Lan tỏa tình yêu nghề từ sáng kiến kinh nghiệm

GD&TĐ - Những sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) hay sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó còn khơi nguồn sáng tạo của học trò, giúp các em hoàn thiện kỹ năng nổi trội của mình.

Thầy Nguyễn Văn Trào cùng hai học sinh lớp 12A1 đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 17.
Thầy Nguyễn Văn Trào cùng hai học sinh lớp 12A1 đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 17.

Nâng cao chất lượng dạy và học

“Em biết ơn thầy vì đã dìu dắt em suốt 3 năm qua. Trong công việc, mặc dù thầy có phần nghiêm khắc nhưng rất quan tâm tới chúng em. Phương pháp giảng dạy của thầy cũng rất thực tế và dễ hiểu”. Đó là những lời bộc bạch của nữ sinh Đoàn Thị Hằng, lớp 12A1, Trường THPT Hoằng Hóa 4 (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) về thầy Nguyễn Văn Trào (giáo viên chủ nhiệm).

Hơn 20 năm gắn bó với Trường THPT Hoằng Hóa 4, thầy Trào đã trở thành một trong những giáo viên cốt cán của nhà trường ở bộ môn Vật lý. “Gia tài” của thầy giáo xứ Thanh đến nay là 4 học sinh đoạt giải quốc gia ở các cuộc thi khác nhau cùng 61 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh…

Đặc biệt, thầy Trào còn ghi dấu ấn ở hoạt động viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN). Đến nay, thầy đã đóng góp cho ngành Giáo dục 12 SKKN được xếp loại.

Trong đó, SKKN “Các phương pháp giải nhanh các bài toán cực trị trong mạch điện xoay chiều R,L,C mắc nối tiếp” được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh xếp loại B năm 2016. Đây cũng là SKKN được triển khai tại các buổi tập huấn chuyên đề Vật lý và được ứng dụng rộng rãi trong giảng dạy tại các trường THPT tại Thanh Hóa.

Thầy Trào cho rằng, để có SKKN hay cần xuất phát từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy. Những SKKN viết cho có thường khó áp dụng một cách hiệu quả trong giảng dạy.

“Với những SKKN hay cần được triển khai và nhân rộng đến đồng nghiệp cũng như học sinh. Thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường”, thầy Trào chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Trào, Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Thanh Hóa) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thầy Nguyễn Văn Trào, Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Thanh Hóa) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Bằng tình yêu cháy bỏng với môn Vật lý, thầy Trào không ngừng tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp với năng lực tiếp nhận của học trò. Đồng thời, khơi nguồn cảm hứng để các em bước vào con đường nghiên cứu khoa học.

Ở ngay lần đầu dẫn dắt, học sinh của thầy đã xuất sắc giành 3 giải Nhì cấp quốc gia tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 17 năm 2021. Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2016, một học sinh do thầy dẫn đắt cũng giành giải Khuyến khích chung cuộc.

Suốt hơn hai thập kỷ gắn bó với trường, thầy giáo Nguyễn Văn Trào luôn cảm thấy may mắn khi được cống hiến ở môi trường giáo dục lành mạnh, đoàn kết. Với thầy, hạnh phúc lớn nhất của nghề dạy học chính là được nhìn thấy học trò của mình ngày càng thành đạt, trở thành những công dân có ích cho quê hương, đất nước.

“Dù cuộc sống của một số thầy, cô giáo còn nhiều vất vả, song chúng tôi luôn tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và động lực để cống hiến. Bởi, đằng sau những vất vả, hy sinh chính là sự trưởng thành của các thế hệ học sinh mình từng dìu dắt”, thầy Trào bộc bạch.

Phát suy sức sáng tạo của học trò

Với cô Lê Thị Luyến, giáo viên Lịch sử, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), SKKN giúp giáo viên vượt qua tâm lý sức ì trong giảng dạy. Đặc biệt, SKKN còn phát huy tính chủ động, sáng tạo của học trò đồng thời giúp các em hoàn thiện những kỹ năng nổi trội của mình.

Bởi vậy, trong suốt gần 20 gắn bó với nghề, cô Luyến luôn tích cực tham gia viết SKKN. Nhiều SKKN của nữ nhà giáo được đánh giá cao, như SKKN “Một số biện pháp nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm ở trường THCS”, xếp loại C cấp tỉnh năm học 2017-2018.

Cô giáo Lê Thị Luyến, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Cô giáo Lê Thị Luyến, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Gần nhất, SKKN “Đa dạng hóa hoạt động dạy học Lịch sử địa phương ở Trường THCS Nhữ Bá Sỹ - Hoằng Hóa” được xếp loại C cấp tỉnh năm học 2020 – 2021.

Đối với môn Lịch sử luôn có ý kiến cho rằng đây là môn học khô khan, nhiều sự kiện. Để xóa bỏ quan điểm này, cô Luyên luôn chú trọng sưu tầm tư liệu, các mẩu chuyện, bài hát, thơ… hoặc chuẩn bị những bộ phim mang tính nhân văn để truyền đạt cho học sinh.

“Ngoài giờ học trên lớp, chúng tôi thường xuyên phối hợp với phụ huynh tổ chức các buổi ngoại khóa thăm quan di tích lịch sử, nhà truyền thống… với mong muốn mang tới giờ học sinh động, hấp dẫn. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình”, cô Luyến chia sẻ.

Nữ giáo viên cũng cho rằng, SKKN nên thường xuyên công khai và nhân rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để đồng nghiệp cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau.

Chia sẻ về công việc của mình, cô Luyến cho biết: “Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được trở thành nhà giáo. Khi chúng ta làm việc bằng niềm khao khát mãnh liệt cùng tinh thần đoàn kết tuyệt đối thì sẽ đạt được kết quả như mong đợi”.

Và cũng đúng như mong đợi của nữ nhà giáo, chỉ sau 2 năm dẫn dắt đội tuyển môn Lịch sử, học trò của cô có tới 19/20 học sinh tham gia dự thi đoạt giải cấp tỉnh. Trong đó, có 6 giải Nhất, 9 giải Nhì, 3 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.