Thủ khoa hay 'ra đề' đố bạn

GD&TĐ - Nguyễn Hạo Thiên là thủ khoa đầu vào có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT cao nhất của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM)...

Nguyễn Hạo Thiên nhận giấy khen của quận Tân Phú, TPHCM dành cho học sinh giỏi cấp thành phố. Ảnh: NVCC
Nguyễn Hạo Thiên nhận giấy khen của quận Tân Phú, TPHCM dành cho học sinh giỏi cấp thành phố. Ảnh: NVCC

Với điểm số ba môn tổ hợp A01 29,8 (Toán 9,8 điểm; Vật lý 10; Tiếng Anh 9,8 điểm), Nguyễn Hạo Thiên trở thành thủ khoa đầu vào có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT cao nhất của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM).

Thích toán, mê lập trình game

Hạo Thiên cho biết, từ bé em đã mê môn Toán. Từ lớp 7, Thiên đã thích lập trình và mày mò học hỏi trên mạng. “Bố em là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở TPHCM, mẹ là giáo viên tiếng Anh tại Long An. Em đã được cha mẹ cho lên thành phố nội trú từ lớp 10 để tập trung vào việc học”, nam sinh quê Long An nói. Thiên chia sẻ rằng, em không muốn theo nghề giáo giống mẹ vì “em là người hướng nội” và cũng không muốn trở thành thành viên bác sĩ như cha vì “em khá sợ máu”. Dù gia đình có truyền thống theo nghề y nhưng Thiên lại muốn theo học ngành khoa học máy tính để sau này có thể lập trình game, với mong muốn có thể đóng góp để ngành game Việt Nam ngày càng phát triển và khẳng định tên tuổi trên bản đồ ngành game thế giới.

Ngôi trường THPT nam sinh theo học là trường dân lập nội trú, ngoài giờ học hai buổi mỗi ngày, học sinh có thêm giờ học buổi tối từ 18 - 22 giờ, trừ thứ Bảy và Chủ nhật. Đặc biệt trong trường, học sinh không được dùng điện thoại di động. Vậy nên khi học ở trường THPT nội trú, nam sinh chủ yếu tập trung cho bài vở.

Trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT, Thiên học khoảng 18 tiếng mỗi ngày, thời gian ăn uống, ngủ nghỉ của em ước chừng chỉ khoảng 6 tiếng. “Nghe danh Bách khoa rất nổi tiếng về ngành Khoa học máy tính mà lại lấy điểm rất cao nên em phải cố gắng không ngừng nghỉ. 2 tháng trước thi em chỉ đạt khoảng 27 điểm ở bài kiểm tra định kỳ. Em khá buồn vì điểm không như mong đợi. Khi nhìn thấy các bạn xung quanh vẫn tiếp tục ôn tập, cố gắng, em đã tự trấn an tinh thần và nỗ lực hơn”, Thiên nhớ lại.

thu-khoa-hay-ra-de-do-ban-1.jpg
Hạo Thiên (ngoài cùng bên phải) cùng các tân thủ khoa của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận bằng khen tại lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: HCMUT

Bí quyết học tập của tân thủ khoa

Thiên cho biết, em không có phương pháp học đặc biệt. Với môn Toán và Vật lý, Thiên làm lại nhiều lần những câu khó để tăng độ “nhạy”, đồng thời cũng tự nghĩ ra đề toán để ôn lại kiến thức, hỏi đáp với bạn bè, đồng thời giúp bạn bè luyện tập thêm. “Em rất thích giải toán, cứ có thời gian rỗi là em lại tự ra đề toán, tự giải. Em cũng thích ra đề toán để đố các bạn, cảm giác rất vui khi ra được những đề toán hay. Các bạn luôn hưởng ứng và cũng là nguồn cảm hứng, chất liệu cho những đề toán của em”, Thiên chia sẻ.

Để có kết quả học tập tốt hơn, Thiên đã tự học rất nhiều. “Em tìm nhiều hướng giải khác nhau của mỗi bài toán và cảm thấy thú vị với những hướng giải khác nhau đưa đến kết quả như nhau. Em thấy tự học sẽ giúp mình thấm bài và làm chủ các tình huống. Năm lớp 10 em tạo đề theo định dạng của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, sang lớp 11 thì theo chương trình ‘Ai là triệu phú’ và đến năm lớp 12 thì mô phỏng theo đề thi tốt nghiệp THPT”, Hạo Thiên nói.

Với môn Tiếng Anh, nam sinh không gặp khó vì đã tiếp xúc với môn này từ năm lớp 4, chủ yếu qua các video. Theo thủ khoa đầu vào Trường Đại học Bách khoa, cách này vừa để giải trí, vừa luyện khả năng nghe và trau dồi vốn từ. Chia sẻ thêm về bí quyết đạt IELTS 8.0, Thiên cho biết, việc xem các video tiếng Anh hằng ngày, dùng tiếng Anh nhiều hơn trong giao tiếp khiến bản thân cậu thích thú với ngoại ngữ này.

“Mẹ đã dạy Tiếng Anh cho em từ ngày còn nhỏ. Để đạt được kết quả tốt, ngoài những kiến thức nền mà mẹ đã dạy thì em được học Tiếng Anh ở trên trường, kế đó là tự ôn tập và không đi học thêm ở đâu cả”, Thiên cho biết. Sau khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trái ngọt đã đến với Hạo Thiên, em trở thành thủ khoa khối A01 toàn quốc với số điểm 29,6 và đậu vào ngôi trường tốp đầu của cả nước.

Thầy Đồng Văn Chiến - giáo viên chủ nhiệm lớp 12E1 Trường TH - THCS - THPT Lê Thánh Tông (Tân Phú, TPHCM) cho biết, Thiên là học sinh lễ phép, chăm ngoan và đặc biệt có tinh thần tự học rất cao. “Em được thầy yêu, bạn mến. Tôi vui mừng với kết quả này của em và thấy em rất xứng đáng”, thầy Chiến nói và cho biết thêm, năm học lớp 12, Hạo Thiên đoạt giải Nhất “Giải Toán trên máy tính cầm tay” và giải Nhì “Học sinh giỏi môn Toán” của TPHCM với số điểm cao nhất (kỳ thi này không có giải Nhất).

Trong kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, Nguyễn Hạo Thiên đạt 988/1.200 điểm. Trong hơn 104.000 thí sinh, chỉ 1.600 người đạt mốc điểm từ 951 trở lên.

Bà Nguyễn Khôi Hạnh, mẹ của Hạo Thiên, cho biết rất vui mừng và hạnh phúc với những nỗ lực và thành quả mà con trai đạt được. “Trước đây cũng có lúc con bị điểm thấp. Tuy vậy, gia đình chưa bao giờ la mắng con mà chỉ khích lệ, động viên. Chúng tôi cũng không ép con theo nghề y mà để con tự lựa chọn. Có lẽ nhờ thế tinh thần con cũng tốt hơn, làm bài thoải mái hơn”, người mẹ nói, giọng tự hào.

Ngoài Nguyễn Hạo Thiên, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng có 3 gương mặt thủ khoa với thành tích xuất sắc ở các phương thức xét tuyển. Phạm Minh Tiến (Trường TH - THCS - THPT Lê Thánh Tông, TPHCM) có tổng điểm xét tuyển theo phương thức tổng hợp là 95,62 chọn theo học ngành Khoa học máy tính, chương trình dạy và học bằng tiếng Anh; Phạm Như Hà Linh (Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk) là nữ sinh có điểm đầu vào cao nhất theo phương thức xét tuyển tổng hợp, với số điểm 93,02/100, theo học nhóm ngành Điện - Điện tử; Đinh Quốc Thịnh (Trường THPT Nguyễn Trãi, Khánh Hòa) đạt tổng điểm 1.080/1.200, thủ khoa phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, trúng tuyển ngành Khoa học máy tính, chương trình chuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…