Làm thuyền vượt thác

GD&TĐ - Một sự tình cờ thú vị là hầu như những người làm công tác khuyến học đều ở tuổi “xưa nay hiếm”. Vận động sự đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm để xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ những HS khó khăn về kinh tế là hoạt động thường xuyên của hội viên ở các cấp hội. 

Hội Khuyến học TP Đà Nẵng đã bảo trợ rất nhiều suất học bổng dài hạn cho HS, SV yên tâm học tập
Hội Khuyến học TP Đà Nẵng đã bảo trợ rất nhiều suất học bổng dài hạn cho HS, SV yên tâm học tập

Có không ít người trong họ, đã thầm lặng trích những đồng lương hưu của mình, góp một phần bé nhỏ như là một cách nhen lên niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp ở đời, mong các em vững vàng tiếp bước trong hành trình chữ nghĩa.

1.Thầm lặng và nhẫn nại, gần 15 năm nay, cô giáo Lê Thị Mỹ Phước (P. Hoà Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) thường xuyên đến nhà những HS có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi, động viên. “Có thăm hỏi sát sao, mới nắm kịp thời những tâm tư, nguyện vọng để giúp đỡ. Có thể là chỗ dựa về tinh thần, cũng có thể là khoản tiền đóng học mà ba mẹ các em chưa kịp xoay xở…” - cô Phước cho biết.

Kể từ ngày về hưu, cô Phước đã quen với việc tính toán sít sao mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình mình, để mỗi bữa đi chợ có thể dôi ra chút đỉnh bỏ vào heo đất. Con heo khuyến học, theo như lời cô Phước, nó “chẳng đáng bao nhiêu nhưng giúp được các em là thấy vui lắm. Cuộc đời người giáo viên không có gì hạnh phúc bằng thấy học sinh mình được đến trường”.

Từ những con heo đất khuyến học này, trước ngày khai giảng đầu mỗi năm học mới, cô giáo Phước tặng hàng chục suất quà, có thể là bộ sách giáo khoa hoặc bộ đồng phục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng – ngôi trường đã gắn bó với cô trong những năm tháng còn giảng dạy. Dịp tổng kết năm học của nhà trường, cô Phước cũng có quà động viên những HS đoạt giải môn Ngữ văn trong kỳ thi HS giỏi cấp thành phố. Cô Mỹ Phước còn nhận bảo trợ cho em Lê Thị Ngọc Hà từ khi là HS lớp 6 cho đến khi trở thành SV năm cuối Trường ĐH Sư phạm. Bà nội em Ngọc Hà nghẹn lời khi nhắc đến những ân tình của cô giáo Phước đối với đứa cháu sớm rơi vào cảnh côi cút: “Ba mẹ cháu bị bệnh hiểm nghèo lần lượt qua đời, cháu trở nên trầm cảm, học hành bê trễ. Nhờ có cô Phước mà cháu lấy lại được tự tin, ham học”.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Xạ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng cho biết: “Ngoài tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp… Thành Hội đã tiếp nhận các khoản đóng góp rất đáng được trân trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là tấm lòng vì khuyến học của Đại tá cựu chiến binh Lâm Quang Minh, năm nay 97 tuổi, đã trích tiền bán nhà và dùng tiền lương hưu hỗ trợ học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm từ 20 - 30 triệu đồng, bà Nông Thị Ngọc Minh ủng hộ mỗi năm từ 10 - 12 triệu đồng tặng học bổng cho HS là người dân tộc Cơ Tu vượt khó học giỏi.

Hay như tấm lòng của ông Trần Thận, ủng hộ toàn bộ tiền phúng điếu đám tang của vợ mình; gia đình của cố nhà giáo Huỳnh Phát gửi toàn bộ tiền phúng điếu tại tang lễ của cố nhà giáo để trao học bổng dài hạn cho HS vượt khó hiếu học đang cư trú và theo học tại các trường THPT của huyện Hòa Vang có điều kiện học hết bậc THPT và đại học”.

Con heo đất khuyến học của cô Lê Thị Mỹ Phước (ảnh nhân vật cung cấp)
  • Con heo đất khuyến học của cô Lê Thị Mỹ Phước (ảnh nhân vật cung cấp)

2.Thầy Trần Anh Tuấn - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng tâm sự: “Làm công tác khuyến học không khó, chỉ khó đối với những người không có cái tâm. Và điều quan trọng nhất, không phải “xin” được bao nhiêu suất học bổng, mà phải làm sao để phụ huynh, học sinh và cả cộng đồng am hiểu sự học, hình thành được động cơ học tập… có như vậy thì việc xây dựng xã hội học tập mới có thể bền vững”.

Từ 2013 - 2018, Hội Khuyến học TP Đà Nẵng đã vận động hơn 63 tỷ đồng để cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, qua việc nhiều cá nhân ủng hộ cả tiền hưu, tiền tuất, hiếu hỉ cho quỹ khuyến học, khuyến tài của địa phương cho thấy nguồn vận động quỹ khuyến học ở Đà Nẵng rất đa dạng, phong phú. 

Là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối khó khăn, chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc di dời, giải tỏa, dân lao động cũng nhiều, Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn có nhiều hoạt động nhằm tư vấn cho phụ huynh trong việc quản lý con em.

Thông qua các buổi họp tổ dân phố, các chi hội cơ sở lồng ghép để hướng dẫn phụ huynh tổ chức, sắp xếp góc học tập cho con em mình ở nhà, theo dõi thời khóa biểu, lịch học thêm, cách kèm cặp giờ học, giờ chơi của con. Với những học sinh học lực yếu, Hội Khuyến học đã phối hợp với Hội Cựu giáo chức tổ chức phụ đạo, kèm cặp để “tiếp sức”, giúp cho các em không vì “đuối quá” mà nản chuyện học. Chất lượng giáo dục của địa phương, vì vậy, đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Số học sinh bỏ học ít dần qua từng năm học.

Cô Phước, thầy Tuấn… và rất nhiều hội viên của Hội Khuyến học TP Đà Nẵng đã không ít lần tự bỏ tiền túi ra để giúp đỡ những trường hợp HS, SV gặp khó khăn đột xuất, như cách mà thầy Tuấn chia sẻ: “Làm công tác khuyến học là phải linh động, khi cần phải làm kịp thời, không chờ có tiền mới giải quyết, mới ngăn chặn được các em bỏ học vì lý do kinh tế”. Những người làm công tác khuyến học bằng nhiều cách khác nhau, đã nhận mình là chiếc thuyền giúp các em vượt những thác ghềnh của cuộc sống, để con đường đến trường của các em không bị rơi vào ngõ cụt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ