Dù điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu đã triển khai quyết liệt xây dựng Trường học hạnh phúc nhằm hướng đến những giá trị giáo dục bền vững.
Lớp học hạnh phúc
Trường Tiểu học Giá Rai B (thị xã Giá Rai) là một trong những điểm trường được đánh giá xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc đạt hiệu quả ở tỉnh Bạc Liêu. Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Trực cho biết: Qua 1 năm thực hiện, trường đạt khoảng 80% các tiêu chí Trường học hạnh phúc, không còn tình trạng học sinh bỏ học, đánh nhau; tỷ lệ học sinh học giỏi, lên lớp tăng lên so với thời điểm chưa triển khai.
“Để thực hiện các tiêu chí Trường học hạnh phúc, trường bắt tay xây dựng lớp học hạnh phúc. Cách làm của trường trước tiên là thay đổi nhận thức, tư duy cán bộ quản lý, giáo viên, kể cả phụ huynh và học sinh hướng đến xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh; xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Nhà trường cũng điều chỉnh hình thức, phương pháp dạy học không tạo áp lực đối với học sinh. Làm sao mỗi ngày giáo viên, học sinh đến trường đều cảm thấy hạnh phúc vui vẻ, không có áp lực công việc, học tập, tạo động lực để thầy cô, người học phấn đấu hơn trong dạy và học”, thầy Trực chia sẻ.
Vào lớp học hạnh phúc 5A2 của Trường Tiểu học Giá Rai B do cô Nguyễn Huỳnh Hồng Diễm Thúy chủ nhiệm có thể cảm nhận không khí học tập luôn sôi nổi, học sinh hào hứng tham gia phát biểu ý kiến. Giờ giải lao, các em cùng tham gia hoạt động vui chơi giải trí theo nhóm, thắt chặt tình đoàn kết.
“Các bạn trong lớp rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau học tập. Thầy cô luôn quan tâm, yêu thương, đối xử với chúng em như người thân trong gia đình. Mỗi ngày, em đều mong đến trường, lớp để gặp thầy, gặp bạn”, em Trần Kim Huỳnh - học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Giá Rai B chia sẻ.
Theo cô Thúy, để lớp học thật sự hạnh phúc như tên gọi, trước tiên giáo viên phải lan tỏa đến học sinh tình yêu thương. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên không gò ép các em phải học tập đạt kết quả này, chỉ tiêu nọ mà tạo tâm lý thoải mái, tự tin, không khí lớp học cởi mở và gắn bó.
“Trong lớp học hạnh phúc, giáo viên và học sinh đều dành nhiều thời gian lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ nhau, từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững và thân thiện. Học sinh học cách tôn trọng sự khác biệt và hiểu rằng học tập không chỉ là cạnh tranh còn là sự chia sẻ, hợp tác. Các thành viên lớp học luôn xem nhau như gia đình”, cô Thúy chia sẻ.
Hướng đến giá trị bền vững
Từ một vài trường thí điểm, đến nay tỉnh Bạc Liêu đã triển khai rộng rãi mô hình Trường học hạnh phúc tại các địa phương. Thầy Trần Hồ Quốc Huân - Hiệu trưởng Trường THCS Giá Rai A (thị xã Giá Rai) cho biết, nhà trường thực hiện mô hình này từ năm 2023 dựa theo các tiêu chí đưa ra của cấp trên nhưng vận dụng phù hợp với tình hình thực tế.
“Để xây dựng trường học hạnh phúc, trước tiên trường xây dựng mối quan hệ đoàn kết nội bộ, tạo sự gắn kết giữa giáo viên - phụ huynh; giáo viên - học sinh; cán bộ quản lý - giáo viên… Qua đó, phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc cùng tạo môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh. Qua 1 năm thực hiện các tiêu chí Trường học hạnh phúc, chất lượng dạy và học của trường đã nâng lên rõ nét, các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường được gắn kết chặt chẽ, góp phần vào thành tích chung”, thầy Huân nhìn nhận.
Từ thành công bước đầu của mô hình này, ông Huỳnh Chí Dũng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) cho hay: Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về mô hình Trường học hạnh phúc.
Đồng thời, đơn vị tích cực tham mưu chính quyền đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, gắn việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với tiêu chí Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn. Các trường được chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, tập trung phát triển năng lực học sinh, nhân rộng mô hình Trường học gắn với di sản văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục STEM.
100% trường học trên địa bàn đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Trường học hạnh phúc và thực hiện hiệu quả phong trào Thầy cô thay đổi vì Trường học hạnh phúc. Nhờ đó, không phát sinh bạo lực học đường, các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường được giải quyết hài hòa. Năm học 2023 - 2024, có 6 trường tại thị xã Giá Rai đạt tiêu chí Trường học hạnh phúc.
Dù mô hình Trường học hạnh phúc mới được triển khai ở Bạc Liêu hơn 1 năm nhưng theo nhận định của ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, mô hình đã tạo sự thay đổi lớn đối với ngành Giáo dục địa phương.
“Thực hiện mô hình Trường học hạnh phúc, nhiều điểm trường đã tổ chức hiệu quả các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, chương trình văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi,... cho học sinh tham gia để rèn luyện kỹ năng sống, phát triển trí tuệ, đoàn kết, tự tin và mạnh dạn hơn.
Thầy cô tích cực đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp như: Lồng ghép trò chơi vào các hoạt động học, sử dụng sơ đồ tư duy,... tạo sự hứng thú cho học sinh, từ đó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.
Ngoài ra, nhiều điểm trường còn sáng tạo không gian học tập và trang trí lớp học tạo cảm giác thân thiện, gần gũi, ấm áp cho học sinh. Quan tâm theo dõi chặt chẽ, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với những em gặp khó khăn về tâm lý và cùng tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra”, vị lãnh đạo Sở GD&ĐT Bạc Liêu chia sẻ.
“Mục tiêu của Trường học hạnh phúc không chỉ là giúp học sinh đạt điểm số cao mà tập trung vào phát triển nhân cách, khả năng tự học, tự quản lý cảm xúc và giải quyết vấn đề, các tình huống trong cuộc sống... Điều này không chỉ mang đến thành tích học tập bền vững, mà còn hình thành ở mỗi em nhân cách sống tốt đẹp, trở thành những người có ích cho xã hội trong tương lai”, cô Nguyễn Hồng Thắm - Trường THCS Giá Rai A bộc bạch.