Một mình vừa chống, vừa chèo để mưu sinh trên sông nước, để kiếm con tôm, con cá nuôi mẹ già…
Nửa đời chống chèo nơi sóng nước Tam Giang
Đó là chị Phạm Thị Thuận (51 tuổi), hiện trú tại khu tái định cư xã Phú An, huyện Phú Vang, (Thừa Thiên - Huế). Sinh ra đã không được lành lặn như những người khác, tuổi thơ của chị là một chuỗi những ngày buồn, luôn bị coi là người thừa, gánh nặng của gia đình. Thế nhưng, từ một câu nói của người hàng xóm đã khiến chị xoay chuyển cuộc đời mình, với cái nghề mà đàn ông con trai nhiều người cũng ngại…
Với đôi chân không lành lặn, chẳng ai có thể tin rằng gần 30 năm qua chị đã vật lộn với sóng nước Tam Giang để kiếm cá tôm nuôi mẹ già. Chị vận hết sức mình vào cánh tay khuyết tật mới chèo được chiếc thuyền ra khỏi bến cá.
Mưu sinh về đêm đối với một người bình thường khỏe mạnh đã khó khăn. Thế nhưng, đối với chị vẫn bình thường. Chị bảo rằng, gần 30 năm làm nghề này, chị đã có hai lần suýt bỏ mạng lại cho Hà Bá. Hai cú ngã xuống nước của chị đều giống nhau. Những lần đó đều do chị cố rướn người để vớt cá mà không giữ cân bằng cho chiếc ghe nên bị lật. Nhưng may mắn là cả hai lần đó đều có những người đi làm cùng chạy đến vớt lên.
Thấy người ta đi biển, đi làm có cặp có đôi, đằng này chị chỉ lủi thủi một mình nên nhiều lúc thấy cũng tủi phận. Mặt trời lên bằng con sào cũng là lúc chị tất tả dọn đồ đạc và “chiến lợi phẩm” ra về.
Cả đêm mệt nhọc, thành quả thu được khoảng 2 – 3kg cá. Chị cười: “Chừng ni cá đủ hai mẹ con tui ăn cả ngày rồi. Cái nghề ni lúc có thì được vài ba chục ngàn, có lúc không có con cá nào mà ăn vì gặp những đêm trăng sáng, trời mưa bão”.
Mênh mang đời người
Trước kia khi chưa lên bờ để đến sống ở khu tái định xã Phú An này, thì gia đình chị chen chúc sống lênh đênh trên một con thuyền nhỏ. Cuộc sống lênh đênh, chất chứa nhiều rủi ro trong mưa bão. Tuổi thơ của chị là những ngày tháng vô tích sự, thành người thừa, là kẻ ăn bám... Chị chỉ biết bò lê, trượt dài trên con đò dài 10m và khóc.
Thấy bạn bè cùng lứa nô đùa, háo hức đến trường, chị ganh tỵ và ao ước. Nhưng vẫn chỉ là mơ ước. Nghèo khổ và lênh đênh sông nước, nên giấc mơ con chữ của 7 chị em chị Thuận rất xa vời.
Cha qua đời sau một trận đau nặng, lần lượt 6 em lấy chồng, lấy chồng ra ở riêng nên cuộc sống của hai mẹ con chị ngày càng bi đát hơn. Sau cơn đại hồng thủy năm 1999, mẹ con chị được lên bờ định cư, thoát khỏi kiếp lênh đênh sông nước.
Cũng chính hoàn cảnh bi đát và công cuộc vật lộn với cái ăn cái mặc khiến chị đã thay đổi thân phận. Đến hôm nay, khi ngồi tâm sự cùng với tôi, chị luôn nhắc đi nhắc lại câu nói của người hàng xóm mà đã giúp chị vượt lên số phận, vượt lên chính bản thân mình để chèo ghe đi mưu sinh.
Một hôm, bà Nguyễn Thị Chót (69 tuổi, mẹ chị) bị ốm nặng, không đi đánh cá được nên thiếu ăn. Chị đánh liều bò qua nhà hàng xóm mượn gạo. Người hàng xóm tốt bụng sau khi cho chị vay, thương tình nói: “Nay cũng lớn tuổi rồi, mẹ đã già yếu cũng có ngày nhắm mắt xuôi tay, mấy đứa em cũng nghèo, không đủ ăn. Nếu cứ ngồi một chỗ chờ mẹ nuôi thì sau ni mẹ chết đi, mần răng mà sống? Chị tàn tật, nhưng còn vận động được, thử kiếm việc chi đó mà mần coi răng”.
Nghe xong, chị Thuận khóc vì thấy buồn, xấu hổ, tự ái. Câu nói của người hàng xóm khiến chị có cảm giác như người vừa tỉnh sau cơn ngủ mê dài ngày. Rồi chị quyết tâm học làm một nghề kiếm sống. Chị học tất các nghề mà bà con lối xóm khuyên. Nhưng vẫn không có nghề nào chịu phục tùng đôi tay tật nguyền của chị. Sau cùng, chị quyết định tập chèo thuyền để quyết tâm đi đánh cá thay mẹ.
Nhiều lần chiếc thuyền xoay như chong chóng, lật úp, may có bà con cứu chứ không thì mất mạng. Chị kể: “Lúc đầu mới bước xuống thuyền chân đau lắm, tay vụng về chèo mãi không được. Nhiều người khuyên đừng đi làm nghề cá vì giữa đêm ở dưới nước nếu lật thuyền là chết liền. Nhưng tui phải liều mà đi làm chứ biết làm nghề chi, ai nuôi mình, nuôi mẹ già”.
Lúc chị Thuận ra đời, nhìn thấy thân thể của con như vậy, người mẹ đã quyết định giao con lại cho chồng để bà xuống tóc lên chùa tu. Thế nhưng, cái tình mẫu tử thiêng liêng đã không cho phép bà hành động như vậy. Bà quay trở lại cùng chồng chăm sóc con và rồi tiếp theo những năm sau đó sinh thêm 6 đứa cả trai lẫn gái.
Năm 2007, mẹ con chị được một người hảo tâm ở Hà Nội xây cho căn nhà làm chỗ trú mưa, nắng. Chị Thuận không giấu được niềm vui. Dẫu vậy, cuộc sống khó khăn vẫn bám lấy người phụ nữ kiên cường này. Mấy chục năm qua, chị đã sống và không gục ngã.