Lần đầu tiên VN sẽ tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời

Lần đầu tiên VN sẽ tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời

(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT cho biết, kỷ niệm ngày quốc tế xóa mù chữ, vào tháng 10/2011, lần đầu tiên ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT, phối hợp với Trung ương Hội Khuyến học, Bộ VH-TT&DL, UNESCO Việt Nam, các đoàn thể, và các tổ chức quốc tế, sẽ tổ chức Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời.

Mục đích của những hoạt động kỷ niệm này nhằm thúc đẩy hơn nữa việc học tập xuyên suốt mọi giai đoạn của cuộc đời, nhờ đó biết đọc biết viết tạo thành nền tảng và là một công cụ đầy quyền lực để xây dựng xã hội học tập.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1966, Ngày Quốc tế Xóa mù chữ đã được UNESCO công bố để nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tình hình biết đọc biết viết và học tập của người lớn trên khắp thế giới. Hoạt động kỷ niệm ngày quốc tế này của năm nay ghi nhận mối liên hệ giữa việc xóa mù chữ và hòa bình.

Trên toàn thế giới vào năm 2009, 793 triệu người lớn không biết đọc hoặc biết viết, khoảng hai phần ba trong số họ là phụ nữ; tỉ lệ biết đọc biết viết của người thành niên trên toàn cầu là 83%.

Ở Việt Nam, kỷ niệm ngày này là một dịp tốt để tôn vinh những tiến bộ đầy ấn tượng mà quốc gia này đã đạt được trong việc tăng cường công tác xóa mù chữ và hướng tới việc đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về Giáo dục cho mọi người vào năm 2015. Hiện nay, 96% trẻ em ở Việt Nam được nhận vào trường tiểu học, điều đó đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình hình biết đọc biết viết tại quốc gia này. Các tổ chức Liên hiệp quốc ở Việt Nam đang cố gắng vươn tới số 4% trẻ em còn chưa tới trường nhằm đạt được sự phổ cập tiếp cận giáo dục thực sự cho mọi người Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng những ưu tiên của Chính phủ bao gồm cả việc cung cấp và nâng cao các chương trình xóa mù chữ. Các nỗ lực sẽ tập trung đặc biệt vào người học mười lăm tuổi trở lên, phụ nữ và các dân tộc thiểu số ở miền núi và các vùng khó khăn. Điều này sẽ đóng góp cho một xã hội có tính hòa nhập cao hơn ở Việt Nam và góp phần tăng cường hòa bình xuyên biên giới.
 

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ