Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, và nó đã tạo ta những cơ hội và vận hội mới cho các trường đại học. Đồng thời, cũng tạo ra những thách thức và khó khăn đối với các trường. Do đó tự chủ không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là một trong những điều kiện tiên quyết để các trường đại học hội nhập và phát triển.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã từng khẳng định, tự chủ đại học xuất hiện như là một tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của giáo dục đại học thế giới. Tự chủ là thuộc tính của các trường đại học, không tự chủ thì các trường rất khó sáng tạo, khó phát huy nội lực và khó thích ứng với sự thay đổi nhanh của thế giới ngày nay.
Mới đây, tại Lễ khai giảng năm học mới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục đại học - đó là: Đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học. Sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó có nội dung quan trọng là tự chủ đại học. Tinh thần chung là các trường đại học phải được tự chủ hơn về học thuật, được chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính.
Trên thực tế, kể từ khi Luật Giáo dục đại học hiện hành có hiệu lực, ngành Giáo dục đã chủ động triển khai đến các trường về vấn đề tự chủ và đã có sự lan tỏa sâu rộng. Đặc biệt, kể từ khi có Nghị quyết 77/NQ-CP “Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017” của Chính phủ, đã tạo cơ hội cho các trường đại học có điều kiện được thực hiện quyền tự chủ.
Theo đó, 23 trường đại học công lập được thí điểm tự chủ đã có bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các phương diện. Nói như GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì tự chủ đã thực sự như một luồng gió mới, tiếp thêm sinh khí và động lực cho các trường đại học.
Minh chứng cho nhận định này, GS.TS Nguyễn Thị Lan dẫn giải: Nhờ cơ chế tự chủ đại học mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn, tiên phong xây dựng đề xuất thí điểm cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn việc giao kinh phí với kết quả đầu ra của các cơ sở đào tạo. Đây là một trong các yếu tố đảm bảo sự thành công của tiến trình tự chủ đại học.
Đồng thời cũng chính là minh chứng cho chủ trương: Tự chủ đại học không có nghĩa là cắt kinh phí đầu tư, cắt kinh phí Nhà nước và cũng là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải “tự túc” hoàn toàn về tài chính. Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học”.
Có thể nói, “đổi mới – hội nhập – phát triển” đã trở nên quen thuộc và trở thành phương châm hành động của các trường đại học Việt Nam. Điều đó cho thấy, tinh thần tự chủ đại học không chỉ gói gọn trong 1 hay 23 trường được giao thí điểm mà đã có sự lan tỏa sâu rộng đến toàn hệ thống. Đặc biệt tới đây, nếu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua thì sẽ tạo thêm nhiều cơ hội và điều kiện để các trường đại học thực hiện quyền tự chủ.