Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô:

Lan toả nét đẹp Thủ đô trong 'Gánh Hà Nội'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn lan tỏa nét đẹp của Hà Nội xưa thông qua liveshow - triển lãm “Gánh Hà Nội”.

Trường Sư phạm Thực hành (nay là Trường THPT Phan Đình Phùng) thập niên 20 thế kỉ trước.
Trường Sư phạm Thực hành (nay là Trường THPT Phan Đình Phùng) thập niên 20 thế kỉ trước.

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), nhóm sinh viên ngành Quan hệ công chúng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn lan tỏa nét đẹp của Hà Nội xưa thông qua liveshow - triển lãm “Gánh Hà Nội”. Mỗi bức tranh, ảnh và video đã được nhóm bạn trẻ lựa chọn để kể câu chuyện về một Hà Nội đầy hào hùng và cũng thật thơ mộng.

Cảm hứng từ đôi quang gánh

Với mong muốn lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống cùng những nét đẹp xưa cũ từ bao đời nay vẫn còn vương vấn của Thủ đô đến với các bạn trẻ gen Z theo hướng gần gũi và dễ tiếp cận hơn, triển lãm “Gánh Hà Nội” tái hiện những nét đẹp thuần túy, chân thực nhất để tôn vinh vẻ đẹp Hà Nội.

Có thể nói đây là một trong những triển lãm khá hiếm hoi của giới sinh viên về một Hà Nội xưa, gắn với hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10). Bởi vậy, “Đong đầy một gánh” – dự án của nhóm sinh viên đến từ khoa Marketing, thuộc chuyên ngành Quan hệ công chúng (PR), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không chỉ sáng tạo trong ý tưởng mà còn thể hiện trách nhiệm của người trẻ đối với sứ mệnh lan toả lịch sử.

Đại diện dự án chia sẻ về “Đong đầy một gánh” cũng như tên triển lãm “Gánh Hà Nội” rằng, nhà văn người Mỹ là Edith Shillue từng viết: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất phương Đông, cái đòn gánh. Bà nhẹ nhàng nhún nhảy bên phải bên trái đi ra khỏi ngõ”.

Một nhà văn người Mỹ như Edith đã nhận ra được cái tình của đôi quang gánh và biến nó trở thành vật “lãng mạn nhất phương Đông”. Nhưng với người Việt, hình ảnh đó còn chan chứa hiện thực đất nước, là nỗi niềm từ bao đời ông cha. Chẳng ai biết quang gánh xuất hiện tự bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu về trước, hình bóng các bà, các mẹ với đôi quang gánh trên vai đã trở thành mảnh ghép tuổi thơ của nhiều người.

Bộ binh Pháp trên cầu Doumer (cầu Long Biên) rút về Hải Phòng theo điều khoản của Hiệp định Genève.

Bộ binh Pháp trên cầu Doumer (cầu Long Biên) rút về Hải Phòng theo điều khoản của Hiệp định Genève.

Người ta đã từng ví von đất nước Việt Nam giống như một chiếc đòn gánh khổng lồ. Chiếc đòn gánh là miền Trung, gánh hai thúng lúa khổng lồ là hai Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Những nét độc đáo riêng biệt của từng vùng miền là điều tạo nên nét hài hòa trọn vẹn cho bức tranh mang tên Việt Nam.

Đòn gánh xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trong thi ca hoài cổ đến ngõ ngách cổ kính, và cả giữa đường phố sầm uất Thủ đô. Đòn gánh đã đồng hành, là minh chứng cho biết bao dấu mốc vàng son trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước. Từ lý do đó, những người trẻ đã chọn hình ảnh đòn gánh với mong muốn “chắt chiu, gom nhặt những mảnh ký ức xưa, những giá trị cổ kính và nét đẹp tinh túy được nâng niu trong những đòn gánh bình dị”.

Và cũng từ đó, dự án “Đong đầy một gánh” ra đời để truyền tải đi thông điệp tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội qua các bài viết, hình ảnh. “Gánh Hà Nội” là tên sự kiện theo hình thức liveshow kết hợp triển lãm trưng bày những bức ảnh về nếp sống, con người Hà Nội - từ góc máy của nhiều nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế, trình chiếu những thước phim sống động ghi lại những thăng trầm trong quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội.

Một gia đình đi ngang qua khu vực nhà tù Hoả Lò trên đường đi xem diễu binh sau ngày Chính phủ Việt Minh về tiếp quản năm 1954.

Một gia đình đi ngang qua khu vực nhà tù Hoả Lò trên đường đi xem diễu binh sau ngày Chính phủ Việt Minh về tiếp quản năm 1954.

Bức thư của liệt sĩ Phan Huy Chương viết ngày 27/7/1964.

Bức thư của liệt sĩ Phan Huy Chương viết ngày 27/7/1964.

Kể chuyện xưa cho người trẻ nay

Đại diện dự án “Đong đầy một gánh” cho biết, triển lãm “Gánh Hà Nội” trưng bày 3 chủ đề chính, gồm 6 bức tranh của hoạ sĩ Quý Đào, khoảng 40 bức ảnh có thuyết minh tiếng Việt và tiếng Anh chia làm 2 giai đoạn trước năm 1986 và sau năm 1986 cùng 20 bức ảnh từ năm 2000. Bên cạnh đó là video trình chiếu về trích đoạn phim tài liệu…

Trong đó, có bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy được sản xuất bởi Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Tác phẩm thực hiện năm 1982, công chiếu lần đầu vào 1983 nhưng bị cấm chiếu cho tới năm 1987 mới được tái phát hành rộng rãi. Phim sử dụng những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn liền với Hà Nội để liên hệ suy nghĩ của dân chúng về tình hình xã hội trước thềm đổi mới.

Là một bộ phim tài liệu nổi tiếng, tuy nhiên nhiều bạn trẻ thế hệ gen Z vẫn chưa biết tới. Bởi vậy, triển lãm mong muốn truyền tải các góc độ lịch sử thông qua bộ phim tài liệu nhằm khơi gợi niềm yêu thích hứng thú tìm hiểu lịch sử của giới trẻ ngày nay. Các nội dung về lịch sử cũng được nhóm dự án kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính đúng đắn của các dữ liệu.

Dự án “Đong đầy một gánh” lan toả niềm hứng thú tìm hiểu lịch sử dân tộc cũng như vẻ đẹp bình dị của Hà Nội.

Dự án “Đong đầy một gánh” lan toả niềm hứng thú tìm hiểu lịch sử dân tộc cũng như vẻ đẹp bình dị của Hà Nội.

Đặc biệt, những bức ảnh mà dự án chọn lọc còn đem đến cho người xem những cảm nhận thật rõ nét về vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử. Ngoài văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, Hà Nội còn hội tụ nhiều nền văn hóa du nhập từ khắp nơi trên thế giới. Tuy giao thoa, tiếp biến nhưng không hề mất đi nét đẹp riêng biệt, để từ đó tạo nên nét độc đáo trong kiến trúc, lối sống, ngôn ngữ và trong cả lối ăn mặc, lễ nghi, ứng xử…

Qua những bức ảnh cũ - mới, người xem còn có thể hình dung, hoặc có những đối sánh về Hà Nội xưa và nay. Ở đó, mỗi thời đều có những vẻ đẹp theo một cách rất riêng nhưng luôn mang dáng dấp và hồn cốt chung của mảnh đất nghìn năm văn hiến, nét trầm mặc, sâu lắng len lỏi vào từng ngõ ngách, phố phường.

Những người trẻ của dự án “Đong đầy một gánh” cho rằng, những bức ảnh không chỉ đơn thuần là trải nghiệm phố phường, mà còn là những trải nghiệm văn hóa và tinh hoa đầy màu sắc. Họ cũng hi vọng, dù hiện tại hay mai sau, mỗi người hãy cùng góp sức giữ gìn và lan tỏa, bồi đắp thêm tình yêu đối với mảnh đất văn hiến này.

Các thành viên nhóm dự án “Đong đầy một gánh” bàn thảo lựa chọn nội dung cho triển lãm “Gánh Hà Nội”.

Các thành viên nhóm dự án “Đong đầy một gánh” bàn thảo lựa chọn nội dung cho triển lãm “Gánh Hà Nội”.

Tái hiện Hà Nội trong quá khứ

Hà Nội thời chiến - qua những tư liệu mà “Gánh Hà Nội” chọn lựa, có sự oai hùng, ác liệt nhưng cũng không kém thơ mộng. Tình yêu thời nào cũng cháy bỏng, nhiệt thành, nhưng ở thời chiến, hòa vào mưa bom bão đạn, tình yêu lại càng nồng nàn, tỏa sáng. Có lẽ vì thế mà hình tượng ngọn lửa vẫn cứ mãi hừng hực trong thơ Xuân Quỳnh: “Tình yêu như tháng năm/ Mang gió nồng nắng lửa/ Anh hãy là đầm sen/ Anh hãy là phượng nở”.

Bên cạnh tình yêu, có cả trích đoạn ngắn trong bức thư của liệt sĩ Phan Huy Chương viết ngày 27/7/1964. Một bức thư mộc mạc nhưng đong đầy chữ “tình” - là tình cảm gia đình, là tình đồng chí bền chặt gắn kết và hơn hết là tình cảm của núi sông, của Tổ quốc, của cả một chiều dài lịch sử hào hùng. Có người ví von, những trang thư tay mà người lính để lại như “những con chữ không im lặng”, bởi đó là cách chân thực nhất mà lịch sử được kể lại vẹn nguyên và đầy tự hào.

Ở một bức ảnh khác, Hà Nội xưa vẫn còn được lưu giữ lại qua lễ truy tặng sắc phong cho một vị quan tại một ngôi đình ở xã Nhân Mục thập niên 20 thế kỉ trước. Còn được biết tới trong lịch sử là Kẻ Mọc, địa danh Nhân Mục nay thuộc địa phận các phường Thượng Đình và Nhân Chính của quận Thanh Xuân và phường Trung Văn của quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Thậm chí, người nay còn thấy nội thất Bảo tàng Maurice Long đặt trong toà nhà Đấu xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô), tại Hà Nội năm 1915. Đây là nơi trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ của người bản xứ, cho đến khi bị quân đội Đế quốc Nhật trưng dụng làm kho vũ khí trong Thế chiến II và bị bom Mỹ phá huỷ.

Bên cạnh đó, một số hình ảnh nội thất Trường Sư phạm Thực hành trên phố Đỗ Hữu Vị (nay là Trường THPT Phan Đình Phùng trên phố Cửa Bắc) thập niên 20 thế kỉ trước. Đây là trường chỉ dành cho nam sinh - Trường nữ Sư phạm Thực hành nằm trên phố Đồng Khánh, đến thập niên 30 thì đổi thành Trường nữ trung học Bản xứ và hiện là THCS Trưng Vương.

Triển lãm “Gánh Hà Nội” cũng hoà vào không khí của những Ngày Giải phóng Thủ đô khi lựa chọn hình ảnh một gia đình dắt nhau ngang qua khu vực nhà tù Hoả Lò trên đường đi xem diễu binh, sau ngày Chính phủ Việt Minh về tiếp quản năm 1954. Cả bố và mẹ trong gia đình này đều là cán bộ Việt Minh nên những người con cũng đều được mặc trang phục quân đội.

Trong bối cảnh Thủ đô sạch bóng ngoại xâm, phơi phới cờ hoa và những nụ cười – những bức ảnh mà triển lãm “Gánh Hà Nội” chọn không chỉ để lan toả thông điệp lịch sử “không có gì quý hơn độc lập tự do”, mà còn để người nay thấy được những gian lao và biết trân trọng những giá trị quý báu của tiền nhân trong việc gìn giữ - xây dựng một Hà Nội thanh lịch và đậm đặc nét văn hóa truyền thống.

“Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay vẫn luôn giữ vai trò là đầu mối kinh tế, trung tâm giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Để Hà Nội giữ vững vai trò ấy, vừa tiếp tục phát triển rực rỡ, giao thoa với quốc tế, vừa bảo tồn gìn giữ được nét đẹp lịch sử, vai trò của mỗi cá nhân đặc biệt là của giới trẻ càng phải rõ nét hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, liveshow - triển lãm “Gánh Hà Nội” tổ chức, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô sẽ là cơ hội tuyệt vời để công chúng có dịp ngắm nhìn tiến trình lịch sử hào hùng của Hà Nội”, bạn Nông Thu Thủy – Trưởng nhóm dự án “Đong đầy một gánh” chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ