Sử dụng thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, làm dự án học tập… để lấy điểm thay cho các bài kiểm tra trên giấy truyền thống là làn gió mới trong kiểm tra, đánh giá được nhiều trường quan tâm triển khai, đặc biệt khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020.
Lối mòn trong đánh giá học sinh dần thay đổi khi các em có thể làm kịch bản, ứng tuyển, tập luyện, chuẩn bị trang phục, kỹ thuật, biểu diễn… cho một vở kịch để lấy điểm kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn. Hoặc thay vì làm bài kiểm tra trên giấy, học sinh thiết kế infographic, quay video, làm PowerPoint…, thể hiện những kiến thức mà mình tìm hiểu được về các nước ASEAN để lấy điểm môn Lịch sử.
Với môn Công nghệ, các em thiết kế 3D và in thành sản phẩm. Kể cả môn Thể dục, học sinh cũng có thể tìm hiểu lịch sử của một môn thể thao, trình bày một cách sáng tạo và gửi thầy cô… Những môn học khác như Tiếng Anh, Vật lý, Địa lý, Sinh học… cũng phù hợp với việc đánh giá qua thực hành, dự án học tập…
Đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá là xu hướng hiện đại và kết quả thu được không chỉ dừng ở điểm số, mà còn giúp học sinh vận dụng kiến thức, thể hiện, phát triển năng lực; trong đó có tư duy tổng hợp, năng lực tự học, sáng tạo, thuyết trình, hợp tác, làm việc nhóm, thúc đẩy tính chủ động… Đó là những kết quả vượt trội không thể có nếu thực hiện với một bài kiểm tra trên giấy…
Khẳng định tính tích cực của các hình thức đánh giá mới, trong đó có dự án học tập, bài thực hành, TS Bùi Thị Thanh Hương - giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn một con số đáng suy ngẫm: Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/10 của Singapore - đây là một trong những rào cản cho tăng trưởng kinh tế và tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại của nước ta.
Năng suất lao động hình thành bởi các kỹ năng được rèn luyện từ nhỏ, như kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề, xác định ưu tiên, lên kế hoạch, tổ chức thực thi kế hoạch được hình thành trong các dự án nhỏ học tập. Các kỹ năng hợp tác, lãnh đạo, khai thác nguồn lực xung quanh để giải quyết và thực thi vấn đề được hình thành từ quá trình làm việc nhóm.
Tuy nhiên, mỗi phương pháp, hình thức dạy học đều có ưu và nhược điểm nhất định, giáo viên cần sử dụng linh hoạt, phù hợp, khoa học, tránh lạm dụng một phương pháp. Đặc biệt, hình thức kiểm tra qua bài thực hành, dự án đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức nên càng cần tần suất phù hợp, tránh học sinh thấy “ngợp” sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Năng lực chuyên môn của giáo viên là yếu tố quyết định đến chất lượng các hình thức đánh giá mới.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các bài kiểm tra thực hành, dự án học tập phải nêu rõ tiêu chí cụ thể để đánh giá phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Còn với TS Bùi Thị Thanh Hương, để phát huy hiệu quả hình thức đánh giá mới, nhà trường cần triển khai các giải pháp nâng cao năng lực tổ chức giảng dạy, đánh giá, học tập theo xu hướng này và sự hỗ trợ của công nghệ là chìa khóa quan trọng.
Kế hoạch tổng thể về triển khai các dự án học tập lớn nhỏ trên toàn trường là không thể thiếu nhằm tránh tình trạng nhiều dự án diễn ra trong cùng một khoảng thời gian. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các điển hình mẫu về lớp học, cá nhân thực hiện quá trình học tập, đánh giá tích cực thông qua hoạt động, giúp nhân rộng mô hình tích cực này.