Ngay sau khi Ukraine phóng hàng chục tên lửa do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, lại xuất hiện thêm tín hiệu khác từ Nhà Trắng có thể khiến cuộc xung đột bị đẩy lên một cấp độ mới.
Diễn biến mới trong việc sử dụng vũ khí viện trợ của Ukraine bắt đầu từ ngày 3/6 khi quân đội nước này tuyên bố đã thực hiện cuộc tấn công xuyên biên giới sang Nga bằng hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp từ Kharkov.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi động thái bật đèn xanh của Mỹ cho việc này, nhưng cũng cho rằng điều đó là chưa đủ và muốn sử dụng loại vũ khí có tầm xa hơn nữa là hệ thống ATACMS.
Mục tiêu nhắm đến của hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp là hệ thống tên lửa và pháo hạng nặng của Nga ở phía bên kia biên giới Ukraine. Truyền thông Ukraine đã công bố loạt hình ảnh để chứng minh thành quả là hệ thống phòng không hiện đại S-300/S-400 tại vùng Belgorod của Nga bị trúng tên lửa và bốc cháy sau khi bị tấn công bằng hệ thống tên lửa HIMARS.
Trong khi Nga còn chưa có bình luận gì về diễn biến này thì người phát ngôn về an ninh quốc gia tại Nhà Trắng là John Kirby ngày 4/6 tuyên bố, Mỹ sẽ không thay đổi chính sách liên quan đến việc cấm Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS được viện trợ để tấn công xa hơn vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ này lại nói thêm rằng sẽ xem xét tình hình thực tế trên chiến trường để có thể nới lỏng hơn nữa những hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí.
Có nhiều lý do để Mỹ và các đồng minh khác phải thận trọng trong việc bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng các loại vũ khí hiện đại tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Giới chức Moscow từng nhiều lần cảnh báo Mỹ và NATO về những “hậu quả thảm khốc”, như nổ ra đối đầu hạt nhân nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Hôm 28/5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các thành viên NATO tại châu Âu đang “đùa với lửa” nếu để Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vì có thể gây ra xung đột toàn cầu. Còn Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 31/5 cảnh báo việc này có thể đẩy cuộc xung đột leo thang đến mức không kiểm soát được.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo gay gắt này, trong những tuần gần đây chủ đề cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga đã được các đồng minh phương Tây thảo luận nhiều.
Một số quốc gia châu Âu như Anh, Hà Lan, Thụy Điển, các nước vùng Baltic, Phần Lan, Đan Mạch, Pháp lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách vũ khí đối với Ukraine. Đức tuyên bố Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Berlin cung cấp để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga để tự vệ theo luật pháp quốc tế.
Đến cuối tuần trước, ý tưởng nới lỏng chính sách này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện thực hóa bằng cách bật đèn xanh để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công giới hạn tại một phần nhỏ của vùng Belgorod của Nga, giáp với vùng Kharkov của Ukraine.
Chắc chắn quân đội Nga sẽ có những đáp trả tương xứng như các vụ việc trước đây. Tuy nhiên, nếu Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa hơn để tấn công các mục tiêu sâu hơn trong lãnh thổ Nga như nước này mong muốn thì cuộc xung đột sẽ chuyển sang một giai đoạn cực kỳ khó lường.