Ứng dụng tế bào gốc mở ra hướng điều trị mới trong y học

GD&TĐ - Ứng dụng tế bào gốc đã mở ra những hướng điều trị mới và mang tính cách mạng trong y học.

Bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai thực hiện kỹ thuật gạn tách tế bào gốc cho bệnh nhân trước khi ghép.
Bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai thực hiện kỹ thuật gạn tách tế bào gốc cho bệnh nhân trước khi ghép.

Mang lại hy vọng cho bệnh nhân

Với khả năng phân hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, tế bào gốc được ứng dụng trong việc điều trị nhiều loại bệnh và đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu y học.

Nếu ví cơ thể người như một tòa nhà thì tế bào gốc chính là nền móng của tòa nhà ấy. Tế bào gốc có khả năng tạo ra hơn 200 loại tế bào chuyên biệt gồm tế bào máu, xương, sụn, cơ, mỡ,…

Không chỉ đảm nhận vai trò xây dựng trong giai đoạn phát triển cơ thể mà tế bào gốc còn đóng vai trò bảo trì và sửa chữa khi mô bị tổn thương.

Các nhà nghiên cứu y học đang khai thác tiềm năng của tế bào gốc để điều trị các bệnh về máu. Đồng thời, mở rộng nghiên cứu nhằm phát triển những liệu pháp mới cho nhiều bệnh khác.

Hiện nay, việc tế bào gốc đã và đang được thử nghiệm lâm sàng cũng như ứng dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến thẩm mỹ (bệnh về da và tóc), bệnh lão suy, lão hoá viêm, bệnh cơ xương khớp, bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hoá (béo phì, mỡ máu, đái tháo đường,…), bệnh thoái hoá thần kinh (Alzheimer, Parkinson’s,…) với nhiều kết quả minh chứng tính an toàn và hiệu quả khi ứng dụng tế bào gốc trung mô trong y học tái tạo.

TS. BS. Trịnh Như Thùy - Giám đốc Ngân hàng mô, Bệnh viện Quốc tế DNA chia sẻ: “Tế bào gốc có hai đặc điểm quan trọng là khả năng tự làm mới, tăng sinh và khả năng biệt hóa. Tế bào gốc liên tục phân chia để tạo ra các bản sao chính xác của chúng. Trong khi các tế bào bình thường cũng có thể nhân lên và phân chia nhưng lại có tuổi thọ hạn chế hơn".

Với khả năng biệt hóa, tế bào gốc có thể biến đổi thành các loại tế bào chuyên biệt, như tế bào máu, da, cơ, xương,… Tế bào gốc là một lĩnh vực đầy tiềm năng với nhiều ứng dụng quan trọng trong y học, từ điều trị các bệnh huyết học đến tái tạo mô và thử nghiệm thuốc.

Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong việc sử dụng tế bào gốc trong lâm sàng, nhiều nghiên cứu vẫn đang tiếp tục để khai thác tối đa tiềm năng của tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý khác.

Sự phát triển của công nghệ tế bào gốc ngày nay không chỉ mở ra cơ hội mới cho y học mà còn mang lại hy vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại Việt Nam, trong điều trị bệnh hiện nay, tế bào gốc được ứng dụng chủ yếu ở các bệnh về máu và rối loạn miễn dịch.

TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng - Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh. Bệnh viện Bạch Mai hiện đã làm chủ được phương pháp ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh huyết học. Hiện, bệnh viện đã ghép tế bào gốc cho hơn 120 bệnh nhân với tỷ lệ thành công cao. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị đã có sức khỏe bình thường”.

Được biết, cả nước đang có hơn 10 bệnh viện có thể ghép tế bào gốc với hơn 1.000 bệnh nhân đã được ghép.

Giải pháp điều trị mới cho các bệnh

Trước những tiềm năng to lớn của công nghệ tế bào gốc, GS. TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: “Công nghệ tế bào gốc là một lĩnh vực tiên phong trong y học tái tạo và y học cá thể hóa. Đây là công nghệ có khả năng khai thác tối ưu nguồn tài nguyên tế bào gốc từ cơ thể, tạo ra những giải pháp điều trị mới cho các bệnh lý mà hiện tại chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, đặc biệt là các bệnh lý thoái hóa, ung thư, và các tổn thương nghiêm trọng".

Cũng theo GS.TS Trần Văn Thuấn, tế bào gốc, với khả năng tự tái tạo và biệt hóa thành nhiều loại tế bào chuyên biệt, có thể thay thế và phục hồi các mô, cơ quan bị tổn thương.

Ứng dụng tế bào gốc đã mở ra những hướng điều trị mới và mang tính cách mạng trong y học, đặc biệt trong các lĩnh vực như tái tạo mô, xương, sụn, và thần kinh​.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đưa ra một số định hướng để chuyên ngành này có thể phát triển vững chắc ở Việt Nam: “Công nghệ tế bào gốc đòi hỏi cơ sở vật chất tiên tiến và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như GMP, cGMP. Do đó, Bộ Y tế khuyến khích các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp tiếp tục tập trung đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống ngân hàng lạnh, phòng thí nghiệm chuyên sâu và hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế".

Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng của các sản phẩm tế bào gốc, mà còn giúp các đơn vị trong nước dễ dàng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, công nghệ tế bào gốc là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng và liên tục có những đổi mới từ các nước phát triển.

Hợp tác quốc tế sẽ giúp chúng ta tiếp thu các tiến bộ khoa học, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển giao công nghệ mới.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng, quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, các tập đoàn y sinh học trên thế giới sẽ tiếp tục được mở rộng để tăng cường năng lực nội tại, tiếp thu các công nghệ tiên tiến và phù hợp hóa các quy trình điều trị tế bào gốc cho người Việt Nam. Bộ Y tế cũng khuyến khích các trung tâm đào tạo phổ biến kiến thức, giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ với các Trường đại học Y Dược, các viện nghiên cứu sẽ giúp xây dựng một hệ sinh thái nhân lực chuyên nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu nội địa vừa tham gia các dự án nghiên cứu khu vực và quốc tế.

Đồng thời, Bộ Y tế hy vọng các đơn vị sẽ tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Từ đó, đóng góp vào thị trường y tế, tạo nên các liệu pháp và sản phẩm tế bào gốc "Made in Vietnam" có tính cạnh tranh cao.

Cũng theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế sẽ tăng cường các chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, khuyến khích việc đăng ký bảo hộ các sáng chế, ứng dụng nghiên cứu nhằm bảo vệ thành quả nghiên cứu, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu của Việt Nam trên bản đồ công nghệ tế bào gốc toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…