'Làn sóng' trả mặt bằng kinh doanh ở Thủ đô

GD&TĐ - Những tháng cuối năm Quý Mão, 'làn sóng' trả mặt bằng diễn ra mạnh mẽ ở những thành phố lớn và Thủ đô Hà Nội cũng không ngoại lệ.

Mặt bằng 'ế ẩm', vắng bóng khách thuê.
Mặt bằng 'ế ẩm', vắng bóng khách thuê.

Mùa mua sắm lớn nhất trong năm đang giữa thời điểm nhộn nhịp, bung sắc, thế nhưng phân khúc bất động sản cho thuê trên địa bàn TP Hà Nội lại rơi vào trạng thái chật vật. Không ít các nhà đầu tư, người đi thuê trả lại mặt bằng do làm ăn thua lỗ.

Vắng bóng người thuê

Những tháng cuối năm Quý Mão, “làn sóng” trả mặt bằng diễn ra mạnh mẽ ở những thành phố lớn và Thủ đô Hà Nội cũng không ngoại lệ. Những con phố từng sầm uất, tấp nập giờ đầy rẫy những biển hiệu cửa hàng cho thuê, rao bán.

Là khu vực có giá thuê mặt bằng đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, thế nhưng nhiều cửa hàng trên các tuyến phố cổ như Cầu Gỗ, Hàng Bông, Hàng Điếu… cũng đang vắng bóng người thuê.

Ghi nhận tại tuyến đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy - khu vực tập trung nhiều sinh viên, dân văn phòng, vốn được coi là “mỏ vàng” với tình trạng kinh doanh được đánh giá là khá ổn định, nay xuất hiện hàng loạt các mặt bằng bỏ trống nhiều tháng trời.

Dù vẫn treo biển cho thuê nhưng tuyệt nhiên không thấy ai lui tới hỏi han. Hàng loạt cửa hàng với giá thuê từ 15 đến 50 triệu đồng/tháng tại đường Trần Duy Hưng giờ đóng cửa im ỉm.

“Làn sóng” trả mặt bằng cho thuê đã diễn ra âm ỉ từ lâu, đặc biệt trong một năm qua, kinh tế thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, các ngành nghề dịch vụ, du lịch sụt giảm… người dân thắt chặt chi tiêu, mua sắm đã khiến cho nhiều người kinh doanh phải đóng cửa hiệu.

Bà Nguyễn Thị Phương (58 tuổi, Hà Nội) chủ mặt bằng gần 100 mét vuông sàn cho thuê trên phố Ngô Tất Tố, quận Đống Đa buồn rầu cho hay, trước đây khách thuê nhà của bà là một đôi vợ chồng trẻ làm nghề cắt tóc.

Khách thuê đã ký hợp đồng 1 năm, sửa sang mặt bằng thành salon và thời hạn thuê còn gần 5 tháng nữa. Thế nhưng, đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, việc kinh doanh ế ẩm, không đủ khả năng chi trả lương nhân viên và tiền nhà, chấp nhận mất số tiền cọc 15 triệu đồng, người chủ salon buộc phải bỏ cửa hàng để tìm hướng đi mới.

Hiện, khách thuê đã dọn đi được gần 2 tháng. Mặc dù đã treo biển và kết hợp với các công ty môi giới bất động sản, song mặt bằng của bà Phương vẫn ở trong tình trạng “vườn không nhà trống”.

Được hỏi về việc có giảm giá mặt bằng trước tình hình khó khăn hiện nay hay không, bà Phương ngập ngừng: “Dù để trống gần 2 tháng nay nhưng tôi vẫn không hạ giá cho thuê. Đây là khu vực đông đúc du khách trong và ngoài nước qua lại, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thực tế là nhà tôi đã để giá tốt nhất rồi. Hơn nữa trong bối cảnh hiện tại, vật giá leo thang, sinh hoạt phí của cả hai vợ chồng tôi ngoài lương hưu thì đều trông chờ vào tiền cho thuê nhà. Vậy nên nếu giảm thì chúng tôi cũng chỉ giảm được một chút, gọi là hỗ trợ, lấy lộc cho khách thuê chứ không thể giảm sâu được”.

Kinh doanh online “lên ngôi”

Ngoài vấn đề suy thoái kinh tế, lý do khác tác động đến tình trạng “ế ẩm” mặt bằng cho thuê là xu hướng tiêu dùng của người dân đã thay đổi sau khoảng thời gian dài “sống chung” với đại dịch.

Thương mại điện tử bùng nổ trở thành kênh mua sắm thuận tiện và nhanh chóng cho người dùng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, thì lợi nhuận từ việc kinh doanh online vẫn đạt được con số tăng trưởng ngoài mong đợi, lên đến 30% mỗi năm trong giai đoạn từ 2016 - 2020.

Chị Ngô Hải My từng là chủ sở hữu một cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Tuy nhiên thời điểm dịch bệnh bùng phát, cùng với chỉ thị giãn cách toàn thành phố, chị My buộc phải đóng cửa hàng.

Để tối ưu chi phí cũng như duy trì việc làm ăn trong giai đoạn khó khăn, 2 năm nay chị My chuyển đổi hình thức sang kinh doanh online trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

“Giờ thay vì bỏ ra 12 triệu đồng/tháng để thuê mặt bằng kinh doanh, tôi tận dụng chính phòng ngủ tại nhà để làm kho chứa đồ. Suy từ thói quen mua sắm của bản thân, cùng với tỷ lệ đơn trên sàn Shopee, Lazada và mạng xã hội của cửa hàng tôi cho thấy khách hàng hiện nay ưu tiên mua sắm online hơn phải ra tận cửa hàng.

Hiện kinh tế khó khăn, sức mua giảm, tôi cũng không đủ khả năng chi trả số tiền mặt bằng cao. Thay vào đó tôi sử dụng tiền cho việc quảng cáo, thuê người tiếp thị sản phẩm… như thế lại đạt hiệu quả hơn”, chị My cho biết. Hiện tại, chị My khá hài lòng với hình thức kinh doanh online và chưa có dự định thuê lại mặt bằng.

Trước đây, kinh doanh ở những vị trí mặt tiền rất thuận lợi, nhưng hiện tại tình trạng giao thông ngày càng đông đúc, người dân đi mua sắm phải dừng lại ở những con đường tấp nập thì những vị trí này không còn là điểm mạnh. Ngoài ra, các vấn đề về quản lý đô thị, tăng cường xử phạt vi phạm lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, siết chặt kiểm tra nồng độ cồn khi lái xe... cũng là những nhân tố khiến cho các mặt bằng nơi phố lớn không còn là vị trí đắc địa để cho thuê cao giá như trước đây.

Đánh giá về thị trường mặt bằng cho thuê hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định thời gian vừa qua thị trường cho thuê gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các mặt bằng bán lẻ, ngành nghề kinh doanh dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề, nguồn thu ít, chi phí lại cao.

Thế nên nhiều chủ hộ kinh doanh có xu hướng trả mặt bằng, cầm chừng hoặc rút chân nhanh để khỏi thua lỗ. Ở một khía cạnh khác, kinh tế online, kinh tế số phát triển, nhiều việc làm tạo ra trong lĩnh vực không cần phải dùng mặt bằng ngày càng nhiều hơn

Các chuyên gia cho rằng, mỗi thời kỳ kinh tế một khác, đối mặt với tình hình hiện nay, chủ và khách thuê cần phải linh động hơn để hỗ trợ lẫn nhau. Thay vì để mặt bằng trống trong nhiều tháng, chủ thuê nên định hướng lại nhu cầu, giảm chi phí cho thuê và cân nhắc lợi ích đôi bên. Đợi giai đoạn kinh tế phục hồi, phân khúc này sẽ tiếp tục mang lại nguồn thu nhập cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ