Lặn lội lên non gọi học trò

GD&TĐ - Các thầy cô giáo ở vùng cao, trước mỗi năm học mới, trước ngày khai trường phải lặn lội “ngược sơn” để gọi học trò về tựu trường. Đó là nỗi trăn trở từ bấy lâu nay của giáo dục vùng cao.

Hành trình xuống núi học chữ của học trò vùng cao thấm đẫm nỗi vất vả của cả thầy và trò
Hành trình xuống núi học chữ của học trò vùng cao thấm đẫm nỗi vất vả của cả thầy và trò

Những việc ngoài giáo án ngày tựu trường

Học trò ở trên núi cao, nghỉ hè, các em trở về bản với bố mẹ. Hết hè, có em xuống núi để tựu trường đúng lịch. Nhưng không ít em ở nhiều bản vùng cao đã không nhớ lịch học, thậm chí có em vì nhiều lí do đã quyết định bỏ học. 

Đó là chuyện không phải hiếm ở những ngôi trường đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, trước ngày khai trường, các nhà trường vùng cao đã phải làm thêm một công việc mà bản thân mỗi thầy cô giáo đều phải tham gia dù mong muốn không phải làm. Đó là thay nhau, chia nhau đi gọi học trò.

“Do nhận thức của phụ huynh học sinh và bản thân học sinh nên nghỉ hè, có em đã bỏ học để lấy vợ lấy chồng hoặc đi làm. Vì thế, bước vào tháng Tám, trường học vùng cao khá lo lắng về sĩ số học sinh, chúng tôi phải vận động cũng như cắt cử giáo viên đi gọi học trò” - Thầy Đồng Xuân Lợi - Hiệu trưởng Trường THCS Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ. 

Thầy Lợi tâm sự rằng, những năm trước đây, học sinh Bản Lang tuy hiếu học nhưng sau mỗi hè, có em không nhớ lịch học hoặc không đi học nữa. 

Vì thế, nhà trường vẫn phải tổ chức đến tận các bản để báo học sinh đi học. Giờ, tình trạng này giảm hẳn do nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt.

Cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền - Giáo viên phụ trách điểm trường Mầm non xã Xuân Hòa (Bảo Yên - Lào Cai) tại bản Tổng Mo tâm sự: “Chúng em dạy mầm non, đầu năm học phải lặn lội đến tận các bản để vận động cũng như đón các em về điểm trường để kịp với tiến độ. Biết là vất vả nhưng vẫn phải đi vì tương lai của các cháu”.

Đối với các thầy cô giáo ở miền xuôi, chuyện đi gọi học trò có lẽ khá xa lạ nhưng ở vùng cao, thì đó lại là chuyện như cơm bữa, đến hẹn lại lên. Dù làm gì, nghỉ hè ở đâu, cứ đến thời điểm tháng Tám, các thầy cô lại trở về trường để cùng nhau lo sĩ số, lo đến bản báo học trò lịch tựu trường.

Cô giáo Trần Thị Đàm dạy học ở Sìn Hồ (Lai Châu) nghỉ hè ở Phú Thọ, tuy cả năm mới về quê nhưng đầu tháng Tám, mặc dù Hiệu trưởng không gọi nhưng cô cũng vội vã “khăn gói” trở lại trường để đi vận động học sinh đến trường. Cô chia sẻ rằng, dạy học ở điểm trường thì phải làm như thế thì sĩ số mới ổn định.

Khi thầy đi tìm trò

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sĩ số đầu năm ở các trường học vùng khó không ổn định và các thầy cô giáo phải lo việc đi gọi học trò. 

Vẫn là những lí do vốn có ở vùng cao như hoàn cảnh gia đình học trò khó khăn, đường đi còn gập ghềnh nên thông tin chưa kịp thời, nhiều em mải chơi không nhớ lịch học. 

Song, lí do cơ bản vẫn là nhận thức của đại đa số phụ huynh trong các bản vùng sâu. Nhiều học sinh nữ sau hè đã được gia đình quyết định cho ở nhà lấy chồng. Phụ huynh cho rằng, vì đã nhận lễ của nhà trai rồi, nhà lại khó khăn nên không đi học được.

Thầy giáo Cao Ngọc Đạo - Giáo viên Trường THCS số 2 Xuân Hòa (Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Đến nhà học trò mới thấy hoàn cảnh các em vất vả, thiếu thốn như thế nào. Thật đắng lòng khi nhìn thấy bát muối dằm ớt đặt cạnh nồi cơm độn ngô”. 

Cơm chưa đủ no, cộng với nhận thức còn mịt mờ của cha mẹ thì việc học và tựu trường không đúng lịch của học trò vùng cao chẳng có gì bất ngờ đối với thầy cô giáo nơi đây.

Đường đi vận động học trò của thầy cô giáo vùng cao khá vất vả và nhọc nhằn. Núi cao, suối sâu, những con đường đất nhỏ chỉ vừa đi bộ chứ xe máy hay xe đạp thì bó tay. 

Hơn nữa, mùa này mưa lũ nhiều, nước ở các con suối dâng cao khó lòng qua được. Sóng điện thoại hay thông tin liên lạc đành chịu thua vì bản cao và xa quá.

“Nghe những cái tên bản như Cán Chải I, Cán Chải II, Thác Xa, Nặm Phung, Nặm Chày, Nặm Hu, Nặm Dìn, Nặm Phầy… ai ai cũng thấy xa xôi, hiểm trở và thấy “rợn” người. 

Nhưng năm học nào chúng em cũng phải đến với bản để gọi học trò” - Thầy giáo Hoàng Tùng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Bán trú Tân Tiến (Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng học sinh không đến trường đúng lịch, để ổn định sĩ số đầu năm, các nhà trường ở vùng cao đã hoàn toàn chủ động để đón các em, ổn định chỗ ăn ở khu bán trú và nhiều hình thức động viên khích lệ khác. 

Thầy Nguyễn Khánh Tường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) - nhớ lại: “Cứ đầu năm học, trường lại tổ chức đi vận động học sinh nghèo trên những bản xa để các em yên tâm đến lớp. 

Khi đi vận động, thầy cô thường mang theo bao tải sách giáo khoa, nếu em nào không mua được thì cho hoặc cho mượn, như thế các em mới chịu xuống núi đến trường”.

Hành trình đi tìm học trò trên những triền núi cao của thầy giáo, cô giáo vùng cao thật gian nan. Tất cả vì tương lai của các em, những mầm non của núi rừng sẽ vươn lên xóa đi mây mù và nghèo đói trong nay mai. 

Hi vọng thế nên thầy cô vùng cao, thay cho sự rộn rạo của niềm vui trước ngày khai trường, những bước chân không mỏi đã “ngược sơn” đi tìm con chữ như một sự dấn thân không mệt mỏi.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ