Lan tỏa “Điều ước cho em”: Mong ước đầu xuân

GD&TĐ - Với sự chung tay góp sức và phát huy nguồn lực xã hội, chương trình “Điều ước cho em” chắc chắn sẽ góp phần thay đổi diện mạo giáo dục vùng khó và mang lại những giá trị tích cực đối với HS vùng dân tộc thiểu số.

Chương trình “Điều ước cho em” được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thế Đại
Chương trình “Điều ước cho em” được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thế Đại

Nói lên điều ước của mình, các đại sứ mong muốn đường đến trường của các em sẽ thuận tiện, vui hơn.

Tự hào làm nhịp cầu nối 

Cô Mã Trà Quyên – Đại sứ Điều ước cho em tỉnh Bình Phước, dân tộc Nùng, giáo viên Trường Tiểu học - THCS Trần Phú (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) cho biết: Qua truyền thông, tôi được biết chương trình đã hiện thực điều ước cho học sinh một số tỉnh trong thời gian ngắn. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT và toàn xã hội với sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục vùng khó, dân tộc thiểu số nói riêng.

Theo cô Mã Trà Quyên, Trường Tiểu học – THCS Trần Phú có nhiều học sinh dân tộc S’tiêng; trình độ và nhận thức của một số phụ huynh còn hạn chế, chưa thật sự chú trọng đến việc học của con em mình nên tỉ lệ học sinh bỏ học còn cao, ảnh hưởng đến việc phổ cập giáo dục tại địa phương.

“Điều ước của tôi là học sinh dân tộc thiểu số được cấp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép… Ước cho 65 em học sinh lớp 1 của điểm Bình Trung, Trường Tiểu học - THCS Trần Phú đang học cả ngày theo chương trình mới được có bữa ăn trưa tại trường từ tháng 2 - 5. Đây là thời điểm địa phương thu hoạch hạt điều, phụ huynh thường ở luôn trong rẫy hoặc đi làm thuê tại địa phương khác. Họ thường mang con theo để tiện chăm sóc hoặc phụ cha mẹ lượm hạt điều. Chính vì thế, thời gian này trẻ nghỉ và bỏ học nhiều, rất cần được ở lại trường buổi trưa để có thể tham gia lớp học đầy đủ”, cô Mã Trà Quyên trải lòng.

Thầy Phạm Văn Nam – dân tộc Mường, GV, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hạ Trung (Bá Thước, Thanh Hóa) chia sẻ về điều ước của mình là có trang thiết bị dạy học đáp ứng các yêu cầu của chương trình mới; đủ bàn ghế, sách giáo khoa cho học sinh;  khu nhà hiệu bộ và khu nhà ở cho giáo viên nội trú.

“Trong công tác, tôi vẫn luôn tâm niệm, lúc nào cũng phải cố gắng để hoàn thiện bản thân và là tấm gương cho học trò nghèo vùng cao... Điều quan trọng là bản thân luôn lạc quan và yên tâm công tác, yêu nghề giáo dù còn trăm bề khó khăn trong cuộc sống. Thấy điều ước của giáo viên cho học trò nhiều tỉnh, thành trên cả nước trở thành hiện thực, cá nhân tôi rất vui. Điều tôi mong nhất chính là những điều ước của mình sớm được chương trình “Điều ước cho em” mang đến với học sinh của tôi và học sinh những vùng khác trong cả nước... Mọi điều ước của thầy cô cho học trò của mình đều đáng trân trọng bởi nó luôn xuất phát từ tâm huyết và trách nhiệm với nghề”, thầy Phạm Văn Nam tâm sự.

Chung tay cho điều ước vươn xa

Theo thầy Phạm Văn Nam, thông qua chương trình, các tổ chức xã hội biết được nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn của thầy trò vùng cao,  đặc biệt khó khăn, để từ đó cùng chung tay giúp đỡ, sẻ chia. Giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội để tiến lên, sớm bắt kịp các khu vực thuận lợi và rút ngắn khoảng cách với cả nước...

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. 

Còn cô Mã Trà Quyên chia sẻ: Tôi mong chương trình “ Điều ước cho em” đến với tất cả trường học còn nhiều khó khăn để học sinh có môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất. Giáo viên chúng tôi có thể an tâm công tác, vững bước trên con đường đã chọn.

Từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thầy Đào Văn Mượt (dân tộc Chơ Ro) – Giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Kim Long (huyện Châu Đức) tâm sự: Khi được chọn làm đại sứ “3 điều ước” để kết nối những mong ước của học trò dân tộc thiểu số tại địa phương với các cấp lãnh đạo và cộng đồng xã hội, tôi thực sự vinh dự, tự hào. Bên cạnh đó, cũng cảm nhận được sức nặng của trọng trách được giao.

Không mơ ước thêm về điều kiện cơ sở vật chất như thầy cô nhiều nơi khác, thầy Mượt lại gửi gắm nỗi niềm riêng là dạy tiếng dân tộc cho đồng bào để gìn giữ và bảo tồn văn hóa. Bản thân thầy Mượt, nhiều năm qua đã chủ động phối hợp với các cấp, ban ngành tại địa phương bảo tồn văn hoá nói chung và văn hoá dân tộc Chơ Ro nói riêng. “Học và yêu tiếng mẹ đẻ là cách tôi cùng học trò của mình bảo tồn và phát huy sự đa dạng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi mong toàn xã hội chung tay để mọi điều ước cho học trò đều trở thành hiện thực”, thầy Mượt nói.

Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan triển khai. 
Mới đây, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thu thập thông tin về những khó khăn, nhu cầu cần được hỗ trợ từ nhà trường, nhất là trường học ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, lũ lụt...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.