Hạnh phúc của vợ chồng già

GD&TĐ - Sáng sớm, ông lay nhẹ lưng bà: “Dậy đi bà ơi, tôi đói rồi”. Không giống mọi ngày, bà tỏ ra lười biếng, trả lời ông mà mắt nhắm tịt: “Tôi muốn ngủ nữa”.

Hạnh phúc của vợ chồng già

Sáng sớm, lũ chim hoang lại có dịp “chí chách” ngoài vườn, có lẽ chúng vừa phát hiện ra chú sâu non nào đó. Gọi là vườn cho oách, nhưng thực ra đó chỉ là góc ban công nhỏ bé nhưng vô cùng xinh đẹp và điệu đà được bà tỉ tót mỗi ngày.

Ông lay nhẹ lưng bà: “Dậy đi bà ơi, tôi đói rồi”. Không giống mọi ngày, bà tỏ ra lười biếng, trả lời ông mà mắt nhắm tịt: “Tôi muốn ngủ nữa”.

Thật lạ! Ngày thường ông hay cáu gắt bà những chuyện lặt vặt, vậy mà hôm nay ông chỉ cười nhẹ rồi đứng dậy vươn vai, dường như ông đã quên cơn đói vừa nãy.

Không thấy ông “quấy nhiễu” giấc ngủ nướng, bà hoang mang đến nỗi tỉnh cả ngủ, đành vùng dậy, gấp chăn gọn gàng rồi lặng lẽ xuống bếp.

Mùi thức ăn trong tủ lạnh khiến bà thấy ớn, ngày nào cũng cá, thịt, rồi lại cá. Bà lạnh lùng dập cánh tủ lạnh thật mạnh, buông mình xuống ghế, biểu cảm thẫn thờ.

Không thấy tiếng lạch cạch quen thuộc, ông ngó vào bếp, hỏi: “Bà đã uống mật ong chanh đào chưa?”. Bà lắc đầu. Ông sốt sắng đến gần, đặt tay lên trán bà: “Bà mệt đấy hả? Sao hôm nay bà lạ thế?”.

Bà dằn dỗi gạt tay ông ra, giọng nặng trịch: “Tôi chả làm sao cả? Ông mới khác thường ấy”. Ông gật đầu, cười nhẹ: “À à, tôi bắt được bệnh của bà rồi”. Nói xong ông đi thẳng ra phòng khách và không thấy quay lại nữa.

Bà đoán ông đi tụ tập với nhóm bạn đánh cờ trong xóm rồi tranh thủ đi ăn sáng luôn. Bà thấy mồm miệng nhạt thếch, bụng đói nhưng không thấy thèm bất cứ món gì.

Lâu lắm rồi bà mới có cảm giác trống rỗng và chán nản thế này. Không biết làm gì, bà quay lại phòng ngủ, trút ra những nhịp thở nặng nề. Bà không muốn ngủ thêm nhưng mí mắt nặng trĩu chỉ muốn sập xuống, trong giấc ngủ chập chờn và mỏi mệt, bà nghe thấy tiếng cười rúc rích của lũ trẻ, tiếng bước chân nhè nhẹ của con gái, tiếng búa chát chúa của con rể khi nó đang cố gắng gắn lại chiếc khung ảnh gia đình từng bị rơi từ trên cao xuống.

“Bà ơi! Bà ơi! Hí hí hí!” – những âm thanh ấy sống động đến mức khiến bà vùng dậy, và trong tích tắc, bà ngỡ lũ trẻ đang ở gần đây.

Ông đẩy cửa phòng ngủ, thắc mắc: “Ơ kìa bà! Bọn trẻ đến rồi, giờ này bà còn ngủ à?”. Bà chối phắt: “Ngủ làm sao được, tôi toàn nhắm mắt để đấy”. Ông giục: “Không ngủ thì bà xuống đi kẻo bọn nó lên đây phá đấy”. Thì ra ban nãy bà không nằm mơ. Bà xỏ dép, vội vàng xuống nhà đón cháu.

Hai đứa cháu trai dường như chẳng để ý đến sự xuất hiện của bà, chúng nhảy chồm chồm trên sofa rồi lại thách nhau xem đứa nào dám nhảy từ trên sofa xuống dưới đất.

Bà đến gần, tét yêu mỗi đứa một phát vào mông: “Không đứa nào chịu chào bà hả? Bà phạt, không thưởng nữa nhá”. Vừa nghe nhắc đến thưởng, đứa nào cũng sợ mất “quyền lợi”, chúng nhao nhao lên: “Cháu chào bà ạ!”. Bà mắng yêu chúng: “Sư bố các anh, chỉ thế là giỏi”.

Con gái bà bưng ra một đĩa dưa hấu đỏ au, cười tươi như hoa mười giờ: “Mẹ đừng chiều chúng nó, bọn này sắp hư rồi”. Bọn trẻ lại nhào đến ôm cổ mẹ: “Không! Chúng con ngoan mà, bà ơi, mẹ cháu nói đùa đấy ạ”. Bà gật gật: “Ừ, bà biết rồi, mẹ chúng mày chỉ thích dìm hàng thôi”.

Con gái đưa cho bà một miếng dưa, chưa kịp mời thì ông gàn: “Mẹ mày không ăn dưa được đâu, lại kêu xót ruột đấy, sáng ra phải ăn tí tinh bột đã chứ”. Con gái ngạc nhiên: “Giờ này mà mẹ chưa ăn sáng á?”. Ông nửa đùa nửa thật: “Mẹ nhớ chúng mày nên mới thế đấy”. Bà chối đây đẩy: “Vớ vẩn! Tự nhiên tôi thấy nhạt miệng, không muốn ăn cái gì thôi, nhớ gì mà nhớ”.

Con rể đi từ bếp ra, giọng hân hoan: “Mẹ ơi, nếu nhớ chúng con thì mẹ cứ nói, mẹ đừng ngại”. Bà lườm con rể rồi mắng yêu: “Cha bố anh, chỉ được cái dẻo miệng”.

Lâu lắm cả nhà mới có dịp quây quần bên nhau, bà và con gái líu ríu trong bếp, ông và con rể đăm chiêu bên bàn cờ, bọn trẻ thì không ngừng cười đùa, có lúc cao hứng, chúng giãy giụa, hò hét ỏm tỏi.

Bà vốn sợ tiếng ồn, không chịu nổi, chạy ra nạt bọn trẻ: “Chúng mày đừng nghịch nữa, rức sủ quá!”. Tĩnh lặng được vài giây nhưng vì không hiểu bà nói gì, chúng lại nô đùa tiếp.

Xế chiều, con gái giục bọn trẻ: “Mình chuẩn bị về thôi các con”. Bà liếc nhìn đồng hồ, vẻ mặt tiếc nuối: “Chóng hết ngày thế nhỉ?”.

Tiễn bọn trẻ xong, ông quay vào nhà, hỏi như đùa: “Bà khóc đấy à? Gớm, tuần sau chúng nó lại sang chơi mà”. Bà cáu: “Vớ vẩn, khóc gì mà khóc. Mà nhé, hôm nay ông tự động gọi chúng sang mà không hỏi ý kiến tôi”. Ông ngạc nhiên: “Ơ cái bà này, đáng nhẽ bà phải khen tôi tâm lý chứ nhỉ, thấy bà chán chường, tôi gọi chúng nó sang cho và giải khuây còn gì nữa, giờ bà còn mắng tôi”.

Bà giải thích: “Ông xem, chúng nó nghịch như quỷ, mà tôi đang mệt sẵn, giờ tôi cứ như người đi mượn ấy, nhức mỏi, ê ẩm khắp nơi”. Ông kéo bà ngồi lại xuống ghế, liên nục nắn vai, xoa lưng cho bà, giọng điệu khác hẳn lúc trước: “Bà nói phải, đáng lẽ tôi phải hỏi ý kiến bà, công nhận, bọn nó ồn ào thật, mình già rồi, không theo kịp chúng nó, may mà ngày xưa tôi với bà nhất quyết cho chúng nó ở riêng”. Bà đồng tình: “Thật! Ở chung với tụi nó có khi chúng ta rủ nhau… đi sớm!”.

Gần đây, đôi vợ chồng tuổi xế chiều thường nói đùa như thế và cảm thấy rất nhẹ nhõm, thoải mái. Bà không còn sợ bệnh tật và sự xa cách nữa vì bà nhớ có lần ông nói: “Thiên đường hay địa ngục nằm ở trong suy nghĩ của chúng ta. Điều tôi ước ao là khi tôi không còn sức khỏe, tôi vẫn được nắm tay bà, cùng ngả lưng trên thảm cỏ mềm, cùng ngắm bầu trời xanh. Với tôi, khoảnh khắc đó chính là thiên đường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ