Làn sóng phản đối của các nước trước hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

GD&TĐ - Hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại phiến quân người Kurd ở đông bắc Syria đã làm dấy lên làn sóng lên án từ nhiều nước trên thế giới. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả rập sẽ có các cuộc họp khẩn cấp sau sự kiện trên.  

Người dân mang theo đồ đạc bỏ đi trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đông bắc Syria.
Người dân mang theo đồ đạc bỏ đi trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đông bắc Syria.

Trong một bài đăng trên Twitter hôm nay (10/10), Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết binh sĩ tham gia Chiến dịch mùa xuân hòa bình đang tiến về phía đông sông Euphrates sau cuộc tấn công trên mặt đất.

Phó TT Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cũng lên Twitter nhấn mạnh quyết tâm của quân đội là tiếp tục chiến đấu với các chiến binh người Kurd ở Syria mà Ankara xem là khủng bố vì có liên kết với đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn đang tìm kiếm quyền tự trị ở địa phương.

“Hành động trong khuôn khổi các quyền theo luật quốc tế và ‘quyền tự phòng vệ’ quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thoát khỏi đầm lầy khủng bố đe dọa biên giới của chúng tôi và toàn thế giới” – ông Oktay nói.

“Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi là dư luận thế giới sẽ có cùng quyết tâm trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố” – ông nói thêm.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hoạt động trên ở đông bắc Syria hôm qua, chỉ vài ngày sau khi Mỹ rút quân và bỏ lại đồng minh người Kurd ở đó.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) cho rằng các đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria đã làm chết ít nhất 15 người, trong đó có 8 thường dân và làm bị thương hơn 40 người khác.

Một số quốc gia đã lên tiếng lo ngại về chiến dịch ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng thời kêu gọi dừng tấn công.

Hôm qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison lên tiếng lo ngại về khả năng hồi sinh của nhóm khủng bố Daesh Takfiri  (IS) sau hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Morrison cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và sự an toàn của người dân cũng như người Kurd.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker cũng thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ dừng hoạt động quân sự ở Syria.

“Tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các bên liên quan kiềm chế và dừng các hoạt động đang diễn ra” – ông nói khi thừa nhận những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới với Syria.

“Nếu kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan tới việc tạo ra cái gọi là khu vực an toàn, đừng mong chờ Liên minh châu Âu chi trả chút tiền nào” – ông cảnh báo.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ai Cập “lên án mạnh mẽ sự hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria” và cho rằng hoạt động này “thể hiện một  cuộc tấn công không thể chấp nhận được vào lãnh thổ của một nước Ả rập anh em”.

Hãng tin Akhbar el-Yom dẫn lời phát ngôn viên Bassam của TT Ai Cập nói rằng “sự gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện mối nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế và làm tăng khủng hoảng trong khu vực”.

Theo Thủ tướng Phần Lan Antti, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm phức tạp thêm tình hình nhân đạo ở Syria và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn mới. Vài tuần trước, Hà Lan đã phê chuẩn bán máy bay không người lái cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đã cho dừng tất cả việc xuất khẩu vũ khí cho Ankara sau sự kienj trên.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ có cuộc họp hôm nay để thảo luận về tình hình Syria theo yêu cầu của các thành viên là Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Ba Lan. Liên đoàn Ả rập cũng sẽ có cuộc họp khẩn vào thứ 7 theo lời kêu gọi của Ai Cập.

Theo Press TV/Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ