Thầy trò vùng khó hạnh phúc, xúc động đón nhận “Điều ước cho em”

GD&TĐ - Những ngày đầu năm 2021, Chương trình “Điều ước cho em” đã đến với học sinh tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Chương trình đã giúp thầy trò vùng khó thêm động lực vượt qua khó khăn, bám trường, bám lớp…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng xe đạp cho HS Trường TH 2, phường 2, Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: Thế Đại.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng xe đạp cho HS Trường TH 2, phường 2, Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: Thế Đại.

Ước mơ đã trở thành hiện thực

Những Đại sứ Chương trình Điều ước cho em không giấu được niềm xúc động khi ước mơ của họ đã thành hiện thực. Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) - Đại sứ Chương trình Điều ước cho em  tại địa phương cho biết:

“Hơn 16 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, tôi luôn mơ ước làm sao để trò nghèo được yên tâm đến lớp. Chúng tôi vô cùng biết ơn, cảm động khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao cho các thầy cô giáo tham dự chương trình một vinh dự, trách nhiệm lớn lao là trở thành 63 đại sứ đầu tiên của phong trào “5 điều ước”. Đến nay, Chương trình đã vượt đường xa, vượt bao cách trở để về với học sinh Trà Vinh”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các em HS Trường TH Đa Lộc A, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Ảnh: Thế Đại.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các em HS Trường TH Đa Lộc A, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Ảnh: Thế Đại.

Có mặt tại Chương trình, thầy Thạch Sa Quên, đại sứ Điều ước cho em tỉnh Trà Vinh cho hay rất vui mừng và xúc động khi Chương trình đã về đến nơi khó khăn nhất của tỉnh.

“Những phần quà ngày hôm nay là nguồn động viên lớn lao. Đây còn là món quà tinh thần góp phần động viên thầy cô giáo và học sinh cố gắng hơn, nỗ lực hơn, đồng thời nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc. Là Đại sứ chương trình, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị, cá nhân đồng hành. Rất mong chương trình Điều ước cho em sẽ đến với thật nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên khắp cả nước”, thầy Sa Quên chia sẻ.   

Đồng hành và có mặt cùng học sinh Sóc Trăng, cô giáo Thạch Thị Bút Pha, giáo viên Trường Tiểu học Tuân Tức, huyện Thạnh Trị - Đại sứ Chương trình Điều ước cho em tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết cô rất hạnh phúc.

Chia sẻ tại Chương trình Điều ước cho em tại Sóc Trăng, cô Bút Pha bày tỏ: "Xin cảm ơn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chương trình Điều ước cho em đã đến với học sinh nghèo tỉnh Sóc Trăng. Với vai trò là Đại sứ của Chương trình, chúng tôi luôn mong muốn các em học sinh được đầy đủ điều kiện học tập. Chương trình Điều ước cho em đã rất kịp thời chia sẻ với giáo dục vùng khó, nay đã về đến tỉnh Sóc Trăng. Tôi tin rằng, những điều tốt đẹp sẽ lan toả mạnh mẽ và nhận được đồng thuận lớn của toàn xã hội và tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo...".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao học bổng cho HS. Ảnh: Thế Đại.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao học bổng cho HS. Ảnh: Thế Đại.

Món quà ý nghĩa đối với thầy trò vùng khó

Biết được chương trình “Điều ước cho em” đến với học sinh Trà Vinh, lãnh đạo địa phương, thầy cô giáo và các em học sinh rất vui mừng.

Chương trình được tổ chức tại Trường Tiểu học Đa Lộc A, huyện Châu Thành. Đây là điểm trường đặc biệt khó khăn, nằm trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Những phần quà dành cho nhà trường, giáo viên, học sinh trở thành nguồn động viên lớn lao.

“Trường học nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nên thầy cô luôn có ước mơ học sinh đến trường học tập trong điều kiện tốt hơn. Cùng với đó, các thầy cô giáo cũng có điều kiện tốt hơn để dạy học. Chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng Chương trình Điều ước cho em đến với thầy trò nhà trường. Chúng tôi tin rằng, Chương trình này sẽ tạo ra mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay phát triển sự nghiệp GD&ĐT” cô Trương Thị Mỹ Xuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc A chia sẻ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng tivi Trường TH C, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh: Thế Đại.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng tivi Trường TH C, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh: Thế Đại.

Trường Tiểu học 2, phường 2, Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng là trường đặc biệt khó khăn. Trường nằm trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn. Riêng nhà trường hiện nay phải học nhờ trên đất chùa nên điều kiện dạy, học còn nhiều thiếu thốn.

Đưa con đến trường từ sáng sớm, chị Sơn Thị Pha, vui mừng cho biết: “Nghe nhà trường thông báo có Chương trình Điều ước cho em đến tặng quà, phụ huynh chúng tôi rất vui. Năm vừa rồi bị hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh nên đời sống người dân hết sức khó khăn. Mỗi phần quà, học bổng từ chương trình giúp ích rất nhiều học sinh, giúp các em yên tâm đi học và vượt qua khó khăn”.

Còn em Lâm Thị Trang, học sinh lớp 5 vô cùng vui mừng khi nhận được chiếc xe đạp do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao tặng. Em Trang cho biết, gia đình em đi trồng củ hành thuê, nguồn thu nhập không ổn định. Hai chị em cùng đi học nhưng chỉ có 1 chiếc xe đạp. “Nay được Bộ trưởng tặng xe đạp, em vui lắm. Từ nay hai chị em đã có xe đi học rồi”, em Trang chia sẻ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng hát với các em HS Trường TH C, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh: Thế Đại.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng hát với các em HS Trường TH C, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh: Thế Đại.

“Điều ước cho em” cũng đã đến với học sinh tỉnh Bạc Liêu. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học C, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long.

“Những phần quà, học bổng Chương trình Điều ước cho em dành tặng nhà trường là rất kịp thời, ý nghĩa, đặc biệt là vào thời điểm thầy, trò đang tập trung triển khai Chương trình GDPT mới. Đây  là nguồn động viên tinh thần cho tập thể, cán bộ, giáo viên nhà trường vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trồng người…”, ông Nguyễn Chí Thiện, Bí Thư huyện ủy Phước Long cho biết.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai, thực hiện Chương trình “Điều ước cho em”. Tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, chương trình tặng máy lọc nước; tivi; xe đạp; học bổng cho học sinh nghèo; sữa; bánh kẹo cho học sinh... Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng quà cho thầy cô giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.