Lý do chọn viết về đồng nghiệp tại nơi đang công tác được cô giáo Bùi Thị Tuyết Nhung chia sẻ: “Tôi và cô giáo Phạm Xuân Năm đã cùng công tác nhau gần 10 năm dưới mái trường THPT số 1 Văn Bàn. Tôi đã chứng kiến sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của người em, người đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn, nhiệm vụ đã kinh qua. Bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp đã được cô giáo Phạm Xuân Năm tận tình giúp đỡ trong quá trình làm việc để trưởng thành và làm tốt hơn công việc được giao…”.
Nói về người đồng nghiệp đề cập trong tác phẩm tham dự cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III, cô giáo Bùi Thị Tuyết Nhung cũng bày tỏ sự cảm phục đối với sự tâm huyết, những sáng tạo và tài năng của nhân vật.
“Cô giáo Phạm Xuân Năm có tác phong nhanh nhẹn, nhạy bén trong công việc, là người thông minh và hiểu biết sâu rộng, đặc biệt ở cô luôn nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Trong mối quan hệ với học sinh tận tình chỉ bảo, dùng những phương pháp linh hoạt để giáo dục hiệu quả, quan hệ ứng xử đúng mực, được các thế hệ học sinh trân trọng, phụ huynh yêu quý. Cô Năm là giáo viên có bề dày thành tích trong ôn thi học sinh giỏi và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học thành công với những giải thưởng quý giá. Tôi đã học được ở đồng nghiệp của mình về chuyên môn, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy. Cô Năm đã truyền cảm hứng tích cực tới đồng nghiệp trong trường, khơi dậy niềm say mê, tận tâm với công việc. Cô Năm nhưng mang đến cho mọi người thông điệp làm việc hết mình để không bao giờ hối tiếc và thu được kết quả tốt nhất” - Cô Bùi Thị Tuyết Nhung bày tỏ.
Cô giáo Bùi Thị Tuyết Nhung cũng cho biết khi cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III được phát động đã lập tức tham dự. Bởi bản thân cô nhận thấy đây là cuộc thi ý nghĩa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến đồng nghiệp trong trường nói riêng và các thầy cô giáo trên khắp mọi miền tổ quốc nói chung.
Tham dự vào cuộc thi cô Nhung đã trưởng thành hơn từ suy nghĩ đến hành động. “Tư tưởng của Bác đã giúp em nhận thức được tầm quan trọng của nghề giáo và xứ mệnh của mình đối với nghề. Điều quan trọng nhất trong giáo dục không chỉ là truyền dạy kiến thức mà hơn thế phải dạy học sinh về đạo đức và trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Đối với bộ môn Ngữ văn, người giáo viên càng phải quan tâm để lồng ghép giá trị nhân văn, bài học đạo đức vào mỗi bài giảng hàng ngày để giáo dục học sinh. Những giá trị cốt lõi của cuộc thi sẽ giúp mỗi giáo viên thay đổi hành động, có tâm thế tốt khi tới trường, đứng trên bục giảng và cống hiến hết sức mình. thu về những kết quả tốt nhất”.
Cô Bùi Thị Tuyết Nhung cũng cho rằng: Làm theo lời Bác không nhất định phải là những điều lớn lao, vĩ mô mà với mỗi nhà giáo có thể bắt đầu từ những điều giản dị nhất như lời nói, cử chỉ, hành động với đồng nghiệp, phụ huynh, học trò; sự sáng tạo trong từng giờ dạy, trong công tác quản lý lớp, giáo dục đạo đức HS.
Và như cô giáo Phạm Xuân Năm tâm sự: Nhiệm vụ, công việc nào cũng cần hoàn thành tốt, dù chỉ là rất nhỏ. Đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho xã hội là sống có ích và ý nghĩa. Đừng để lãng phí thời gian, hãy dành nó cho công việc. Không thể làm việc qua loa, hời hợt. Điều đó trái với lương tâm và đạo đức 1 nhà giáo…