TP.HCM: Lo lắng bị trả lại mặt bằng, chủ nhà đồng loạt giảm giá cho thuê

TP.HCM: Lo lắng bị trả lại mặt bằng, chủ nhà đồng loạt giảm giá cho thuê

"Dân buôn" đồng loạt trả mặt bằng

Nhiều tuyến đường lớn, vốn là trung tâm vui chơi, mua sắm, ăn uống của TP.HCM nay đìu hiu, vắng vẻ, hàng quán đóng cửa, treo thông báo cho thuê mặt bằng.

Cụ thể, trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TP.HCM), vốn là con đường nổi tiếng về thời trang của TP.HCM, thế nhưng, lượng người đến đây nay thưa thớt, biển thông báo cho thuê mặt bằng được treo dày đặc.

Chị Thanh Huyền (chủ shop thời trang trên đường Lê Văn Sỹ) cho biết,việc kinh doanh của shop từ sau Tết Nguyên đán giảm mạnh, song vẫn có thể "cầm cự". Tuy nhiên, cách đây khoảng một tuần thì việc kinh doanh dường như "tê liệt", do xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 mới.

Trước tình hình này, chị Huyền cho biết sẽ trả lại mặt bằng, đẩy mạnh việc bán hàng qua các kênh facebook, zalo, lazada...

"Tiền thuê mặt bằng của shop một tháng hết 30 triệu đồng, thế nhưng cả tháng nay, khách thưa thớt, doanh thu chưa đến 25 triệu đồng thì tiền đâu trả lương cho nhân viên, tiền đâu trả cho chủ nhà.

Biết là tình trạng chung nên cũng không thể trách cứ ai, vì vậy tôi quyết định trả lại mặt bằng, cho nhân viên nghỉ và tự mình bán online qua các trang mạng xã hội", chị Huyền cho hay.

Tương tự, trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM), nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, lượng khách giảm khoảng 50%. Thậm chí, những ngày trong tuần "không một bóng khách", cuối tuần có thể "vớt vát" song không đáng kể.

"Ra Tết, với số vốn có được và vay mượn gia đình, tôi mở một quán ăn trên đường Phan Xích Long với tổng đầu tư 160 triệu đồng, thế nhưng nửa tháng, doanh thu chỉ được 4 triệu do không có khách. Nghĩ tới việc một tháng bỏ ra 35 triệu đồng tiền mặt bằng mà khách cứ hiu hắt thế này, tôi bắt đầu nản dần.

Đỉnh điểm khi dịch bùng phát nặng hơn, một tuần quán chỉ có 4 lượt khách, tôi phải quyết định trả lại mặt bằng. Lần đầu kinh doanh mà trúng ngay đại dịch, chắc tôi không có duyên với kinh doanh", anh Long (chủ quán ăn trên đường Phan Xích Long) thở dài.

TP.HCM: Lo lắng bị trả lại mặt bằng, chủ nhà đồng loạt giảm giá cho thuê - 2

Trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống cho biết, từ khi dịch cúm bùng phát đến nay, lượng khách giảm khoảng 50%.

Theo thống kê sơ bộ tại TP.HCM, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40 - 50% so với trước. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20 - 30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, shopping mall giảm tới 40%.

Giảm giá thuê nhà

Được biết, tại TP.HCM, giá cho thuê mặt bằng nhà phố thương mại thường bằng 2-4% giá trị của bất động sản đó. Trong khi đó, giai đoạn từ cuối 2016 đến nay, giá nhà phố tăng trung bình hơn 2 lần, đồng nghĩa với việc giá cho thuê mặt bằng cao gần gấp đôi.

Theo khảo sát, khách thuê của các mặt bằng nhà phố thường là cửa hàng bán lẻ hoặc dịch vụ F&B (Food and Beverage Service - loại hình dịch vụ phục vụ ẩm thực cho thực khách tại nhà hàng, khách sạn...), do đó tùy từng loại hình kinh doanh, chi phí mặt bằng chiếm 15-40% doanh thu bán hàng.

Hiện tại, sau thời gian chứng kiến người thuê nhà chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, phần khác sợ bị trả lại mặt bằng, nhiều chủ nhà đã quyết định hỗ trợ bằng cách giảm chi phí thuê.

TP.HCM: Lo lắng bị trả lại mặt bằng, chủ nhà đồng loạt giảm giá cho thuê - 3

Đại diện chuỗi thương hiệu The Coffee House cho biết đã thương thảo thành công với các chủ mặt bằng về việc giảm giá.

Ông L., một chủ bất động sản có diện tích 250m2 (3 tầng) trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) cho biết, giá cho thuê nhà của ông là 165 triệu đồng/tháng. Song, chứng kiến cách buôn bán ảm đạm của nhà hàng, ông quyết định giảm 35% tiền thuê nhà cho đến hết mùa dịch.

"Tình hình chung, giảm giá xem như vừa cứu người, vừa cứu mình. Chứ thật sự mà nói, giờ nếu bị trả lại mặt bằng, thì thời điểm này cũng chẳng có ai thuê. Có thể họ trả lại trước thời hạn hợp đồng sẽ mất tiền cọc, nhưng cũng chẳng đáng bao nhiêu. Lúc khó khăn thế này, xem như cùng hỗ trợ nhau", ông L. nói.

Theo nhiều chủ nhà, hiện việc kinh doanh online lên ngôi, do đó, các mặt bằng ở mặt tiền không còn "hút" như trước đây. Hiện chỉ cần một mặt bằng ở hẻm nhỏ, nhiều quán ăn, shop thời trang vẫn có thể đạt doanh thu bằng các cửa hàng ở mặt tiền.

Đại diện cửa hàng bán lẻ Vua Nệm cho biết, đến nay hơn 50 cửa hàng trên 18 tỉnh, thành cả nước đã được sự hỗ trợ giảm giá mặt bằng từ chủ nhà. Giá cho thuê giảm từ 10 - 25%, tuỳ vị trí.

Tương tự, đại diện của chuỗi thương hiệu The Coffee House cũng cho biết, đơn vị đã thương thảo thành công với các chủ mặt bằng về việc giảm giá. Mức giảm giá được áp dụng từ 10- 50%, tuỳ vị trí, mức giảm cao thì thời hạn giảm ít hơn.

Theo Vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.