Lần đầu ra mắt nhà bạn trai, cô gái dính ngay “thị phi”

GD&TĐ - Sự nhạy cảm của một bà mẹ khiến tôi tin rằng con trai mình đang dành tình cảm đặc biệt cho cô gái đó, chúng không phải là bạn bè thông thường.

Lần đầu ra mắt nhà bạn trai, cô gái dính ngay “thị phi”

Nam - con trai út của chúng tôi, đã khiến cả nhà choáng nặng khi thông báo về kế hoạch du học nước ngoài với gói học bổng toàn phần mà nó “săn” được. Tôi vừa mừng vừa thấp thỏm lo âu, nhưng việc cần làm trước mắt là mở một bữa tiệc để người thân trong gia đình có dịp chúc mừng thằng bé. 

Trong lúc tôi đang cân đối những món sẽ được bày biện trong bữa tiệc, Việt Anh – con trai lớn của tôi, thông báo: “Mẹ ơi, mai con rủ bạn con đến nữa nhé”. Tôi trả lời con nhưng mắt vẫn không rời khỏi thực đơn: “Con mời mấy bạn để mẹ tính?”. Việt Anh trả lời rất nhanh: “Con chỉ mời một bạn thôi mẹ ạ”.

Họ hàng bên nội và bên ngoại của vợ chồng tôi rất đông. Biết tin cháu cưng sắp đi du học, ai cũng háo hức đến chia vui. Bữa tiệc được tổ chức ở một nhà hàng lớn nên tôi cứ liên tục chạy từ chỗ này đến chỗ khác, nâng ly đáp lại sự nhiệt tình của mọi người. Bữa tiệc tưởng như không có lúc nào ngớt tiếng cười thì bỗng nhiên không khí chùng hẳn xuống. 

Tôi nghe rõ những tiếng “Ồ”, “À”, Wow” của mấy đứa cháu họ. Không rõ có chuyện gì, tôi buông ly rượu vang, nhìn về phía mọi người đang chú ý. Đó chính là nơi con trai lớn của tôi đang ngồi, và bên cạnh nó là một cô gái – người đang bối rối tột độ khi hàng chục ánh mắt đang “xâu xé” mình.

Sự nhạy cảm của một bà mẹ khiến tôi tin rằng con trai mình đang dành tình cảm đặc biệt cho cô gái đó, chúng không phải là bạn bè thông thường. Tôi cảm thấy mình chưa thể thích nghi cảnh sắp phải sống xa con trai út, giờ con trai lớn lại bất ngờ dẫn bạn gái về. Tự dưng trống ngực tôi đập thình thịch, sau đó là cảm giác nôn nao rất khó tả, như thể tôi vừa đánh mất một thứ gì đó rất quan trọng. Nhưng rồi cảm xúc ấy cũng nhanh chóng qua đi. 

Giống như một thứ bản năng đang thôi thúc mình, tôi tiến đến, chủ động đưa ly rượu về phía cô gái. Con bé nhận ra tôi là mẹ của bạn trai, nó luống cuống chạm nhẹ chiếc ly của nó vào ly của tôi, và cũng đủ tinh tế để giữ chiếc ly của nó thấp hơn. Trong khoảnh khắc chớp nhoáng ấy, tôi đã mỉm cười với nó.

Bữa tiệc chưa thực sự kết thúc. Việt Anh xin phép đưa bạn gái về nhà sớm. Lúc này người bạn thân của tôi mới có dịp đứng gần tôi, xoáy ngay vào chủ đề nóng: “Này bà, con bé đó là người ở đâu vậy? Gia đình nó thế nào?”. Tôi trả lời cho xong: “Tôi không biết, thằng Việt Anh chưa kể gì với tôi cả, ôi dào, chúng nó là bạn bè ấy mà”. Bạn tôi không chấp nhận câu trả lời hời hợt ấy: “Chán bà! Theo tôi quan sát thì hình như chúng nó thắm thiết lắm rồi. Tôi không hiểu bà làm mẹ kiểu gì mà con trai có người yêu cũng không biết. Mà này, tôi thấy con bé đó cứ sao sao ấy…”.

Hơi khó chịu khi nghe những lời nhận xét về bạn của con, tôi quày quả đáp lại: “Tôi thấy nó cũng xinh xắn hiền lành mà, bà khó tính vừa thôi”. Nhưng xem ra bạn tôi còn khó chịu hơn cả tôi: “Bà là mẹ chồng tương lai đấy, bà nghĩ mà xem, thằng Việt Anh là con trưởng, sau này vợ nó phải lo toan rất nhiều việc lớn trong gia đình, một đứa con dâu chậm mồm chậm miệng sẽ không thể làm tốt được”.

Tôi không hài lòng chút nào về người bạn hơi nhiều chuyện của mình, nhưng khi tàn tiệc và về nhà, tôi cũng thấy lo lắng. Người tôi có thể chia sẻ lúc đó là chồng mình: “Anh thấy bạn gái của thằng Việt Anh thế nào?”. Chồng tôi – một kẻ nghiện công việc và luôn thờ ơ với đời sống cá nhân của các thành viên trong gia đình, bỗng nhiên trở nên khác lạ khi nhận xét: “Anh thấy con bé đó ngoan hiền, hợp với con mình đấy”. 

“Nhưng nó chậm mồm chậm miệng quá” – tôi cố gắng hóa thân vào “vai ác” để xem chồng phản ứng ra sao, không ngờ tôi phải nhận về những lời phê phán quyết liệt: “Hôm nay em đã nói chuyện với con bé tí nào chưa mà bảo con nhà người ta chậm mồm chậm miệng, em lại nghe bà Quỳnh phán phải không? Em nên biết rằng, đây là lần đầu tiên con trai mình dẫn nó về ra mắt, chắc chắn nó đã rất ngại với mọi người. Tâm lý không thoải mái thì không thể hiện được gì nhiều. Con bé cần thời gian để bộc lộ tính cách, mà anh nghĩ em nên chủ động gần gũi với nó để nó dần mở lòng. Đừng cố gắng giữ dáng vẻ như một bà mẹ chồng lạnh lùng, em làm nó sợ đấy!”.

Thời gian sau đó, tôi tạm gác lại chuyện Việt Anh có bạn gái để chuẩn bị thủ tục đưa Nam đi du học. Ngày tôi về nước, Việt Anh lái xe ra sân bay đón. Hai mẹ con hầu như im lặng suốt chặng đường về nhà. Tôi đoán Việt Anh muốn tâm sự với tôi về bạn gái nhưng nó chưa biết phải mở lời thế nào. Tối hôm đó, tôi đưa cho con một gói quà nhỏ, bảo: “Đây là chiếc áo mẹ mua cho bạn gái con, hy vọng con bé mặc vừa”.

Chồng tôi giấu nụ cười của anh sau chiếc máy tính bảng, còn Việt Anh, nó vui và lúng túng đến mức đỏ cả mặt: “Ôi, mẹ mua quà cho Phương thật ạ? Chắc Phương vui lắm, con cảm ơn mẹ ạ”.

Sáng hôm sau, điện thoại bàn nhà tôi reo lên. Lâu lắm rồi không có ai gọi vào số cố định nên tôi cứ ngỡ đó là một người họ hàng, nhưng giọng nói nhỏ nhẹ từ đầu dây bên kia thực sự khiến tôi bất ngờ: “Cháu Phương đây ạ, cháu cảm ơn bác về món quà…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.