phải".

"Cái đạo làm tranh hay cái đạo gì gì đi nữa chẳng hạn, thì cái tâm, cái đức vẫn là bao trùm tất thảy. Khi có những thứ ấy rồi, thì những công phu kỹ thuật chỉ là thứ phó sản mà thôi", ông Nguyễn Đăng Chế triết luận.

Đôi điều giấy điệp

Theo các nghệ nhân làng Hồ, tranh Đông Hồ thực sự được gọi là dòng tranh dân gian khi được dập bản trên giấy điệp. Làng Hồ không chuyên làm giấy, mà phải nhập từ làng Phong Khê của huyện Yên Phong. Giấy nhập về nguyên là giấy dó đặc chủng mà các sắc phong thời xưa vẫn thường dùng để đóng ấn.

Màu dân tộc trong tranh Đông Hồ ảnh 5
Rất nhiều người ưu thích dòng tranh Đông Hồ.

Khi có giấy dó, các nghệ nhân mới nghiền nát con điệp – một loại sò có vỏ mỏng ở biển. Bột điệp được trộn với hồ nấu từ gạo nếp rồi quét đều trên mặt giấy dó. 

Theo ông Chế, chổi quét phải là chổi lá thông thì mới đạt. Vì chổi lá thông mới tạo được trên mặt giấy những đường ganh đều đặn và làm ánh lên sắc trắng lấp lánh của bột điệp.

Khi đó, giấy dó được chuyển tên thành giấy điệp là vì thế. Trên mặt giấy vừa mềm lại dai, khi khô thì được dập màu trên các bản khắc gỗ và in vào giấy. Cứ màu nọ chồng màu kia tạo cho dòng tranh Đông Hồ có một sức hút kỳ lạ.

Hình như chỉ với giấy điệp, người nghệ nhân mới ước lượng tỉ mẩn được khuôn hình để đặt cái bản khắc gỗ không chếch, không lệch đi một li. Dù có những tác phẩm phải đặt khuôn đến 5 lần chà xát để ấn, để xoa cho màu nhuyễn vào giấy mà khuôn hình sau vẫn không lệch so với khuôn trước.

Cả ông Chế và ông Sam đều đồng tình cho rằng, giấy điệp thuộc loại bền nhất từ xưa tới nay. Nó có thể tồn tại cả mấy trăm năm mà màu in trên giấy vẫn không phai, không nhòa. Chẳng biết có phải vì thế, mà lòng yêu nghề, yêu quê hương đất nước đã khiến trang giấy điệp bừng lên màu dân tộc.

“Tôi chưa bao giờ dám so sánh tranh dân gian Đông Hồ với các dòng tranh khác. Nhưng rất nhiều họa sĩ cả trong và ngoài nước đều trầm trồ về nét riêng “nhìn là biết” của tranh Đông Hồ. Tôi nghĩ, nghệ thuật cũng đến thế mà thôi, tạo ra được phong cách riêng đã là một thành công rồi”. - Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ